HỘI HOẠ TRUNG QUỐC THỜI NGUYÊN THUỶ
Thời đại đồ đá là thời kì manh nha của hội hoạ Trung Quốc, thời kì này có thể phân ra làm 2 là: thời đại đồ đá cũ (cựu thạch khí thời đại 旧石器时代) và thời đại đồ đá mới (tân thạch khí thời đại 新石器时代). Lúc bấy giờ, sự cải tiến phương pháp chế tác đồ đá khiến cho mĩ thuật công nghệ thời nguyên thuỷ đã có sự phát triển tương đối to lớn. Những năm trước đây, những vật thực về hội hoạ Trung Quốc mà chúng ta biết được vẫn chỉ là một số những hoa văn trang trí của thời đại đồ đá mới được vẽ trên đồ gốm. Nhưng gần đây, các nhà sử học đã phát hiện nham hoạ 岩画 ở một số tỉnh, khiến khởi nguyên nghệ thuật hội hoạ Trung Quốc được đẩy lên đến thời đại đồ đá cũ. Nham hoạ cũng được gọi là bích hoạ 壁画, nhai hoạ 崖画, nham khắc 岩刻, thạch sơn hoạ 石山画, nham thạch nghệ thuật 岩石艺术, chỉ một loại hình được khắc tạc hoặc vẽ trên nham thạch. Nham thạch nghệ thuật phân bố khắp các nơi trên thế giới, chỉ cần nơi nào có người sinh sống thì sẽ có những hình tượng được vẽ hoặc khắc trên bề mặt nham thạch thích hợp.
Về hình thức biểu hiện, nham hoạ có hình, phù hiệu của thực thể và một số ít văn tự. Về nội dung, có nham hoạ trực tiếp biểu hiện cảnh hoạt động sản xuất và cuộc sống xã hội, có nham hoạ là những hình sùng bái tự nhiên và tế tự. Hơn nữa, vị trí của đại đa số nham hoạ là những chỗ đặc biệt và thần bí: nơi đường núi hẹp và dài, trên vách núi dốc, trên vách đá. Mọi người rất khó tưởng tượng: tại sao tiên dân lại leo lên những tảng đá núi cao như thế để khắc và vẽ hình trâu, dê, những hình giống mặt người và cảnh tế tự? Căn cứ vào nội dung những bức nham hoạ và hoàn cảnh địa lí của chúng, đại thể có thể suy đoán những bức nham hoạ hoàn toàn không phải xuất phát từ nhu cầu thẩm mĩ, mà chúng là sản vật tôn giáo nguyên thuỷ có nội dung hoạt động tế tự và sùng bái tự nhiên.
Kì thực, tiên dân khắc vẽ những hình trên những vách nham thạch là để biểu đạt những nghi hoặc, lo sợ và sùng kính đối với lực lượng kì lạ trong vũ trụ. Người thời nay tuy không có cách nào giải thích chính xác hàm nghĩa chân chính của những hình đó, nhưng có thể khẳng định một số di tích hội hoạ sớm nhất của nhân loại là sự phản ánh trực tiếp của tiên dân đối với cảnh quan tự nhiên. Theo sự suy đoán của các nhà khảo cổ: nham hoạ nơi Âm sơn 阴山 ở Nội Mông chính là một trong những nham hoạ sớm nhất của Trung Quốc. Tại nơi đó, trong một thời gian dài khoảng 1 vạn năm, tiên dân đã sáng tác ra một số tranh, nhưng bức tranh này nối liền nhau, biến cả một dãy núi thành một hành lang tranh đông tây dài đến 300 cây số, với đề tài rất phong phú, hình tượng chất phác sinh động nổi tiếng trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng: cảm triệu của tôn giáo và vu thuật đã khiến tiên dân không ngại gian khổ sáng tạo ra những bức tranh này. Những tranh tương tự như thế còn có thể thấy ở di chỉ nham hoạ tại Tướng quân nhai 将军崖 núi Khổng Vọng 孔望thành phố Liên Vân Cảng 连云港 phía bắc tỉnh Giang Tô 江苏.
Từ một giác độ nào đó mà nói, nham hoạ là hiện tượng văn hoá vượt thời gian và không gian, sản sinh không cần điều kiện văn hoá đặc thù. Nó có nền tảng từ tính chất cộng hữu phổ biến của nhân loại, như quan niệm của vu thuật cổ xưa hơn rất nhiều so với tính dân tộc, đây cũng là nguyên nhân nghệ thuật nguyên thuỷ của toàn thế giới đều có tính cộng thông. Nham hoạ là ngôn ngữ phổ biến của người nguyên thuỷ, có thể khiến lịch sử văn minh nhân loại truy ngược lên quá khứ xa hơn so với lịch sử được văn tự ghi chép, dẫn chúng ta đi tìm những khoảng trống trong hoạt động của nhân loại mà chưa được văn tự ghi chép.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 16/5/2013
Nguyên tác Trung văn
NGUYÊN THUỶ ĐÍCH TRUNG QUỐC HỘI HOẠ
原始的中国绘画
Trong quyển
TRUNG QUỐC HỘI HOẠ VĂN HOÁ
中国绘画文化
Tác giả: Tần Mộng Na 秦梦娜
Thời Sự xuất bản xã, 2008.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét