ĐỜI THANH, BỀ TÔI NGƯỜI HÁN TẠI SAO KHÔNG THỂ XƯNG
“NÔ TÀI”?
“Nô tài” 奴才 là từ xưng hô mang ý nghĩa chê không nghi ngờ gì. Nhưng với triều Thanh, người Mãn lại cho mình là vinh diệu khi làm “nô tài” của hoàng thượng, người Mãn tự xưng “nô tài”, biểu thị mình là thần tử của hoàng đế, là gia nô của hoàng đế. Còn bề tôi người Hán do bởi không có quan hệ chủ nô với hoàng đế, chỉ có thân phận bề tôi, cho nên không thể tự xưng là “nô tài”.
Năm 1773, tức năm Càn Long 乾隆 thứ 38, vì tệ nạn khoa trường, Thiên Bảo 天保 và Mã Nhân Long 马人龙 đã dâng tấu. Mở đầu bản tấu viết như sau:
“Nô tài Thiên Bảo, Mã Nhân Long …..”
Càn Long sau khi xem qua lửa giận bốc lên, quở trách Mã Nhân Long mạo xưng “nô tài”.
Tại sao Càn Long nói Mã Nhân Long mạo xưng “nô tài”? Bởi Mã Nhân Long là người Hán. Vốn là, tộc người Mãn thống trị luôn yêu cầu nghiêm túc người Hán với mình giữ sự nhất trí, họ cưỡng bức người Hán cạo tóc, thay đổi y phục mũ nón, đều là để người Hán quy thuận theo mình, thần phục mình. Nhưng duy chỉ một điều là không để cho người Hán xưng “nô tài” như người Mãn. Chính vì nguyên nhân này, nên khi Mã Nhân Long dâng tấu tự xưng “nô tài” mới bị cho là mạo xưng.
Nhìn từ bề ngoài, “nô tài” dường như không được như thể diện của “thần” 臣 có sự tôn nghiêm, nhưng phán đoán này khác xa với tình hình thực tế của triều Thanh. Trong tạp văn Cách mô 隔膜, Lỗ Tấn 鲁迅 có viết qua một đoạn, trên thực tế là trả lời lại vấn đề này. Lỗ Tấn nói rằng:
Người Mãn Châu phân biệt chủ nô rất nghiêm minh, đại thần tấu sự, tất xưng “nô tài”, còn người Hán lại xưng là “thần”. Đó không phải do bởi là “con cháu Viêm Hoàng” có sự ưu đãi có được tên đẹp, kì thực là để phân biệt với “nô tài” của người Mãn, địa vị của nó còn ở dưới cả “nô tài”.
Hoá ra, “nô tài” là “tự gia xưng hô” 自家称呼 giữa chủ và nô người Mãn Châu, bề tôi người Hán không có tư cách để xưng hô như thế.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn17/3/2016
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét