About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Thư đồng văn tự


THƯ ĐỒNG VĂN TỰ

1- Tần Thuỷ Hoàng thống nhất văn tự
          Từ năm 230 trước công nguyên đến năm 221 trước công nguyên, không đầy trong vòng 10 năm, Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 đã diệt 6 nước: Hàn, Triệu, Nguỵ, Yên, Sở, Tề, kết thúc cục diện hỗn chiến cát cứ mấy trăm năm của thời Đông Chu. Từ vương triều Tây Chu diệt vong, mãi cho đến Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ, trải qua hơn 500 năm, trong thời gian này, thế sự biến đổi kịch liệt. Từ phạm vi thống trị thống nhất của triều Thương, triều Chu mà nói, chỉ hạn chế trong một khu vực thủ đô chu vi nhỏ hẹp. So sánh với 36 quận của Tần Thuỷ Hoàng, đại thể tương đương với 18 tỉnh ngày nay, địa vực rộng lớn. Cùng với đó, vận mệnh của văn tự đương nhiên cũng phát sinh sự biến đổi to lớn.
          Xã hội hỗn chiến phân liệt trường kì mang đến sự nguy hại nghiêm trọng. Cuộc động loạn chiến tranh khoảng 500 năm từ thời Xuân Thu đến thời Chiến quốc, nhất là cuộc chiến tranh liên miên thời Chiến quốc, đã mang đến cho quảng đại nhân dân tai nạn cực kì to lớn. Một số chiến dịch lớn, người chết lên đến cả vạn. Như năm 317 trước công nguyên, 5 nước Hàn, Triệu, Nguỵ, Yên, Tề cùng đánh nước Tần, Tần đánh bại quân Hàn, Nguỵ, chém đầu hơn 8 vạn người. Năm 293 trước công nguyên, tướng Tần là Bạch Khởi 白起 đại phá quân Hàn, Nguỵ, Triệu ở Y Khuyết 伊阙, chém đầu 24 vạn người. Đến năm 260 trước công nguyên, trận chiến Tần Triệu ở Trường Bình 长平, Bạch Khởi một lần nữa đã chôn sống hơn 40 vạn quân Triệu, con trai nước Triệu từ 15 tuổi lên cơ hồ bị giết sạch. Thời cuộc hỗn loạn, không có đê điều ngăn phòng thuỷ tai, nước sông dâng tràn, phá huỷ ruộng vườn, dân không chốn nương thân, quốc gia bức thiết cần phải thống nhất. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng chấp chính, đã thuận theo yêu cầu khách quan thống nhất đất nước, nhất thống thiên hạ. Để củng cố vương triều Tần, Tần  Thuỷ Hoàng đã thực thi tăng cường việc thống nhất, tiến hành chính sách thống nhất tiền tệ, thống nhất đo lường, thống nhất văn tự…
          Tần Thuỷ Hoàng thống nhất văn tự mục đích là để thống nhất tư tưởng của mọi người, tiểu triện và lệ thư đã trở thành loại chữ thông hành trong cả nước. Lúc ban đầu Tần Thuỷ Hoàng kiêm tính thiên hạ, kết cấu của tự thể đa dạng, việc sử dụng chữ Hán vô cùng loạn. “Loạn” mà nói ở đây là chỉ văn tự không phải là cách sử dụng vốn có của nó. Văn tự lúc ban đầu vốn là của quốc vương khi tế tự thần linh, hoặc quốc vương dưới danh nghĩa thần linh tiến hành thống trị sử dụng. Sau khi nhà Chu mất đi quyền uy thống trị, văn tự đương nhiên cũng mất đi sự tôn nghiêm của nó. Ngoài quốc vương ra, người khác cũng có thể tuỳ tiện sử dụng văn tự. Chư hầu liệt quốc lúc bấy giờ, đều tiếm xưng là “vương”,  họ cũng cử hành nghi thức tôn giáo giống Chu vương đồng thời sử dụng văn tự; nhân vật loại “chư tử bách gia” cũng đem những ngôn luận của mình viết thành văn tự, và truyền thụ cho đệ tử. Như vậy tổn hại đến sự tôn nghiêm của quốc vương, điều này đối với quốc vương mà nói, khó mà chấp nhận.
          Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ, văn thư các nơi không nhất trí, kết cấu của tự thể cũng không có quy định thống nhất, hình thể chữ Hán rất hỗn loạn thường đều tại diễn biến, loại diễn biến này có 2 đặc điểm: giản hoá và hình thanh hoá. Diễn biến của một chữ luôn trải qua nhiều lần, các nơi biến hoá cũng không hoàn toàn nhất trí, cùng 1 chữ có thể dùng thanh phù, hình phù khác nhau, mang đậm sắc thái địa phương, tạo thành những dị hình văn tự thời Tiên Tần, hiện tượng 1 chữ mà đa thể. Từ những chữ khắc ở bài minh trên đồ đồng, đồ gốm, văn tự trên ấn tỉ, minh văn trên đồng tệ thời Chiến quốc, cho đến văn tự trên bạch thư và trúc giản phát hiện tại Trường Sa 长沙 Hồ Nam 湖南, chúng ta có thể thấy, cùng 1 chữ mà có nhiều cách viết, cho dù cùng trong một nước chư hầu cũng có những cách viết khác nhau. Ví dụ chữ “mã” , tại nước Tề có 3 cách viết; tại nước Sở có 2 cách viết; tại nước Yên có 2 cách viết, tại tam Tấn (1)  cũng có 2 cách viết. Sự hỗn loạn và phân kì của văn tự đã gây trở ngại cho việc tiến hành chính lệnh của triều Tần, hơn nữa cũng không có lợi cho sự giao lưu  kinh tế, văn hoá của các vùng.
2- Tần triện là sự kết thúc văn tự đồ hoạ
          Năm 221 trước công nguyên, tướng nhà Tần là Vương Bôn 王贲diệt Tề, toàn quốc thống nhất. Tần Thuỷ Hoàng thực hiện chính sách “thư đồng văn” 书同文. Nhóm Lí Tư 李斯 chỉnh lí văn tự, sửa đổi tự thể, phế bỏ văn tự của các nước. Nhóm Lí Tư căn cứ vào Trứu văn 籀文 sửa đổi lại thành Tần triện. Lí Tư 李斯, Triệu Cao 赵高, Hồ Vô Kính 胡毋敬 lần lượt dùng Tần triện biên soạn 3 quyển sách là Thương Hiệt thiên 仓颉篇, Viên lịch thiên 爰历篇, Bác học thiên 博学篇, làm sách giáo khoa để phát triển Tần triện. Như vậy, vừa thích ứng nhu cầu học tập của trẻ em, lại làm sách mẫu về loại chữ tiểu triện, tiến hành truyền bá rộng rãi trong cả nước. Đây là lần cải cách văn tự mạnh mẽ. Khi nhóm Lí Tư biên soạn, trước tiên đã tham chiếu giản thể tự lưu hành ở các nơi (bao gồm ở Tần và ở cả 6 nước), đem đại triện giản hoá thành tiểu triện (Tần triện), xem đó là điển mẫu của văn tự.
          Tiểu triện lấy bi khắc của Lí Tư làm đại biểu, hiện còn ở bi lâm Tây An 西安, Thái sơn thạch khắc mà Trịnh Văn Bảo 郑文宝 đời Tống theo bản gốc của thầy là Từ Huyền 徐铉 khắc lại đã tàn khuyết, hiện tồn 4 hàng 12 chữ. Tại miếu Thái sơn Bích Hà Nguyên Quân 泰山北霞元君 ở Sơn Đông 山东, với thác bản hiện còn thì thác bản 165 chữ được An Quốc 安国 đời Minh cất giữ được xem là thác bản cổ nhất.
          Tần Thuỷ Hoàng ra sức phát triển tiểu triện. Khắc thạch mà ông tuần du các nơi chế tác ra đều chú ý tiêu chuẩn hoá việc thống nhất thư thể. Lí Tư là triện thư gia nổi tiếng, đá mà được khắc ở các nơi tương truyền đều là thủ bút của ông, lưu lại đến ngày nay có “Thái sơn khắc thạch” 泰山刻石, “Lang Nha khắc thạch” 琅琊刻石. Tần Thuỷ Hoàng tuyên bố lấy Tần triện làm thư thể thống nhất. Thư thể văn tự trước khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất gọi là “đại triện”, văn tự sử dụng sau khi thống nhất thiên hạ khác với văn tự 6 nước gọi là “tiểu triện”, hoặc còn gọi là “Tần triện”. Tiểu triện từ đại triện diễn biến mà ra, hình thể so với đại triện chỉnh tề và định hình hoá hơn.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- TAM TẤN 三晋: nước Tấn của thời Xuân Thu vào thời Chiến quốc bị thay thế bởi 3 nước là Triệu, Nguỵ, Hàn. Sử gọi là “tam gia phân Tấn” 三家分晋. Vì thế trong các sách như Chiến quốc sách 战国策, Sử kí 史记, Tư trị thông giám 资治通鉴 đã gọi chung 3 nước Triệu, Nguỵ, Hàn là “tam Tấn”.
          Nguồn https://zh.wikipedia.org/wiki

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 09/5/2013

Nguyên tác Trung văn
THƯ ĐỒNG VĂN TỰ
书同文字
Trong quyển
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧
Quang Minh nhật báo xuất bản xã, 2005.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét