About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Nhạc Dương lâu

NHẠC DƯƠNG LÂU

          Nhạc Dương lâu 岳阳楼 hùng cứ nơi đầu thành Tây Môn 西thành phố Nhạc Dương 岳阳 tỉnh Hồ Nam 湖南, kiến trúc tinh xảo hùng vĩ là một trong tam đại danh lâu vùng Giang Nam(1), là viên ngọc quý trong kiến trúc cổ Trung Quốc. Từ xưa đã có câu:
Động Đình thiên hạ thuỷ, Nhạc Dương thiên hạ lâu
洞庭天下水, 岳阳天下楼
          (Động Đình là hồ đứng đầu trong thiên hạ, Nhạc Dương là lầu đứng đầu trong thiên hạ)
          Nhạc Dương lâu được xây dựng từ lúc nào, hiện nay cách nói vẫn chưa thống nhất, nhìn chung mọi người cho rằng bắt đầu được xây dựng vào thời Đường, về sau bị hư hại trong binh lửa. Thời Bắc Tống cho trùng tu và mở rộng thêm. Nhạc Dương lâu nổi tiếng phần lớn là nhờ bài Nhạc Dương lâu kí 岳阳楼记 do danh thần thời Bắc Tống là Phạm Trọng Yêm 范仲淹 (năm 989 – năm 1052) sáng tác. Theo truyền thuyết, quận thú Ba Lăng 巴陵 lúc bấy giờ là Đằng Tử Kinh 滕子京 cho trùng tu Nhạc Dương lâu (thời Tống, Nhạc Dương  thuộc quận Ba Lăng). Đằng Tử Kinh là người có tài học, khi lầu xây xong, từ xa ngắm nhìn, không ngăn nổi cảm xúc liền viết một bài từ tả cảnh trữ tình, tuy chỉ có 59 chữ nhưng rất khí thế. Về sau, nhận lời mời của Đằng Tử Kinh, danh thần Phạm Trọng Yêm đã viết bài kí. Bài Nhạc Dương lâu kí tổng cộng có 360 chữ, văn chương và tình cảm đều dạt dào, rất cảm động lòng người. Trong bài có câu đã trở thành cách ngôn xử thế của đời sau:
Thiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc
先天下之忧而忧, 后天下之乐而乐
(Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ)
          Vào năm thứ 11 niên hiệu Sùng Trinh 崇祯 nhà Minh (năm 1639), Nhạc Dương Lâu do Đằng Tử Kinh trùng tu lại bị hư bởi chiến tranh, năm sau lại trùng tu. Đời Thanh cũng nhiều lần tiến hành tu sửa. Năm Quang Tự 光绪 thứ 6 (năm 1880), Tri phủ Trương Đức Dung 张德容 đã tu sửa đại quy mô Nhạc Dương lâu, dời di chỉ vào trong hơn 6 trượng.  Sau giải phóng, chính phủ nhiều lần tiến hành trùng tu. Năm 1983 lại một lần nữa khởi công, phục chế mới lại kết cấu cũ đã bị mục nát.
          Kiến trúc của Nhạc Dương lâu rất đặc sắc, cả chỉnh thể kiến trúc không dùng đến 1 chiếc đinh, là loại cực kì hiếm thấy trong lịch sử kiến trúc Trung Quốc. Toà lầu chính của Nhạc Dương lâu có 3 tầng hình chữ nhật, bề rộng 17m24, bề sâu 14m45, cao 15m, dùng 4 trụ lớn bằng gỗ cây nam để đỡ toàn bộ trọng lượng, và 12 trụ tròn đỡ ở 2 lầu, phía ngoài dùng 12 trụ bằng gỗ cây tử làm trụ thềm, mái thềm cong như muốn bay lên. Cả toà lầu rất vững vàng chắc chắn. Một nét đặc sắc nữa đó là phần đỉnh rất giống hình dạng mũ của tướng quân, vừa hùng vĩ vừa khác thường. Theo truyền thuyết, nơi đây từng là nơi Đại tướng nước Ngô Lỗ Túc 鲁肃 kiểm duyệt đại quân.
          Nhạc Dương lâu chọn kiểu kết cấu thuần mộc, biểu hiện những đường nét tạo hình ưu mĩ, đồng thời lớp sơn phủ bên ngoài bảo hộ cấu kiện gỗ có màu sắc tươi đẹp, những điểm này đã thể hiện rõ phong cách dân tộc độc đáo trong kiến trúc cổ Trung Quốc, kết tinh trí tuệ, tinh thần và tài năng nghệ thuật của nhân dân lao động Trung Quốc. Về các phương diện như mĩ học, lực học, kiến trúc học, công nghệ học … Nhạc Dương lâu đều để lại những thành tựu đáng kinh ngạc, nó luôn toả sáng trong lịch sử văn minh nhân loại.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Giang Nam tam đại danh lâu gồm:
          - Nhạc dương lâu 岳阳楼 ở thành phố Nhạc Dương tỉnh Hồ Nam.
          - Hoàng Hạc lâu 黄鹤楼 ở thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc.
          - Đằng Vương các 滕王阁 ở thành phố Nam Xương tỉnh Giang Tây.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn ngày 29 tháng 5 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
NHẠC DƯƠNG LÂU
岳阳楼
Trong quyển
TRUNG QUỐC VĂN MINH KÌ TÍCH
中国文明奇迹
Chủ biên: Mặc Nhân (墨人)
Trung Quốc hí kịch xuất bản xã, 2006.






0 nhận xét:

Đăng nhận xét