About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Long bào tượng trưng hoàng quyền

LONG BÀO TƯỢNG TRƯNG HOÀNG QUYỀN

          Long bào 龙袍 là một loại bào phục có thêu hoa văn hình rồng, chuyên dành cho đế vương hậu phi, loại bào phục này chiếm một địa vị đặc thù trong chế độ phục trang cổ đại Trung Quốc.
          Phục trang thêu rồng có lịch sử hơn hai nghìn năm. Theo những ghi chép trong sử sách, từ thời Chu đã xuất hiện phục trang có hình “thăng giáng nhị long” 升降二龙 (chỉ đầu rồng hướng lên hoặc đầu rồng hướng xuống), nhưng loại phục trang này không gọi là long bào mà gọi là “cổn phục” 衮服. Lúc bấy giờ loại bào phục trên dưới liền nhau chưa xuất hiện, phục trang mà mọi người mặc đa phần là loại chia thành 2 phần, nửa trên là y , nửa dưới là thường . Hoa văn rồng thường thêu ở y, cho nên còn gọi là “long y” 龙衣. Trên long y ngoài hoa văn rồng ra, còn có hoa văn thập nhị chương như: sơn , hoa trùng 华虫, tông di 宗彝, tảo , hoả , phấn mễ 粉米, phủ , phất (1).
          Từ thời Tần Hán trở về sau, loại bào phục trên dưới liền nhau ngày càng phổ biến, nhưng lễ phục của đế vương và bách quan khi tham gia tế tự vẫn là “thượng y hạ thường”. Trên bào phục thời kì này không dùng hoa văn rồng, cho nên không có long bào.
          Trên miện phục 冕服 của đế vương thời Tuỳ, Đường tuy có thêu hoa văn rồng nhưng vẫn là theo chế độ “thượng y hạ thường”. Chỉ có thường phục mà đế vương mặc thường ngày mới dùng loại bào trên dưới liền nhau, nhưng trên bào phục này cũng không có hoa văn rồng, chỉ dùng màu vàng để làm tiêu chí. Từ bức hoạ Bộ liễn đồ 步辇图 của Diêm Lập Bản 阎立本 đời Đường vẽ, có thể thấy khi Đường Thái Tông ngồi bộ liễn (2) tiếp kiến sứ thần Thổ Phồn 吐蕃 Lộc Đông Tán 禄东赞 đã mặc áo bào màu vàng cổ tròn, phần trên không thêu hoa văn, điều này phù hợp với những ghi chép trong các sách như Cựu Đường thư – Dư phục chí 旧唐书 - 舆服志, Tân Đường thư – Xa phục chí 新唐书车服志. Trong Lịch đại đế hậu tượng 历代帝后像được lưu giữ ở điện Nam Huân 南薰 tại Cố cung Bắc Kinh có bức “Đường Thái Tông thường phục tượng” 唐太宗常服像, trong hình Đường Thái Tông mặc trường bào màu vàng có hoa văn tròn hình rồng, trên thực tế đây không phải là bức hoạ vẽ lúc bấy giờ mà là do người đời sau vẽ.
          Từ thời Nguyên, Minh về sau, hiện tượng trên bào phục của đế vương thêu hoa văn rồng dần nhiều lên, không chỉ phản ánh trên hình vẽ mà ngay cả trong sử sách cũng ghi chép. Như trong Minh sử - Dư phục chí 明史 - 舆服志, thường phục hoàng đế mặc, trước và sau cùng trên hai vai có hoa văn tròn hình rồng, nhưng loại bào phục có hoa văn rồng này vẫn chưa gọi là long bào.
          Mãi đến đời Thanh, danh xưng long bào mới chính thức xác định, đồng thời được đưa vào chế độ lễ phục. Long bào thời kì này đa phần cổ tròn, vạt lớn cài bên phải, tay áo từ trong ra nhỏ dần, lấy màu vàng tươi làm chính, cũng có thể dùng màu vàng đậm, trên áo bào thêu rồng vàng 5 móng và mây ngũ sắc, giữa mây còn phân bố hoa văn thập nhị chương. Theo lễ nghi của triều Thanh, long bào của hoàng đế thuộc loại “cát phục” 吉服, chỉ mặc trong những lúc khánh điển, không mặc trong những điển lễ tế tự long trọng. Nếu gặp triều hội trọng đại, hoàng đế không mặc long bào mà mặc bộ triều phục khác. Mặc dù trên triều phục có thêu hoa văn rồng nhưng dạng thức cụ thể của phục trang khác với long bào, như phần dưới của triều phục có một dãy nếp gấp, còn có thêm một tấm vây quanh cổ phủ trên hai vai.
          Quy chế long bào của triều Thanh trong sử sách ghi chép rất rõ, như trong Thanh sử cảo – Dư phục chí 清史稿 - 舆服志 ghi rằng: “Long bào hoàng đế màu vàng tươi. Cổ áo và tay áo màu xanh lam, viền vàng. Thêu 9 rồng vàng, cùng thập nhị chương, xen mây ngũ sắc. Trước cổ sau cổ thêu chính long, bên trái bên phải cùng chỗ 2 vạt áo giao nhau mỗi chỗ thêu hành long, đầu tay áo thêu chính long, phần dưới thêu “bát bảo lập thuỷ” 八宝立水 (3), vạt trái vạt phải mở, tuỳ theo thời tiết mà có các loại may bằng những chất liệu khác nhau.”
          “Long bào của hoàng hậu cũng màu vàng tươi, cổ áo và tay áo màu xanh lam. Một loại 9 thêu rồng cùng mây ngũ sắc có cả chữ Phúc chữ Thọ, phần dưới là bát bảo lập thuỷ, trước cổ sau cổ thêu chính long, bên trái bên phải cùng chỗ 2 vạt áo giao nhau thêu hành long, tay áo như loại triều phục. Một loại thêu 8 hình tròn rồng 5 móng, hai vai trước sau thêu chính long, vạt áo thêu hành long, phần dưới thêu bát bảo lập thuỷ. Một loại khác phần dưới không có hoa văn”
          Theo quy định của nhà Thanh, chỉ có hoàng đế và hậu phi mới mặc long bào, những người khác không được tiếm dụng. Riêng những người có công được hoàng đế tặng cho long bào, trước khi mặc phải “thiêu khứ nhất trảo” 挑去一爪, tức đem 5 móng đổi thành 4 móng. Long bào sau khi trải qua cải chế được gọi là “mãng bào” 蟒袍.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Hoa văn thập nhị chương gồm: Nhật , nguyệt , tinh thần 星辰, sơn , long , hoa trùng 华虫, tông di 宗彝, tảo , hoả , phấn mễ 粉米, phủ , phất .
          Theo Đế phục thập nhị chương văn sức chế 帝服十二章纹饰制 của Triệu Dương (赵杨)
(2)- BỘ LIỄN (步辇): một loại công cụ do người khiêng, thay cho đi bộ vào thời cổ.
(3)- BÁT BẢO LẬP THUỶ (八宝立水): một loại hoa văn trên phục trang do hoa văn “bát bảo” (8 vật quý) cùng hoa văn sóng nước tổ hợp mà thành, thường thêu ở phần dưới của vạt áo. “Bát bảo” thường gặp là ngọc san hô, cây san hô, phương thắng tức 2 hình vuông lồng nghiên vào nhau, sừng tê, bôi tức hoa văn có hình giống cái li có 2 quai, tiền cổ, quả cầu lửa, cây như ý, sách, tranh, lá chuối, linh chi, thoi vàng, cái khánh …có thể tuỳ ý lựa chọn để phối hợp thành đồ án. Bát bảo đặt trên sóng nước ngoài hàm nghĩa biểu thị cát tường còn ngụ ý “nhất thống sơn hà”, “vạn thế thăng bình”

                                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn ngày 28 tháng 5 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TƯỢNG TRƯNG HOÀNG QUYỀN ĐÍCH LONG BÀO
象征皇
Trong quyển
TRUNG QUỐC Y KINH
中国衣
Chủ biên danh dự: Đỗ Ngọc Châu
Chủ biên: Mậu Lương Vân 良云
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 2000.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét