LỄ THÀNH NIÊN
QUÁN LỄ VÀ KÊ LỄ
Ở Trung Quốc cổ đại, các đời quy định về tuổi trưởng thành không giống nhau. Theo Lễ kí (礼记), con trai đến 20 tuổi cử hành Quán lễ (冠礼) (tức lễ đội mũ), con gái đến 15 tuổi cử hành Kê lễ (笄礼) (tức lễ cài trâm). “Quán lễ” và “Kê lễ” đều là lễ thành niên thời cổ đại. Đến thời Tuỳ, quy định con trai 21 tuổi mới đến tuổi trưởng thành. Thời Đường lại quy định con trai 23 tuổi mới đến tuổi trưởng thành.
Quán lễ và Kê lễ đều là những lễ nghi đánh dấu tuổi trưởng thành mang tính tượng trưng. Lễ thành niên này rất được giới quý tộc coi trọng. Xã hội truyền thống Trung Quốc xưa nay luôn trọng nam khinh nữ, cho nên Quán lễ được tổ chức long trọng hơn Kê lễ.
Quán lễ tức lễ lấy mũ đội cho người con trai, tượng trưng đã đến tuổi trưởng thành, lễ này có cả một nghi thức nghiêm nhặt. Đời Chu , con trai đến tuổi 20, cả gia tộc cử hành Quán lễ tại tông miếu. Trước tiên, người cha phải chiêm bốc để quyết định ngày cử hành, sau đó cũng dùng chiêm bốc để chọn vị khách nào sẽ đội mũ cho con mình. Đến ngày cử hành Quán lễ, từ lúc sáng sớm, mọi việc đều chuẩn bị xong, người con được đội mũ sẽ đứng ở bên trong phòng, người cha mời vị khách vào tông miếu ở vị trí đã quy định, sau đó người con bước ra đứng vào chỗ của mình, hành lễ trước vị khách và các bậc trưởng bối. Lúc đội mũ, khách sẽ thay quần áo và mũ theo đúng quy định cho người con.
Tổng cộng có 3 lần đội mũ:
- Lần thứ 1: đội mũ làm bằng vải gai đen (hắc ma bố mạo 黑麻布帽), gọi là “thuỷ gia” (始加 – đội lần đầu).
- Lần thứ 2: đội mũ làm bằng da hươu trắng (bạch lộc bì mạo 白鹿皮帽), gọi là “tái gia” (再加 – đội lần hai).
- Lần thứ 3: đội mũ màu đỏ và đen có đỉnh bằng phẳng (xích hắc sắc bình đính mạo 赤黑色平顶帽), gọi là “tam gia” (三加 – đội lần ba).
Lúc đội mũ có người chuyên đọc “chúc từ” (祝词). Sau khi đội xong, vị khách nâng rượu chúc mừng. Sau đó người con đi bái lạy cha mẹ, bái lạy xong lại trở lại, khách sẽ đặt cho anh ta một tên tự (tên sau khi đã thành niên), như vậy, Quán lễ coi như đã kết thúc.
Sau khi nghi thức hoàn thành, người cha tiễn khách rời tông miếu, bày tiệc để thết đãi, cuối cùng còn tặng lễ vật như lụa, da hươu cho khách. Người con trước tiên phải ra mắt anh em họ hàng, sau đó đi bái yết vua, khanh đại phu và thầy trong làng để xem như được mọi người công nhận mình đã trưởng thành.
Từ đó, người con này có quyền ứng xử, tham gia tế tự, đồng thời cũng có thể lập gia đình.
Kê lễ là lễ đánh dấu tuổi trưởng thành của người con gái. Thời cổ, bất luận là trai hay gái, tóc của trẻ con đều thả tự nhiên gọi là “thuỳ thiều” (垂髫); có lúc
tết tóc lại để hai bên như hai trái đào gọi là “tổng giác” (总角). Cho nên về sau dùng “thuỳ thiều” và “tổng giác” để chỉ trẻ con. Con gái khi đến tuổi 15, tóc được vấn lại, dùng kê tức cây trâm cài lên, biểu thị đã thành nhân. Đây cũng là một nghi lễ mang tính tượng trưng.
Có lẽ Quán lễ và Kê lễ nhiều phức tạp nên tại khu vực người Hán đã bị bỏ từ lâu. Một số nội dung của Quán lễ và Kê lễ được dung nạp trong các lễ khác như hôn lễ. Ví dụ, hiện nay ở một số nông thôn vẫn còn tập tục trước khi kết hôn cô dâu phải “khai kiểm” (开脸). Gọi là “khai kiểm” tức là gọt bỏ tóc ở trước trán và lông ở hai bên má., sau đó trang điểm, cài thêm trâm v.v… rõ ràng đây là dấu vết của Kê lễ thời cổ còn lưu lại.
Ngày nay tại khu vực của người Hán tuy không còn lễ thành niên như Quán lễ, nhưng ở một số dân tộc thiểu số vẫn còn bảo lưu truyền thống này, mang phong cách và diện mạo của nghi lễ thành niên.
Ở một số vùng của tộc người Di (彝) Vân Nam (云南), khi cô gái tròn 15 tuổi, mẹ và các bạn gái sẽ bí mật tổ chức “hoán quần lễ” (换裙礼 – lễ đổi váy) cho cô. Khi một đoàn các cô khoảng 16, 17 tuổi bước vào, những người không có liên quan đều ra ngoài, họ sẽ trang điểm cho cô gái, tết tóc thành 2 bím, tháo sợi chỉ đeo ở hai tai thay vào đó là đôi hoa tai bằng bạc sáng bóng, lại đeo vào cổ mảnh kim loại bằng bạc. Cuối cùng, thay chiếc váy cũ màu đỏ và trắng bằng chiếc váy gấp nếp màu chàm đen. Sau khi nghi thức kết thúc, cô gái có thể dạo phố, đi chợ, xem đua ngựa, hoặc có thể cùng các nam nữ thanh niên khác ca hát, nhảy múa.
Tộc người Cao Sơn (高山) trước đây, khi con trai con gái đến tuổi thành niên, phải nhổ một hai chiếc răng hàm trên mới có thể kết hôn. Ngày nay nam nữ thanh niên tộc Bố Lãng (布朗) và tộc người Thái (傣) ở Vân Nam khi đến tuổi kết hôn phải nhuộm răng cho nhau. Cô dâu tộc Cơ Nặc (基诺) khi xuất giá, trước tiên phải nhuộm đen răng, thoa đỏ môi. Đây chính là diễn biến còn sót lại của tục “xao xỉ hoàn hôn” (敲齿完婚) (1).
Lễ thành niên là đường ranh giới phân định từ giai đoạn tuổi thơ bước sang giai đoạn trưởng thành. Giai đoạn này vừa trưởng thành về mặt sinh lí, tâm lí vừa trưởng thành về mặt xã hội, văn hoá. Từ đó trở đi, người vừa trưởng thành này sẽ có nhiều quyền lợi xã hội, đồng thời cũng có nghĩa vụ gánh vác trách nhiệm xã hội. Tính độc lập, tính tự chủ của bản thân càng cao. Tóm lại, họ sẽ bước vào một thế giới nhiều phức tạp hơn nhiều biến động hơn.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- XAO XỈ HOÀN HÔN (敲齿完婚): “hoàn hôn” phiếm chỉ nam nữ kết hôn. "Xao xỉ" tức “tạc xỉ” (凿齿), đây là một tập tục của một số dân tộc ở thời kì xã hội nguyên thuỷ. Có các cách như bẻ răng, nhổ răng, mài mòn răng … đa phần là ở độ tuổi thanh niên. Một số học giả cho rằng “tạc xỉ” có liên quan đến việc trưởng thành hoặc tư cách hôn nhân; cũng có học giả cho rằng đó là để khu biệt các tộc, hoặc thân phận, hoặc để làm đẹp, trang sức, phục sức cùng tránh tà. Ở Trung Quốc, tập tục này có thể truy ngược lên hơn 6000 năm trước, vào thời kì đồ đá mới, sản sinh sớm nhất ở khu vực phân bố văn hoá Đại Vấn Khẩu (大汶口) thời kì đầu, sau đó lan truyền đến phía đông nam Trung Quốc, hạ du Hoàng hà, trung hạ du Trường giang cùng lưu vực Chu giang.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn ngày 23 tháng 5 năm 2012
Dịch từ nguyên tác Trung Văn
THÀNH NIÊN: QUÁN LỄ HOÀ KÊ LỄ
成年: 冠礼和笄礼
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
0 nhận xét:
Đăng nhận xét