CHỮ “TÁI” 再 TRONG HÁN NGỮ CỔ
Trong Tả truyện – Trang Công thập niên 左傳 - 莊公十年:
Nhất cổ tác khí, tái nhi suy, tam nhi kiệt
一鼓作氣, 再而衰, 三而竭
(Trống đánh lần thứ nhất thì khí thế phấn chấn, đánh lần thứ hai thì suy, đánh lần thứ ba thì khí thế đã kiệt)
Trong Hi Công – Ngũ niên 左傳 - 僖公五年:
Nhất chi vi thậm, kì khả tái hồ?
一之為甚, 其可再乎
(Lần thứ nhất thì đã quá lắm rồi, há có thể có lần thứ hai?)
Trong Luận ngữ - Công Dã Tràng 論語 - 公冶長:
Quý Văn Tử tam tư nhi hậu hành, Tử văn chi viết: ‘Tái, tư khả hĩ’.
季文子三思而後行, 子聞之曰: ‘再, 斯可矣’.
(Quý Văn Tử gặp việc gì cũng suy nghĩ ba lần rồi mới làm, Khổng Tử nghe được mới nói rằng: ‘Lần thứ hai là được rồi đấy’.)
Chú ý:
Người xưa khi biểu thị số lượng của động tác, từ “nhất thứ” 一次(lần thứ 1) đến “thập thứ” 十次 (lần thứ 10), đều dùng chữ số thông thường, như “nhất cổ tác khí”, “tam tư nhi hậu hành”, “lục xuất Kì Sơn”, “cửu phạt trung nguyên” …, duy chỉ lần thứ hai thì lại dùng “tái”.
Phân biệt “lưỡng” 兩 “tái” 再“phục” 復“cánh” 更 và “hựu” 又 :
Lưỡng 兩: có thể dùng làm phó từ, nhưng ý nghĩa của nó có khác với “tái”. “Lưỡng” chỉ song phương, chỉ “diện” 面của động tác; “tái” chỉ 2 lần, chỉ “lượng” 量của động tác.
Phục 復: cần phân biệt rõ “tái” và “phục”.
Khi nói “tái” là có ý nhằm vào số lượng của lần (2 lần); khi nói “phục” là nhằm vào sự lặp lại của hành vi, cho nên không dừng lại ở 2 lần cũng có thể dùng “phục”.
Chữ “tái” trong Hán ngữ hiện đại tương đương với chữ chữ “phục” thời cổ. Nếu lấy ý nghĩa hiện đại để xem chữ “tái” thời cổ (đặc biệt là Hán ngữ thượng cổ) sẽ hiếu sai. Ví dụ câu:
Tam niên tái hội
三年再會
Ý nghĩa thời thượng cổ là nói “nội trong 3 năm sẽ gặp 2 lần”; nếu theo hiện đại giải thích là “sau 3 năm sẽ gặp lại”, như vậy là sai.
Cánh 更: ý nghĩa của phó từ “cánh” là từ “cải biến” “thay đổi” phát triển ra. Cho nên khi dùng làm phó từ có ý nghĩa “khác”, “một lần nữa”. Trong Hi Công – Ngũ niên 左傳 - 僖公五年 có câu:
Tấn bất cánh cử hĩ
晉不更舉矣
(Tấn không cần cử binh lần thứ hai nữa đâu)
Điều mà “cánh” cường điệu là tình huống mới, không phải ở số lần.
Hựu 又: tăng cường ngữ khí, mang sắc thái tình cảm. Như trong Tả truyện – Trang Công thập niên 左傳 - 莊公十年 có câu:
Nhục thực giả mưu chi, hựu hà gián yên?
肉食者謀之? 又何間焉?
(Đã có bọn ăn thịt mưu tính, lại xen vào làm gì?)
Đồng thời nó còn biểu thị về ý nghĩa tăng thêm một bậc, hoặc ngữ khí chuyển đổi. Như Tả truyện – Chiêu Công thập nhị niên 左傳 - 昭公十二年:
Vi phú Lục tiêu, phất tri, hựu bất đáp phú.
為賦蓼蕭, 弗知, 又答賦.
(Nhạc công hát bài “Lục tiêu”, sứ giả không hiểu nên không hát đáp lại)
(Lục tiêu 蓼蕭: tên một thiên ở Tiểu nhã trong kinh Thi)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 28/6/2015
Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 1)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét