About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Thần nhân Đổng Phụng

THẦN NHÂN ĐỔNG PHỤNG

          Theo Lịch thế chân tiên thể đạo thông giám 历世真仙体道通鉴:
          Đổng Phụng 董奉, tự Quân Dị 君异, người Phúc Châu 福州 thời Tam Quốc. Đổng Phụng từ nhỏ đã tu đạo, luyện thành thuật trường sinh bất lão, có người nhìn thấy ông ta trải qua hơn 50 năm mà dung nhân không hề thay đổi chút nào. Đổng Phụng còn luyện thành một số thần thuật khác.
          Có một lần, bạn của Đổng Phụng là Thứ sử Giao Châu Đỗ Tiếp 杜燮trúng độc chết. Ba ngày sau, Đổng Phụng nghe tin liền đến cứu. Đổng Phụng lấy 3 viên thuốc bỏ vào miệng người chết, sau đó bảo người nhà đỡ dậy, lắc lắc phần đầu để thuốc xuống bao tử. Chẳng mấy chốc Đỗ Tiếp mở mắt, tay chân bắt đầu hoạt động, da dần hồi phục sắc đỏ, chưa đến nửa ngày đã có thể đi lại, ba bốn ngày sau hoàn toàn bình phục.
          Đỗ Tiếp nhớ lại tình hình lúc chết, bảo rằng:
          Lúc chết giống như nằm mộng, trông thấy có đến mấy chục người mặc áo đen đến kéo tôi lên xe lợp mui cỏ bồng đưa đến một một nơi lạ, tiến vào đại hồng môn, sau đó trực tiếp đưa tôi đến ngục. Trong ngục đều là phòng đơn, mỗi người một phòng, chật đến nỗi chỉ chứa được một người. Căn phòng tôi ở, cửa lớn cửa sổ đều phong kín, nhìn không thấy bất cứ thứ gì bên ngoài. Bỗng có một người đến nói ông là sứ giả được phái đến để đưa tôi đi. Tôi liền theo sứ giả ra ngoài, đi được một lúc mới nhìn thấy một chiếc xe ngựa có lọng đỏ, có 3 người ngồi trên xe. Một người tay cầm roi kêu tôi lên xe. Xe đến cửa, tôi tỉnh dậy.
          Sau khi Đỗ Tiếp được cứu sống, để báo đáp Đổng Phụng đã mời Đổng Phụng ở lại, xây cho ông một gian phòng rất đẹp, lại tận tình khoản đãi. Nhưng Đổng Phụng chỉ ăn hoa quả, thích uống rượu. Ba năm sau, Đổng Phụng xin cáo biệt, Đỗ Tiếp ra sức lưu lại nhưng Đổng Phụng nhất quyết ra đi. Đỗ Tiếp thấy lưu lại không được nên liền hỏi có cần chuẩn bị thuyền. Đổng Phụng bảo rằng:
          Không cần, chỉ cần một quan tài.
          Đỗ Tiếp liền sai người đi tìm về một quan tài thật tốt. Trưa ngày hôm sau, Đổng Phụng đột nhiên chết. Đỗ Tiếp sai người đem thi thể Đổng Phụng bỏ vào quan tài và an táng tại Giao Châu 交州. 7 ngày sau, có người từ Đãng Xương 宕昌 đến, nói rằng nhìn thấy Đổng Phụng. Đổng Phụng còn nhờ chuyển lời cảm tạ đến Đỗ Tiếp. Đỗ Tiếp vội sai người đào mộ Đổng Phụng mở quan tài, bên trong chỉ thấy một miếng lụa và một tờ đan thư viết chữ bùa.
          Đổng Phụng về sau đến cư trú dưới chân Lư Sơn 庐山. Gần đó có một người lúc trẻ đã mắc phải bệnh hủi, hiện sinh mệnh rất nguy kịch, người nhà khiêng đến xin Đổng Phụng chữa trị. Đổng Phụng bảo bệnh nhân ngồi trong một gian phòng, dùng khăn bịt mắt lại, bảo bệnh nhân không được cử động, sau đó làm phép trị bệnh. Một lúc sau, bệnh nhân nói rằng:
          Tôi cảm thấy như có một con gì đến, hơi thở của nó như trâu, nó thè lưỡi dài đến cả xích liếm khắp người tôi, đau vô cùng.
          Qua một lúc nữa, bệnh nhân nói với Đổng Phụng, con vật giống con trâu đã đi rồi. Đổng Phụng bèn tháo khăn, bảo bệnh nhân mở mắt, cho uống một chén nước, cho về nhà và nói với bệnh nhân rằng chẳng bao lâu nữa sẽ khỏi. Quả nhiên hơn 10 ngày sau, toàn thân bệnh nhân phát đỏ, đau đớn vô cùng, dùng nước để rửa, cái đau giảm dần. Sau hơn 20 ngày nữa, da mới mọc ra, vết thương lành hẳn.
          Lại có một năm trời đại hạn không mưa, muôn vật trên mặt đất khô cháy. Huyện lệnh Đinh Sĩ Ngạn 丁士彦 nghe nói Đổng Phụng có đạo thuật, muốn nhờ cầu mưa. Vì thế đã chuẩn bị rượu ngon cùng hoa quả đi bái kiến Đổng Phụng, nói rằng:
          Nhờ tiên sinh cứu bách tính thoát nạn, xin trời đổ mưa.
          Đổng Phụng đáp rằng:
          Muốn có mưa rất dễ.
          Đổng Phụng ngẩng đầu nhìn lên căn nhà của mình rồi nói:
          Căn nhà cũ nát này của tôi khắp nơi đều có thể nhìn thấy trời, không thể có được mưa, ông tính phải làm sao đây?
          Huyện lệnh hiểu ý Đổng Phụng, nói rằng:
           Chỉ cần tiên sinh khiến cho trời đổ mưa, tôi sẽ xây cho tiên sinh căn nhà mới.
          Ngày hôm sau huyện lệnh cho người chuyển tre trúc đến, đích thân chỉ huy xây nhà mới. Nhà sau khi xây xong, sẽ dùng vôi hồ quét tường. Công nhân chuẩn bị đi đến nơi xa để lấy nước và hồ, Đổng Phụng bảo rằng:
          Không cần phải đi xa để lấy nước đâu, chiều tối sẽ có mưa.
          Đến chiều tối, quả nhiên một trận mưa lớn đổ xuống như thác, giải trừ được hạn.
          Đổng Phụng cư trú trong núi, thường dùng nước bùa để trị bệnh cho người, nhưng không bao giờ lấy tiền. Đợi sau khi bệnh nhân khỏi hẳn, chỉ yêu cầu họ trồng cây hạnh trên núi, người bệnh nặng trồng 5 cây, người bệnh nhẹ trồng 1 cây. Sau mấy năm trên núi đã có một rừng hạnh, tổng cộng có đến 7 vạn cây. Trùng điểu tẩu thú trong núi đều thích rừng hạnh này, chúng nô đùa đến nỗi cỏ trên mặt đất không mọc được. Đổng Phụng dùng trái hạnh đổi lấy lương thực, xây một cái kho bên cạnh rừng hạnh, mỗi khi trái chín, không cần thông báo, người mua hạnh tự đi nhặt lấy, sau đó căn cứ vào số lượng nhiều ít mà trả thóc hoặc đồ vật tương ứng. Nếu như ai muốn lấy nhiều trái mà lại trả thóc hoặc đồ vật ít thì sẽ có 3, 4 con cọp xuất hiện đuổi đi, lấy lại trái hạnh. Nếu như có ai ăn trộm, cọp sẽ cắn chết người ăn trộm. Nhưng nếu người nhà đem hạnh trả lại và nhận lỗi, người chết sẽ sống lại. Có mấy người trải qua những trường hợp như thế, mọi người đều biết Đổng Phụng không gạt ai, nên đều dựa theo yêu cầu để đổi hạnh, không dám lường gạt. Đổng Phụng dùng lương thực do bán hạnh có được cứu giúp người nghèo khổ và chi dùng lúc lữ hành.
          Đổng Phụng cư trú tại Lư Sơn mấy chục năm, về sau công hạnh viên mãn đã thăng thiên.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 10/11/2015

Nguyên tác Trung văn
THẦN NHÂN ĐỔNG PHỤNG
神人董奉
Trong quyển
ĐẠO KINH CỐ SỰ
道经故事
Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉
Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét