ĐIỀN VĂN
(tiếp theo)
Chẳng bao lâu đại thần Điền Giáp 田甲 bức hiếp Tề Mẫn Vương. Có người vu cáo nói Điền Văn đang ngầm vạch kế sách. Tề Mẫn Vương muốn hại Điền Văn, Điền Văn đành phải bỏ trốn. Lúc bấy giờ có một môn khách từng bị Điền Văn trách phạt dâng thư biện bạch cho Điền Văn, đồng thời tự vẫn ở ngoài cung môn để chứng minh sự thanh bạch của Điền Văn. Tề Mẫn Vương sai người đi điều tra, quả nhiên là Điền Văn bị oan nên mới cho gọi Điền Văn trở về. Điền Văn nhân vì thấy thanh danh của mình gặp phải sự nghi kị của Tề Mẫn Vương nên đã chối từ chức Tướng, trở về sống ở đất Tiết. Bách tính đất Tiết nghe nói Điền Văn trở về, già trẻ dắt nhau đi xa cả trăm dặm để nghinh đón. Điền Văn lúc này mới rõ tác dụng mà lúc trước Phùng Huyên đã thu phục nhân tâm.
Từ đó về sau Phùng Huyên lại du thuyết Tần Vương và Tề Mẫn Vương, khiến Điền Văn một lần nữa trở thành Tể tướng nước Tề. Năm 286 trước công nguyên, Điền Văn lại bị Tề Mẫn Vương nghi kị, bỏ chạy đến nước Nguỵ, được Nguỵ Vương bái làm Tướng quốc. Điền Văn liên lạc với Tần, Triệu giúp Yên công phá nước Tề. Tề Mẫn Vương chạy trốn đến đất Cử 莒 thì bị giết, khiến hình thế Chiến quốc lại biến đổi. Sau khi Tề Tương Vương 齐襄王 lên ngôi, Điền Văn lại về lại nước Tề.
Sức chịu đựng của Điền Văn rất lớn, ông giỏi tiếp thụ phê bình, khuyên gián. Lúc đầu khi thăm nước Sở, Sở Vương muốn tặng ông một chiếc giường rất quý làm bằng ngà voi, đồng thời sai Đăng Đồ Trực 登徒直 hộ tống đến nước Tề. Đăng Đồ Trực sợ trên đường, giường ngà voi bị hư hại sẽ bị phạt nặng, lại không dám trái mệnh, nên đã dùng bảo kiếm tổ truyền hối lộ môn khách của Điền Văn là Công Tôn Hoằng 公孙弘, nhờ ông ta tìm cách. Công Tôn Hoằng nói với Điền Văn rằng:
Các nước sở dĩ kính trọng ngài là do bởi nhân nghĩa và liêm khiết của ngài. Nay ngài vừa đến nước Sở đã tiếp nhận lễ vật quý giá này, thế thì những nước mà ngài chưa đi qua có thể dùng món gì để tặng cho ngài đây?
Điền Văn liền tạ tuyệt chiếc giường ngà voi mà Sở Vương tặng. Côn Tôn Hoằng thấy sự tình đã làm xong, bảo kiếm đã đến tay, vui mừng cáo từ nhẹ nhàng bước đi. Điền Văn lấy làm lạ liền gọi lại, sau khi hỏi rõ chân tướng sự tính, liền viết ngay lên cửa:
Ai có thể giữ gìn, làm lan truyền thanh danh của ta, ngăn chặn lỗi lầm của ta, cho dù có lén nhận vật báu của người khác cũng chẳng sao. Mau đến phê bình ta đi.
Điền Văn từ đất Tiết về lại đô thành, một lần nữa nhậm chức Tướng quốc nước Tề, nhân vì giận triều thần lúc ban đầu phụ hoạ với sự nghi kị của Tề Mẫn Vương hại mình, nên đã viết lên thẻ trúc tên của 500 người, chuẩn bị lần này sau khi về đô sẽ báo phục. Trên đường, Điền Văn gặp Đàm Thập Tử 谭拾子. Đàm Thập Tử hỏi Điền Văn:
Nghe nói ông rất giận triều thần, một lòng muốn giết họ?
Điền Văn căm phẫn đáp rằng:
Đúng, tôi muốn giết họ.
Đàm Thập Tử khuyên rằng:
Ông xem, ở chợ lúc sáng sớm hàng quán rất đông, có đồ để bán, người rất đông; chiều tối không có đồ để bán, chợ trống rỗng. Nhân sự cũng giống như thế, khi ông giàu sang người người đều đến thân cận ông; khi sa sút, mọi người cũng tránh xa ông. Đó là thường tình của con người, ông chớ có ghi hận trong lòng mà báo phục triều thần.
Điền Văn nghe xong liền tỉnh ngộ, xấu hổ cảm thấy khí lượng của mình quá nhỏ, nên liền xoá sạch tên trên thẻ trúc, không nhắc đến chuyện báo phục nữa.
Về sau, Điền Văn đau bệnh và qua đời.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 20/6/2015
Nguyên tác Trung văn
ĐIỀN VĂN
田文
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999
0 nhận xét:
Đăng nhận xét