About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Những điều kì thú trong cách đặt tên nhân vật ở "Hồng lâu mộng"


NHỮNG ĐIỀU KÌ THÚ
TRONG CÁCH ĐẶT TÊN NHÂN VẬT
Ở “HỒNG LÂU MỘNG”

          Tào Tuyết Cần 曹雪芹 không hổ danh là bậc thầy về văn chương. Với hình tượng nhân vật, ông không chỉ chú trọng về ngôn hạnh, cử chỉ, dung mạo, lời ăn tiếng nói, hoạt động tâm lý mà còn chú trọng về cách đặt tên cho nhân vật.
          Trong tác phẩm bất hủ Hồng lâu mộng 红楼梦, việc đặt tên cho nhân vật có thể nói là khéo léo, độc đáo không tác phẩm nào sánh bằng. Hoặc sử dụng biện pháp hài âm, hoặc lợi dụng ý nghĩa của chữ, hoặc mượn tên các loài hoa điểu, nhằm tạo ra những cái tên có ngụ ý đặc biệt.
          Biện pháp hài âm là thủ pháp mà Tào Tuyết Cần rất thích sử dụng. Những cái tên được hài âm trong Hồng lâu mộng đều mang ý nghĩa sâu xa như:
          Chân Sĩ Ẩn 甄士隐 hài âm với Chân sự ẩn 真事隐 (việc thật bị ẩn giấu), Giả Vũ Thôn 贾雨村 hài âm với Giả ngữ tồn 假语存 (lời giả dối tồn tại). Hai tên này ngụ ý rằng: với tập đoàn quý tộc hoang dâm hủ bại, thì làm gì có sự thật, chỉ toàn là những lời hoang đường.
          Chân Sĩ Ẩn có họ là Chân , tên gọi  là Phí , tự là Sĩ Ẩn 士隐. Riêng cái tên Chân Phí cũng đã hài âm với Chân phế 真废 ý nghĩa là đồ vô dụng. Đây cũng chính là sự đánh giá về Chân Sĩ Ẩn, một con người đạm bạc với danh lợi lúc bấy giờ.
          Giả Vũ Thôn, họ là Giả , tên Hoá , tự là Thời Phi 时非, biệt hiệu là Vũ Thôn 雨村. Giả Hoá hài âm với Giả thoại” 假话 (những lời giả dối). Còn Thời Phi hài âm với Thực phi 实非, tức thực tế không phải như vậy. Điều đó đã phản ánh một cách chân thực nhân vật Giả Vũ Thôn, một con người giảo trá.
          Chủ nhân của phủ Giả hào hoa là Giả Chính 贾正. Tên của nhân vật này hài âm với Giả chính 假正, tức “chân chính giả”, “nguỵ quân tử”. Tướng mạo của Giả Chính có vẻ nghiêm trang, khiêm cung, đạo đức, nhưng thực tế lại là một nguỵ quân tử có tư tưởng cứng nhắc, đôi lúc cổ hủ, ham chuộng danh tiếng.
          Bốn tiểu thư trong phủ Giả có tên là Nguyên Xuân 元春, Nghinh Xuân 迎春, Thám Xuân 探春, Tích Xuân 惜春, bốn chữ đầu của bốn tên hợp lại hài âm với nguyên ưng thán tức 原应叹息 (vốn nên than thở). Số mệnh bi kịch cuối cùng của bốn cô gái ấy đã phản ánh rõ ở cách hài âm này.
          Còn như nhân vật đến phủ Giả nộp tô có tên là Ô Tiến Hiếu 乌进孝 hài âm với Vô tiến hiếu无进孝, mang ý nghĩa việc thu nhập của trang viên sút giảm, không đủ vật phẩm để thực hiện chữ hiếu, ám chỉ kinh tế của phủ Giả đang trên con đường suy thoái.
          A hoàn của nhà họ Chân tên Kiều hạnh 娇杏 hài âm với Kiểu hạnh 侥幸ám chỉ cô nàng “nhân vì một việc không đâu mà lại được trên mọi người”. Trước tiên được Giả Vũ Thôn cưới về làm thiếp. Sau vì người vợ cả bị bệnh mất, cô nàng đã ăn may trở thành phu nhân của Giả Vũ Thôn.
          Con trai của một vị quan trong làng tên Phùng Uyên 冯渊 hài âm với Phùng oan 逢冤 (gặp phải oan khiên), kết quả là “Phùng oan” bị đám thủ hạ của Tiết Bàn 薛蟠 đánh chết.
          Hoắc Khải 霍启 hài âm với Hoạ khởi 祸起 (tai hoạ nổi lên), vì thế trong tác phẩm, mỗi khi nhân vật này xuất hiện là liên tiếp xảy ra tai hoạ. Đầu tiên là nhà họ Chân bị người ta bắt mất đứa con gái tên Anh Liên 英莲, sau đó lại gặp phải hoả tai.
          Một số tên của các môn khách nơi phủ Giả cũng đều mượn cách hài âm để phản ánh thân phận và bộ mặt xấu xa của họ, như: Chiêm Quang 詹光 hài âm với Triêm quang沾光 (được thơm lây), Thiện Sính Nhân 单聘仁 hài âm với Thiện phiến nhân 善骗人 (khéo lừa gạt người), Bốc Cố Tu 卜固修 hài âm với Bất cố tu 不顾羞 (chẳng nghĩ đến xấu hổ), Chiêm Hội 詹会hài âm với Triêm huệ 沾惠 (được ơn lây), Bốc Thế Nhân 卜世人  hài âm với Bất thị nhân 不是人 (chẳng phải là con người). Những tên hài âm này không chỉ ngụ ý sâu xa mà còn mang nét hài hước hóm hỉnh, khi đọc lên, người đọc cảm thấy vô cùng thú vị.
          - Mượn ý nghĩa của chữ trong tên gọi các sự vật để đặt tên cho nhân vật cũng là một thủ pháp mà Tào Tuyết Cần thường sử dụng. Hai a hoàn của Đại Ngọc 黛玉, một người tên là Tử Quyên 紫鹃, một người tên là Tuyết Nhạn 雪雁. Tử quyên là mượn điển cố “Đỗ quyên đề huyết” 杜鹃啼血(chim quyên kêu rỏ máu), ngầm chỉ Đại Ngọc một đời đau khổ triền miên, kêu than không dứt, cuối cùng khóc hết nước mắt mà mất. Tuyết Nhạn là chim nhạn xa bầy lúc đông về, tượng trưng Đại Ngọc từ thuở nhỏ đã mất bố mẹ, sống nhờ người khác, suốt cuộc đời cô độc thê lương. Ngụ ý của hai tên này tương tự với thân phận của Đại Ngọc.
Còn những thằng hầu của Bảo Ngọc 宝玉 lại có những cái tên như: Mính Yên 茗烟, Mặc Vũ 墨雨, Tảo Hồng 扫红, Sừ Dược 锄药, Dẫn Tuyền 引泉, Khiêu Vân 挑云, Bạn Hạc 伴鹤, Tảo Hoa 扫花. Những tên này hoàn toàn nhất trí với tính cách theo đuổi ẩn dật, vứt bỏ công danh lợi lộc của Bảo Ngọc.
          Tên các a hoàn của Giả mẫu thì lại không như thế. Có Hổ Phách 琥珀, Trân Châu 珍珠, Phỉ Thuý 翡翠, Pha Ly 玻璃, đều là tên của các loài ngọc quý. Những tên đó phù hợp với địa vị và thân phận đặc thù của Giả mẫu, người mà vinh hoa phú quý dồn hết vào bản thân.
          Còn a hoàn của bốn tiểu thư Nguyên Xuân, Nghinh Xuân, Thám xuân, Tích Xuân được gọi là Bão Cầm 抱琴, Tư Kỳ 司棋, Thị Thư 侍书, Nhập Hoạ 入画. Cầm, kỳ, thư, hoạ là bốn thú vui vốn có ở các tiểu thư con nhà quý tộc và là sự thể hiện thân phận cao quý của họ. Ở đây, Tào Tuyết Cần không chỉ đem những tên đó lần lượt đặt cho các a hoàn của bốn tiểu thư mà còn phối hợp một cách xác đáng với bốn động từ Bão, Tư, Thị, Nhập, quả thực là vô cùng khéo léo.
          Ngoài ra, từ mối quan hệ hỗ tương giữa ba tên Bảo Ngọc 宝玉, Bảo Thoa 宝钗 và Đại Ngọc 黛玉 chúng ta có thể nhận ra được trình độ cao siêu về nghệ thuật đặt tên của Tào Tuyết Cần. Giữa ba người này đều có mối quan hệ mật thiết với nhau. Bảo Thoa và Đại Ngọc là hai điển hình thiếu nữ khác nhau trong xã hội phong kiến. Bảo Ngọc chung tình với Đại Ngọc nhưng dưới sự sắp đặt của gia đình phong kiến, Bảo Ngọc lại kết hôn với Bảo Thoa. Mối quan hệ hỗ tương về tên của ba nhân vật này đã thể hiện trong hồi kết.
          Chữ “Bảo” trong “Bảo Thoa” và chữ “Ngọc” trong “Đại Ngọc” hợp lại thành tên của Bảo Ngọc. Chữ “Bảo”trong “Bảo Thoa” đứng trước chữ “Ngọc” trong “Bảo Ngọc” cho nên Bảo Thoa đã có được Bảo Ngọc. Còn chữ “Ngọc” trong “Đại Ngọc” lại đứng sau cho nên Đại Ngọc đã mất Bảo Ngọc. Cách cấu tứ như thế quả thật là vô cùng tinh xảo và thú vị.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 2/5/2013

Nguyên tác Trung văn
THÚ ĐÀM “HỒNG LÂU MỘNG” ĐÍCH NHÂN VẬT MỆNH DANH
趣谈红楼梦的人物命名
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:    Trương Tráng Niên 张壮年
                  Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét