NGƯỢC TÌM KHỞI NGUYÊN CỦA DIỀU
(Kì 1)
Có ý kiến cho rằng, khởi nguyên của diều là vào thời Tiên Tần, hình thức sớm nhất của nó là diều gỗ (mộc diên 木鸢). Theo ý kiến này có Tào Tuyết Cần 曹雪芹, trong Nam diêu Bắc diên khảo công chí 南鹞北鸢考工志 ông viết rằng:
Quan phù sử tịch sở tái, phong diên chi do lai cửu hĩ, khả trưng giả thực quả, phi sở tường dã; duy Mặc Tử tác mộc diên, tam niên nhi phi chi thuyết, hoặc vô nghi yên. Cái tương dụng chi phụ nhân tái vật, siêu hiểm trở nhi phi đạt, việt xuyên trạch nhi không đệ, sở dĩ phụ dư mã chi bất năng, bổ chu tiếp chi bất đãi giả dã. Quỹ kì sơ trung, đãi dục lợi nhân, phi dĩ trợ bạo; phu tử phi công, cố kì pháp tốt vô sở truyền.
观夫史籍所载, 风鸢由来久矣, 可征者实寡, 非所详也. 惟墨子作木鸢, 三年而飞之说, 或无疑焉. 盖将用之负人载物, 超险阻而飞达, 越川泽而空递, 所以辅舆马之不能, 补舟揖之不逮者也. 揆其初衷, 殆欲利人, 非以助暴; 夫子非工, 故其法卒无所传.
(Xem xét những ghi chép trong sử sách, thấy diều đã có từ lâu, nhưng chứng cứ quá ít nên không rõ được; riêng việc Mặc Tử làm ra diều gỗ, mất 3 năm mới có thể bay được thì không nghi ngờ gì. Dùng nó để chở người chở vật, bay vượt trên hiểm trở, bay vượt trên ao đầm, cho nên nó giúp thêm cho những gì mà ngựa xe không làm được, bổ sung những gì mà thuyền bè không có được. Xét động cơ từ đầu, đó là muốn làm lợi cho con người, không phải để trợ giúp bạo ngược. Vì Mặc Tử chủ trương “phi công” 非攻, nên phương pháp cuối cùng không được truyền lại).
Trong đoạn văn này Tào Tuyết Cần đã chỉ ra 5 nội dung
- Thứ 1: về diều thì vào thời Xuân Thu đã xuất hiện diều gỗ.
- Thứ 2: người phát minh ra diều gỗ là Mặc Tử.
- Thứ 3: giá trị công lợi của diều gỗ ở chỗ bổ sung những khiếm khuyết của xe ngựa thuyền bè ở phương diện giao thông vận tải.
- Thứ 4: động cơ đầu tiên khi chế tạo diều gỗ là để tạo phúc cho nhân loại, không phải để trợ giúp thế lực tà ác gây hại bách tính.
- Thứ 5: do bởi Mặc Tử “phi công”, tức phản đối việc sử dụng diều gỗ như một loại vũ khí, nên đã không truyền kĩ thuật này cho đời sau.
Những nghị luận của Tào Tuyết Cần đối với việc nghiên cứu khởi nguyên của diều có giá trị tham khảo quan trọng. Trước mắt nhiều người trong giới học giả cho rằng khởi nguyên của diều là diều gỗ, thậm chí có người còn tìm thấy chứng cứ trong kinh Thi, cho rằng những câu trong kinh Thi như:
Phỉ thuần phỉ duân
Hàn phi lệ thân (1)
匪鹑匪鸢
翰飞戾天
Ta không phải là chim thuần chim diên to lớn
Để bay đến tận trời cao.
(Tiểu nhã – Tứ nguyệt 小雅 - 四月)
Uyển bỉ minh cưu
Hàn phi lệ thân (2)
宛彼鸣鸠
翰飞戾天
Chim minh cưu kia
Bay đến tận trời cao
(Tiểu nhã – Tiểu uyển 小雅 - 小宛)
đều là miêu tả về diều gỗ.
Thế thì, diều gỗ do ai phát minh?
Trong Hàn Phi Tử - Ngoại trừ thuyết thượng 韩非子 - 外储说上 có ghi:
Mặc Tử vi mộc diên, tam niên nhi thành, phi nhất nhật bại
墨子为木鸢,三年而成,蜚一日败
(Mặc Tử làm diều gỗ, 3 năm mới thành, bay chỉ được 1 ngày thì hư)
Trong Liệt Tử 列子 thì nói rằng:
Công Thâu Ban chi vân thê, Mặc Địch chi phi diên, tự vị năng chi cực dã.
公输班之云梯,墨翟之飞鸢,自谓能之极
(Thang mây của Công Thâu Ban, diều bay của Mặc Địch, họ đều tự cho là trình độ kĩ năng cao nhất)
Trong đoạn văn của Tào Tuyết Cần đã dẫn ở trên cũng cho rằng diều gỗ là do Mặc Tử sáng chế ra. Nhưng trong Mặc Tử - Lỗ vấn 墨子 - 鲁问 lại nói rằng:
Công Thâu Tử tước trúc mộc dĩ vi thước, thành nhi phi chi, tam nhật bất há, Công Thâu Tử tự dĩ vi chí xảo.
公输子削竹木以为鹊,成而飞之,三日不下,公输子自以为至巧.
(Công Thâu Ban chẻ tre, gỗ để làm chim thước, khi hoàn thành có thể bay, 3 ngày không rớt, Công Thâu Ban tự cho là cực khéo)
Trong Trung Quốc đại bách khoa toàn thư – Hàng không hàng thiên quyển 中国大百科全书 - 航空航天卷 xuất bản gần đây thì nói:
Công Thâu Ban nghiên chế năng phi đích mộc diên, vi nhân loại nghiên cứu hàng không mô hình chi thuỷ.
公输班研制能飞的木鸢, 为人类研究航空模型之始.
(Công Thâu Ban nghiên cứu chế tạo ra diều gỗ có thể bay được, khởi đầu cho việc nghiên cứu mô hình hàng không của nhân loại).
Có người còn cho rằng, Mặc Tử từng phê bình việc phát minh diều gỗ không thể xem là khéo nhất, diều gỗ vẫn không bằng chẻ 3 thốn gỗ để làm chốt xe, có thể chở nặng 50 thạch, bản thân ông tuyệt nhiên không thể mất thời gian 3 năm để làm ra diều gỗ.
(còn tiếp)
(còn tiếp)
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Chữ 鸢 và chữ 天 trong quyển Thi kinh (bạch thoại tân giải), trang 403, của Trí Dương xuất bản xã, năm 2004 đã phiên cách đọc như sau:
鳶: dĩ tuân 以荀 (duân)
天: thiết nhân 鐵因 (thân)
(2)- Chữ 天 ở câu này cũng phiên thiết là thiết nhân 鐵因 (trang 367).
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 08/5/2013
Nguyên tác Trung văn
TRUY TỐ PHONG TRANH ĐÍCH KHỞI NGUYÊN
追溯風箏的起源
Trong quyển
PHONG TRANH
風箏
Tác giả: Vân Trung Thiên 云中天
Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã, 2006.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét