VÀI NÉT VỀ BỘ “SƠN HẢI KINH”
Trong thư tịch cổ đại của Trung Quốc, trứ tác mà bảo tồn được những tài liệu phong phú nhất phải kể đến Sơn hải kinh 山海经.
Sơn hải kinh tổng cộng có 18 thiên, phân làm 2 bộ phận: Sơn kinh 山经 và Hải kinh 海经.
- Sơn kinh có 5 thiên tức: Nam sơn kinh 南山经, Tây sơn kinh 西山经, Bắc sơn kinh 北山经, Đông sơn kinh 东山经 và Trung sơn kinh 中山经.
- Hải kinh có 13 thiên lại phân làm 4 bộ phận,
Hải ngoại nam kinh 海外南经, Hải ngoại tây kinh 海外西经, Hải ngoại bắc kinh 海外北经, Hải ngoại đông kinh 海外东经 , 4 thiên.
Hải nội nam kinh 海内南经, Hải nội tây kinh 海内西经, Hải nội bắc kinh 海内北经, Hải nội đông kinh 海内东经 4 thiên.
Đại hoang đông kinh大荒东经, Đại hoang nam kinh大荒南经, Đại hoang tây kinh 大荒西经, Đại hoang bắc kinh 大荒北经, 4 thiên
Hải nội kinh 海内经 1 thiên.
Nội dung của Sơn hải kinh cực kì phong phú, nó là một bộ điển tịch bao la vạn tượng, đề cập nhiều phương diện lấy thần thoại làm chính, được gọi là bách khoa toàn thư của văn hoá cổ đại Trung Quốc. Với hơn 31000 chữ, trừ ghi chép một số lượng lớn tư liệu thần thoại ra, Sơn hải kinh còn đề cập đến những phương diện khác như: thiên văn, địa lí, lịch sử, tôn giáo, triết học, dân tộc, động thực khoáng vật và y dược vệ sinh, khiến tính chất của bộ sách này rất đặc biệt. Đối với đặc trưng của nó, học giả các đời có những nhận thức khác nhau, quy loại nó cũng khác nhau.
Đầu tiên, Sơn hải kinh là một bộ trứ tác thần thoại. Những ghi chép trong sách phần lớn là những câu chuyện thần thoại, trong đó có nhiều truyền thuyết lưu truyền đến hiện nay. Những nhân vật thần thoại nổi tiếng như Hoàng Đế 黄帝, Chuyên Húc 颛顼, Thường Nga 嫦娥, Hậu Nghệ 后羿, Khoa Phụ 夸父, Hình Thiên 刑天, Tinh Vệ 精卫, Đại Vũ 大禹, Tây Vương Mẫu 西王母 … được ghi chép nhiều trong sách. Những truyền thuyết thần thoại này tương đối tiếp cận với nguyên sinh thái, bảo tồn được phần lớn thần thoại nguyên thuỷ của dân gian.
Thứ hai, Sơn hải kinh là bộ vu thư 巫书. Trung Quốc cổ đại, thần thoại và vu thuật thường hợp làm một. Trong Sơn hải kinh, không chỉ ghi chép nhiều những nhân vật có liên quan đến vu thuật, mà còn ghi chép các loại tế điển phức tạp và nhiều thần quái nửa người nửa thú.
Thứ ba, Sơn hải kinh là bộ địa lí thư 地理书. Không chỉ nhân vì nó dùng khái niệm địa lí để phân cương mục toàn sách, mà cũng vì nó có nội dung xác đáng địa lí nhân vật của thực tại. Đầu thời Đông Hán, Minh Đế 明帝sai Vương Cảnh 王景trị thuỷ, ban cho quyển Sơn hải kinh, điều này nói rõ đương thời đã xem nó như một sách địa lí thực dụng. Các nhà địa lí học và lịch sử học Âu Mĩ nhất trí cho rằng, Sơn hải kinh là địa lí chí cổ xưa nhất trên thế giới, là bộ sách
ghi chép lữ hành bao quát cả thế giới khiến người ta cảm thấy kinh ngạc, là bộ văn hiến cổ điển nổi tiếng ghi chép những hiện tượng liên quan đến địa lí.
Trong Sơn hải kinh còn ghi chép một số lượng lớn nội dung về các phương diện như động vật, thực vật, khoáng vật.
Sự phong phú đa dạng, xác thực, sự thần bí quái đản khó lường của nội dung Sơn hải kinh cùng với cách hành văn không lưu loát, xa lạ, ngắn gọn, ẩn ước đã cùng làm nên nét đặc sắc của bộ sách này, hình thành sự đối lập thống nhất giữa chân thực với hư ảo, khoa học với thần bí, phức tạp với đơn giản, rõ ràng với mờ tối.
Về tác giả của Sơn hải kinh, cách nói tương đối chính thống từ thời Tây Hán đến nay đều cho rằng là của Bá Ích 伯益. Thuyết này được thấy đầu tiên trong Thướng Sơn hải kinh biểu 上山海经表 của Lưu Tú 刘秀 (Hâm 歆) thời Tây Hán. Học giả cận hiện đại trong quá trình tìm hiểu nghiên cứu lại đề xuất các thuyết mới: do Di Kiên夷坚, Trâu Diễn 邹衍, người nước Sở, người Ấn Độ theo Sào Tử 巢子 làm ra, các thuyết không nhất trí nhau. Chỉ có một điểm rõ ràng là nó không phải là tác phẩm xuất phát từ một người, cũng không phải trong cùng một thời gian. Đại để hình thành sách vào khoảng thời Chiến Quốc, đến đầu thời Hán đã có sự tăng bổ.
Sơn hải kinh đối với hậu thế có ảnh hưởng rất lớn, không thể đánh giá hết được. Trong văn hoá truyền thống Trung Quốc, Sơn hải kinh chiếm một địa vị riêng biệt không thể thay thế. Nội dung cực kì phong phú quảng bác của nó đang đợi các chuyên gia học giả trong và ngoài nước thâm nhập khai quật và nghiên cứu.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 01/3/2016
Nguồn
SƠN HẢI KINH
山海经
Tác giả: Lưu Hướng 刘向, Lưu Hâm 刘歆 (Tây Hán)
Cáp nhĩ Tân: Bắc phương văn nghệ xuất bản xã, 2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét