真味是淡, 至人如常
醲肥辛甘非真味, 真味只是淡; 神奇卓异非至人, 至人只是常
(菜根谭 - 立德修身)
CHÂN VỊ THỊ ĐẠM, CHÍ NHÂN NHƯ THƯỜNG
Nùng phì tân cam phi chân vị, chân vị chỉ thị đạm; thần kì trác dị phi chí nhân, chí nhân chỉ thị thường.
(Thái căn đàm – Lập đức tu thân)
MĨ VỊ CHÂN CHÍNH THÌ NHẠT,
CON NGƯỜI RẤT MỰC THÌ NHƯ BÌNH THƯỜNG
Rượu nồng thịt béo, chua ngọt đắng cay, không phải là mĩ vị chân chính; mĩ vị chân chính là thanh đạm bình hoà; người có hành vi cử chỉ thần kì siêu quần, không phải là người đức hạnh chân chính hoàn mĩ, người đức hạnh chân chính hoàn mĩ, hành vi cử chỉ của họ giống như người bình thường.
Giải thích và phân tích
Làm người nên nhạt không nên nồng, trong nhạt xuất hiện chân thú vị, trong nhạt xuất hiện bình thường tâm. Món ăn mĩ vị, một ngày ba bữa không rời sẽ cảm thấy ngán; người đặc biệt riêng đứng một mình, luôn nhân vì quá đặc thù mà không hợp với đám đông. Trên thế giới, món ăn ngon nhất chẳng qua là món thường ngày ở nhà, thánh nhân đức hạnh hoàn mĩ chẳng qua là người bình thường.
Chúng ta sinh ra là người phàm, không nên huyễn tưởng cuộc sống luôn luôn viên mãn, cũng không nên huyễn tưởng bốn mùa trong cuộc sống đều là mùa xuân, không ai có thể oanh liệt suốt cả một đời. Cuộc đời của mỗi người số mệnh đã định phải bạt thiệp gập ghềnh, nếm vị đắng cay chua chát, trải qua những bất lợi thất ý.
Có một hôm, người con chờ kế vị của nước Tề hỏi Mạnh Tử:
Tề vương thường phái người đến thăm tiên sinh, nghĩ rằng ngài nhất định có chỗ trác tuyệt hơn người.
Mạnh Tử cười đáp rằng:
Lẽ nào Nghiêu Thuấn nhiều tay chân hơn so với người thường sao? Ngay cả thánh nhân tiên hiền cũng không có chỗ nào khác với người thường, huống hồ là ta?
Trong mắt Mạnh Tử, thánh nhân và chúng ta cũng không có gì khác nhau. Nói cho cùng, chúng ta đều là người thường, cho dù ở địa vị cao, gia tài giàu có, nhưng cũng cần phải có “sơ tâm” 初心 và một tâm thái hoà bình. Nên nhớ rằng mình là người thường mới có tâm của thường nhân. Nói như thế, bất luận là đối mặt với gian khó hoặc những vui buồn lo sợ, chúng ta đều lấy tâm thái bình hoà để đối đãi, từ đó tránh được tuyệt vọng và tự mãn.
Trên đường đời mênh mông, thất ý không đáng sợ, bị trắc trở cũng không đáng sợ. Đại thi nhân Tô Đông Pha 苏东坡 bị liên luỵ vào vụ “ô đài thi án” 乌
台诗案, bị biếm đến làm Đoàn luyện phó sứ tại Hoàng Châu 黄州. Cho dù thân nơi nghịch cảnh, Tô Đông Pha vẫn khoáng đạt như trước, đêm trăng nơi Xích Bích 赤壁đã viết nên những câu khoái chá:
Kí phù du vu thiên địa, miểu thương hải chi nhất túc, ai ngô sinh chi tu du, tiện trường giang chi vô cùng. (Tiền Xích Bích phú)
寄蜉游于天地, 渺沧海之一粟, 哀吾生之须臾, 羡长江之无穷. (前赤壁赋)
(Gởi thân phù du trong trời đất, xem ta nhỏ bé như hạt thóc trong biển biếc mênh mông, thương cuộc đời ta ngắn ngủi, thích sông này dài vô tận.)
Đặt thân mình vào trong vũ trụ, chẳng qua nhỏ như một hạt bụi, thế thì có gì phải so đo? Hoa cuối xuân héo úa, năm tới lại rực rỡ khoe sắc; lá vàng trong gió thu rơi rụng, xuân sang lại tràn đầy sức sống, gian nan hiểm trở chẳng phải là tặng vật mà cuộc đời đã ban cho chúng ta sao?
Xưa nay, biết bao người tranh danh nơi triều, tranh lợi nơi chợ, khuynh loát lẫn nhau. Như vậy, hoặc có thể khoái ý nhất thời, nhưng con người đối với vũ trụ chẳng qua chỉ là khách qua đường mà thôi. Người thời Tống từng có thơ rằng:
Nhân sinh hữu tửu tu đương tuý
Nhất trích hà tằng đáo cửu tuyền
人生有酒须当醉
一滴何曾到九泉
(Đời người khi còn sống, có rượu nên say hưởng
Vì sau khi chết đi, rượu tế một giọt trước mộ phần cũng không xuống được cửu tuyền)
Tuy hơi tiêu cực nhưng có lí nhất định. Cho nên thái độ đối với cuộc sống, quý ở chỗ có tâm bình thường.
Điền Tử Phương 田子方 khi theo Nguỵ Văn Hầu 魏文侯, luôn không ngăn được ca ngợi Khê Công 溪工. Văn Hầu lấy làm lạ, liền hỏi:
Khê Công sao luôn được ông ca ngợi như thế? Ông ấy có phải từng là người thầy giúp ông không?
Điền Tử Phương đáp rằng:
Ông ấy chỉ là người hàng xóm của tôi, nhưng việc ăn nói ngôn luận của ông ta đáng để tôi ca ngợi.
Văn Hầu lại hỏi:
Thế thì thầy của ông là ai?
Tử Phương đáp:
Đông Quách Thuận Tử 东郭顺子
Văn Hầu vô cùng kinh ngạc hỏi:
Thế thì tại sao ông chưa từng ca ngợi ông ta?
Điền Tử Phương đáp rằng:
Thầy tôi tướng mạo bình thường, nhưng nội tâm hợp với tự nhiên, vả lại có thể thuận ứng sự vật ngoại tại, có thể bảo tồn tính tình chân chính vốn có, tâm cảnh thanh hư yên tĩnh có thể bao dung ngoại vật. Ngoài ra, nếu gặp phải sự vật ngoại giới không phù hợp với “đạo”, ông ấy liền nghiêm túc chỉ ra làm
cho tỉnh ngộ, từ đó mà khiến cho ý nghĩ tà ác của người khác tiêu trừ. Đối với vị thầy chân phác tự nhiên như thế, tôi là học trò có thể dùng ngôn từ nào để khái quát phẩm hạnh của thầy mình được?
Lời của Điền Tử Phương khiến chúng ta hiểu rõ, bất cứ những từ tu sức hoa mĩ nào cũng đều không có tư cách để trang sức cho cảnh giới bình hoà tự nhiên. Trong cuộc sống hiện thực, bất luận là những doanh nhân công thành danh tựu, hay những vị học giả đại sư đức cao vọng trọng, họ hoàn toàn không phải sinh ra đã là như thế, mà là có được từ trong bình thường thực hiện lí tưởng nhân sinh. Làm một người bình thường càng phải là như thế, chỉ có từ trong bình thường mới có thể bảo lưu bản tính thuần chân của con người, tâm thái bình hoà đối đãi nhân sinh mới có thể thưởng thức được trăm mùi vị cuộc đời trong sự bình đạm, và thêm vào đó từ trong bình thường hiển lộ được bản sắc anh hùng.
Nhân sinh tự nhiên thoải mái này, không phải là không cung kính, đùa với cuộc đời, càng không phải là tự mình vất bỏ mình. Tự nhiên thoải mái là thứ trang sức nhẹ của tư tưởng, tự nhiên thoải mái là tầm nhìn hướng về phía trước. Có thự nhiên thoải mái mới không bị suốt ngày buồn bực lo âu, có tự nhiên thoải mái mới không cảm thấy cuộc đời quá mệt. Hiểu được điều này, chúng ta đối với cuộc sống mới không cầu toàn trách bị, mới không bị bàng hoàng thất ý trước những gian khổ khó khăn. Hiểu được điều này, chúng ta mới có thể ưỡn ngực vươn vai, dưới ánh mặt trời ấm áp tìm được khởi điểm tràn đầy hi vọng. Nhân đó, chúng ta cần luôn giữ tâm thái bình hoà và tấm lòng cởi mở, để bản thân có được khoái lạc tràn đầy hi vọng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 29/3/2016
Nguồn
THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明
Biên soạn: Bàng Bác 庞博
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét