LAI LỊCH TRƯƠNG GIA GIỚI
Trương Gia Giới 张家界 thuở ban đầu không gọi là “Trương Gia Giới” mà gọi là “Thanh Nham sơn” 青岩山. Lúc bấy giờ trên Thanh Nham sơn cũng không có người họ Trương 张 sinh sống. Tại sao về sau lại gọi là “Trương Gia Giới”? Việc này phải bắt đầu từ Lưu Hầu Trương Lương 留侯侯张良 thời Hán.
Tương truyền, Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦 sau khi bình định thiên hạ đã lạm sát công thần. Lưu Hầu Trương Lương cũng rùng mình khi nghĩ tới câu nói của Hoài Âm Hầu Hàn Tín 淮阴侯韩信:
Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; phi điểu tận, lương cung tàng; địch quốc phá, mưu thần vong.
狡兔死, 走狗烹; 飞鸟尽, 良弓藏; 敌国破, 谋臣亡.
(Thỏ chết thì chó săn cũng bị nấu; chim hết thì cung cũng đem cất; nước địch phá xong thì mưu thần cũng bị mất mạng)
Trương Lương muốn học theo Phạm Lãi 范蠡 nước Việt năm đó, ẩn cư chốn giang hồ. Nhưng đi đến nơi nào đây? Vùng Giang Hoài 江淮 là nơi tâm phúc của họ Lưu; đến huyện Lưu 留 nơi phong quốc thì không thể ở lâu dài; vùng Tần Lĩnh 秦岭, Ba Sơn 巴山 thì hổ báo thành bầy, không phải là nơi sinh sống; phía tây bắc thì Hung Nô quấy nhiễu ….. nghĩ tới nghĩ lui, chỉ có thế đến phương nam tìm Tiên sư Xích Tùng Tử 赤松子! Ngày trước Tam Lư đại phu Khuất Nguyên 屈原 bị đày, từng đi qua Kinh Châu 荆州, Vũ Lăng 武陵, còn lưu lại nhiều câu thơ ở sông Nguyên 沅 sông Lễ 澧 và ở những danh sơn:
Nguyên hữu chỉ hề Lễ hữu lan
Tư công tử hề vị cảm ngôn
沅有芷兮澧有兰
思公子兮未敢言
(Sông Nguyên có cỏ chỉ, sông Lễ có cỏ lan
Nhớ đến công tử mà không dám nói thành lời)
Quảng khai hề thiên môn
Phân ngô thừa hề huyền vân
广开兮天门
纷吾乘兮玄云
(Mở rộng cửa thiên cung
Ta cưỡi đám mây đen đến)
Nghĩ rằng nơi đó có lẽ là tiên cảnh, có nhiều lạc thú trong cuộc sống, vì thế Trương Lương bèn theo dấu vết của Xích Tùng Tử, leo lên Thiên Môn sơn 天门山. Sau lại chuyển đến Thanh Nham sơn. Nơi đây riêng một góc trời, đúng là nơi mà Trương Lương cần tìm. “Thế ngoại tiên cảnh!” Từ đó, Trương Lương bèn ẩn cư nơi đây, tu hành học đạo, đồng thời đã lưu lại một dòng con cháu họ Trương. Truyền thuyết kể rằng, để sông núi nơi Thanh Nham sơn ngày càng đẹp, Trương Lương từng trồng ở phía nam Thanh Nham sơn 7 cây ngân hạnh. 7 cây này vừa cao vừa lớn, giống 7 tán dù che.
Sau nhiều năm, một ngày nọ có một tên quan triều đình trên Trương Vạn Xung 张万冲, mặc áo bào, ngồi kiệu lớn 8 người khiêng, dẫn theo thê thiếp con cái lên Thanh Nham sơn du ngoạn. Khi ông ta nhìn thấy 7 cây ngân hạnh, giống 7 người khổng lồ đứng nơi đó bèn nảy tà tâm, muốn lấy 7 cây đó làm ranh giới, đem mảnh đất thần kì Thanh Nham sơn quy về mình. Thế là ông ta mời đến một thợ điêu khắc nổi tiếng, bảo người thợ khắc trên mỗi cây một chữ lớn. Người thợ khắc bảy bảy bốn mươi chín ngày mới khắc xong 7 chữ:
chỉ huy sứ Trương Vạn Xung giới.
指挥使张万冲界
Chữ khắc xong, Trương Vạn Xung nghiêng đầu nhìn ngắm, vừa nhìn vừa đọc, rồi cười nói rằng:
Tốt lắm, vạn cổ thiên thu thuộc sở hữu của ta.
Ngay lập tức ông ta treo bảng cáo thị, quy định lấy 7 cây ngân hạnh làm ranh giới rộng 50 dặm, từ La Cổ tháp 锣鼓塌 đến Hoàng Thạch trại 黄石寨, từ Triều Thiên quan 朝天观đến Chỉ Mã tháp 止马塌, nhất luật cấm chỉ thông hành, ai vi phạm sẽ bị chém đầu. Trương Vạn Xung lại đuổi gia tộc họ Trương trên sơn trại đi nơi khác, để chiếm riêng tiên sơn phúc địa này. Lệnh cấm ban ra, bách tính chung quanh ngay cả việc đốn củi chăn trâu cũng phải đi vòng, còn gia tộc họ Trương dìu già dắt trẻ lưu li thất sở.
Một ngày nọ, thợ săn Trương Gia Hùng 张家雄 vào núi săn hổ, đúng lúc đi qua 7 cây ngân hạnh. Ông nhìn thấy trên mỗi cây đều chảy một dòng nước vàng, giống như nước mắt của con người. Lúc ban đầu Trương Gia Hùng cảm thấy rất kì lạ, không biết cây ngân hạnh tại sao lại rơi nước mắt, sau nhìn thấy 7 chữ “chỉ huy sứ Trương Vạn Xung giới” mới vỡ lẽ. trong phút bốc lửa giận bốc lên, rút mạnh dao vung lên, chỉ mấy nhát, 2 chữ “Vạn Xung” sửa thành “Gia Hùng”, thêm mấy nhát nữa, chẻ tan tấm cáo thị.
Hành động này của Trương Gia Hùng rất quan trọng, dân trong trại ngoài trại đều đồng thanh hô tốt, chỉ có Trương Vạn Xung giận dữ nhảy dựng lên. Trương Vạn Xung điều 300 thân binh tới vây chặt Thanh Nham sơn, chặt đến nỗi giọt nước không lọt ra được. Ông ta bắt người, lục tìm khắp núi, bắt không được Trương Gia Hùng, ông trút giận lên đầu người dân, xua dân trong trại đến dưới cây ngân hạnh, lên tiếng rằng máu của mọi người sẽ nhuộm đỏ 7 chữ kia. Trong lúc nguy cấp, chỉ thấy một luồng ánh sáng từ trên cây, cành lá xào xạc, thân cây đột nhiên phun ra 7 dòng nước vàng, bắn thẳng đến người và ngựa của Trương Vạn Xung. Phút chốc, sóng to gió lớn nổi lên mù trời mù đất, cuốn phăng 300 binh mã của Trương Vạn Xung quăng vào khe Kim Tiên 金鞭. Dân trại trông thấy tình huống đó sợ đến mức khấu đầu dưới cây ngân hạnh, kêu trời gọi đất, cầu xin trời xanh bảo hộ. Bấy giờ mọi người nghe được từ đám mây trên đầu có tiếng người nói:
Các trại dân nghe đây, vùng đất này vốn là trời gây đất dựng, là tiên cảnh chốn nhân gian, làm sao có thể dung chứa bọn con cháu Trương Vạn Xung hoành hành ngang ngược! Vị thần của ta đã lệnh cho Bạch Quả tiên nhân đem bọn họ táng vào trong biển lớn. Nay vùng này thuộc về họ Trương cùng chung sở hữu, đời đời nối nhau.
Nói xong vị tiên nhân cầm cây phất trần chỉ vào 7 cây ngân hạnh, chỉ thấy trên 7 cây ngân hạnh lập tức xuất hiện 7 chữ vàng lớn:
Nhân gian tiên cảnh Trương gia giới
人间仙境张家界
Mọi người ngẩng đầu nhìn xem, chỉ thấy vị tiên nhân có dáng dấp của một thư sinh, đầu búi tóc cao, rất tiên phong đạo cốt. Mấy vị trưởng giả có học vấn trong đám đông, nhìn thấy kinh ngạc nói rằng:
Đó chẳng phải là ông Tử Phòng tại Thanh Nham sơn theo Xích Tùng Tử đồng du Thiên Môn sơn sao?
Mọi người nghe qua liền nhất tề bái lạy. Vị tiên nhân nọ rũ tay áo cười hân hoan rồi ẩn trong đám mây bay hướng đến Hoàng Thạch trại.
Nhân do tiên nhân Trương Lương ban cho tên gọi, từ đó mọi người gọi Thanh Nham sơn là “Trương Gia Giới”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 09/9/2015
Nguyên tác Trung văn
TRƯƠNG GIA GIỚI ĐÍCH LAI LỊCH
张家界的来历
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002
0 nhận xét:
Đăng nhận xét