VÌ TRÁNH HOẠ MÀ ĐỔI HỌ
Chúng ta đều biết, họ là tiêu chí huyết thống của gia tộc do tổ tiên lưu truyền lại không được thay đổi. Người Trung Quốc có câu:
Hành bất canh danh, toạ bất cải tính
行不更名, 坐不改姓
(Đi không đổi tên, ngồi không đổi họ)
chính là ý này. Nhưng có lúc do bởi nhiều nguyên nhân khác nhau không thể không đổi họ, trong đó hiện tượng nhân vì tránh hoạ mà đổi họ thường xảy ra vào thời cổ ở Trung Quốc. Việc đổi họ này đa phần là do thất bại trong cuộc đấu tranh chính trị, hoặc đụng chạm đến hoàng đế, hoặc vì thù riêng bức bách, đổi họ để tránh bị liên luỵ hoặc bị sát hại. Khi đổi họ, cũng không quên tổ tiên, vì thế thường dùng phương pháp khéo léo, bề ngoài xem ra là họ đã đổi nhưng thực tế ở họ mới vẫn bảo lưu được vết tích họ cũ của mình. Đây có thể nói là một hiện tượng thú vị trong văn hoá họ tên của Trung Quốc.
Sử học gia nổi tiếng thời Tây Hán là Tư Mã Thiên (司马迁) vì bị liên luỵ trong vụ án Lí Lăng (李陵) nên phải chịu cung hình. Để bảo toàn gia tộc, 2 người con của ông buộc phải đổi họ. Người con trưởng là Tư Mã Lâm (司马临) từ họ phức là Tư Mã (司马) đã lấy chữ Mã (马) đồng thời thêm 2 chấm bên trái đổi thành họ Phùng (冯). Người con thứ là Tư Mã Quan (司马观) từ họ phức Tư Mã (司马) lấy chữ Tư (司) đồng thời thêm một nét sổ bên trái chữ Tư đổi thành họ Đồng (同). Hiện nay tại thôn Trại Từ Long Môn (寨徐龙门) thuộc Hàn Thành (韩城) Thiểm Tây (陕西) quê hương của Tư Mã Thiên tuy không còn họ Tư Mã, nhưng người họ Phùng, họ Đồng rất đông, họ đều là con cháu đời sau của Tư Mã Thiên. Cả ngàn năm nay hai họ Phùng và Đồng vì cùng tế chung một ông tổ nên không bao giờ thông hôn, họ đều là người một nhà.
Danh sĩ Phương Hiếu Nhụ (方孝孺) (1) đời Minh do bởi cự tuyệt viết chiếu thư lên ngôi cho Minh Thành Tổ Chu Đệ (朱棣) nên đã gặp phải hoạ sát hại liên luỵ đến cả tộc, chỉ một vài người thoát được. Để tránh bị truy sát, những người này buộc phải đổi họ. Có người đổi sang họ Lục (六), có người đổi sang họ Thi (施). Kì thực cả 2 họ này đều diễn biến từ họ Phương (方) mà ra. Với chữ Lục (六), tức đem nét ngang gãy bên phải của chữ Phương (方) đổi sang nét mác; với Chữ Thi (施) đó là tổ hợp của 3 chữ “phương nhân dã” (方人也). “Phương nhân dã” có nghĩa là người của họ Phương. Tuy không còn là họ Phương nhưng lại có quan hệ mật thiết với họ Phương.
Về Hàn Tín (韩信) nhân vật thời Tây Hán, khi Lưu Bang (刘邦) cùng Hạng Vũ (项羽) tranh bá đã phong Hàn Tín làm đại tướng và Hàn Tín đã có công giúp Lưu Bang lấy được thiên hạ. Lưu Bang sau khi chiến thắng Hạng Vũ lên ngôi hoàng đế, cảm thấy Hàn Tín công cao sợ sẽ uy hiếp đến sự thống trị của mình nên đã thêu dệt tội danh tước đoạt binh quyền của Hàn Tín, về sau lại cho rằng Hàn Tín tạo phản. Hàn Tín cũng ý thức được Lưu Bang muốn giết mình, tru diệt cả gia tộc. Để bảo toàn hậu duệ, Hàn Tín bàn bạc cùng Tiêu Hà (萧何), và dưới sự giúp đỡ của Tiêu Hà, một chi đời sau của Hàn Tín chạy đến Quảng Tây (广西) đổi sang họ Vi (韦). Chữ Vi (韦) là một phần của chữ Hàn (韩), hàm ý là hậu nhân của họ Hàn lưu lại, biểu thị tấm lòng không quên tổ tiên, và cũng giữ được mối quan hệ với họ Hàn. Hiện nay họ Hàn ở Quảng Tây là một họ lớn.
Khi vị anh hùng chống quân Kim là Nhạc Phi (岳飞) bị Tần Cối (秦桧) hãm hại, để tránh hoạ, một chi trong hậu duệ của ông cũng phải đổi họ. Họ mới được đổi gồm chữ “sơn” (山) ở trên, chữ “khâu” (丘) ở dưới. Chữ này vốn là từ chữ “nhạc” (岳) đảo ngược lại, vẫn là tổ hợp 2 chữ “khâu” và “sơn” ở họ Nhạc của tổ tiên, chẳng qua là phương thức tổ hợp khác nhau mà thôi. Đến nay các vùng như Xương Đồ (昌图), Thẩm Dương (沈阳), An Huy (安徽) vẫn có người mang họ này.
Cuối thời Đông Hán, có một anh học trò họ Thị (氏), tên là Thị Nghi (氏仪). Thị Nghi thường qua lại với danh sĩ Khổng Dung (孔融), hai người không việc gì là không bàn luận, đôi khi châm chọc lẫn nhau. Có một lần Khổng Dung bỗng nhiên nghiêm nghị nói với Thị Nghi rằng: “Họ của anh ẩn chứa cái hoạ sát thân”. Thị Nghi cho là thật hỏi dồn. Khổng Dung đáp rằng: “Họ của anh là Thị (氏), dân (民) không có đầu là “thị”, đầu của dân không phải là hoàng thượng sao? Họ Thị của anh không phải ám chỉ hoàng thượng không đầu à? Thị Nghi nghe qua rất sợ vội nhờ Khổng Dung đổi giúp. Sau khi suy nghĩ, Khổng Dung bảo rằng: “Chi bằng đem chữ 氏 (thị) đổi sang chữ 是 (thị) vừa tránh được kị huý vừa là đồng âm.” Thị Nghi nghe qua cảm thấy rất tốt nên đã đồng ý đổi sang họ 是 (thị). Tên anh ta từ 氏仪 đổi thành 是仪.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Trong nguyên tác, tên của nhân vật in là 方孝儒 (Phương Hiếu Nho / Nhu).
Từ điển Từ Hải và Từ điển văn học cổ điển Trung Quốc của Nguyễn Tôn Nhan in là 方孝孺 (Phương Hiếu Nhụ). Nay theo 2 từ điển trên sửa lại là 孺 (Nhụ)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn ngày 20 tháng 5 năm 2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
VỊ TỊ HOẠ NHI XẢO CẢI TÍNH THỊ
为避祸而巧改姓氏
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên (张壮年)
Trương Dĩnh Chấn (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, 2005.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét