About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Tục bắt rể thời Tống

TỤC BẮT RỂ THỜI TỐNG

          Nam nữ thanh niên khi thành hôn, con trai đến ở nhà con gái, về sau sinh con cái cũng lấy theo họ mẹ, tập tục này gọi là “chiêu chuế hôn” 招赘婚 (bắt rể). Hình thức hôn nhân này đã có từ thời cổ. Thời Tống tục bắt rể cũng rất thịnh hành. Trong Chu Tử gia lễ 朱子家礼 ghi rằng:
Dĩ nữ chiêu tế viết ‘nhập chuế’, tục viết ‘nhập xá’
以女招婿曰入赘’,俗曰入舍
(Nhà gái bắt rể gọi là ‘nhập chuế’, tục gọi là ‘nhập xá’)
          Nhìn chung, con trai ở rể đa phần do bởi nhà nghèo, anh em đông, không đủ tiền cưới vợ; nhà gái bắt rể đa phần là do nhà sinh toàn con gái hoặc chỉ có độc nhất một cô con gái, để nhà cửa có người nên bắt rể. Vì thế thời Tống gọi tập tục bắt rể này là “bổ đại” 补代. Trong Y Giác Liêu tạp kí 漪觉寮杂记 chép rằng:
     Thế hiệu chuế tế vi bố đại, đa bất hiểu kì nghĩa, như nhập bố đại, khí bất đắc xuất. Khoảnh phụ chu nhập Triết, hữu nhất đồng chu giả, hiệu Lí Bố Đại. Cao nhân vấn kì đồ vân: ‘Như hà nhập xá tế vị chi bố đại’. Chúng vô ngữ. Hốt nhất nhân viết: ‘Vị chi bổ đại, nhân gia hữu nữ vô tử, khủng thế đại tùng thử tuyệt, bất khẳng giá xuất, chiêu tế dĩ bổ kì đại nhĩ.’ Thử ngôn tuyệt hữu lí.
          世号赘婿为布袋, 多不晓其义, 如入布袋, 气不得出. 顷附舟入浙, 有一同舟者, 号李布袋. 篙人问其徒云: ‘如何入舍婿谓之布袋’. 众无语. 忽一人曰: ‘谓之补代, 人家有女无子, 恐世代从此绝, 不肯嫁出, 招婿以补其代尔.’ 此言绝有理.
          (Người đời gọi bắt rể là ‘bố đại’ (bao vải), đa số đều không hiểu ý nghĩa của nó, cho rằng giống như chui vào bao bố, khí không xuất ra được. Sau đáp thuyền đi đến Triết Giang, có người đi cùng thuyền, tên là Lí Bố Đại. Người chèo thuyền hỏi đám học trò của ông ta: “Tại sao gọi người ở rể là ‘bố đại’. Họ không trả lời được. Bỗng có một người nói rằng: ‘Gọi là ‘bổ đại’, nhà gái chỉ có con gái không có con trai, sợ từ đó tuyệt tự, nên không chịu gã con gái đi, bắt rể để bổ sung vào nối đời.’ Lời nói ấy quả là có lí.)
          Thời Tống, tục bắt rể tương đối phổ biến, ở một số nơi còn rất thịnh hành, ngoài những nhà không có con trai, bắt rể để làm người kế thừa ra, còn do bởi hôn nhân thời Tống chú trọng tiền tài, thông qua hôn nhân bắt rể có được tiền tài. Như vào ngày 21 tháng 9 năm Thuần Hoá 淳化 thứ nhất (năm 990), Phó sứ Sùng Nghi 崇仪 là Quách Tải 郭载 nói rằng: Ngày trước đi sứ đến Kiếm Nam 剑南, thấy nhiều phú gia bắt rể, xem như con mình sinh ra. Khi phú ông qua đời gia tài liền bị phân chia. Dân nghèo đa phần bỏ cha mẹ mình để đi ở rể, làm tổn hại đến phong tục, lại thêm tranh tụng. Mong được cấm chỉ (1).
          Ngoài ra trong Tống sử 宋史 quyển 437 mục Lưu Thanh chi truyện 刘清之传 cũng có ghi:
Ngạc tục kế lợi nhi thượng quỷ, gia bần tử tráng tắc xuất chuế.
鄂俗计利而尚鬼,家贫子壮则出赘
          (Tập tục vùng Ngạc tính đến cái lợi mà chuộng việc quỷ thần, nhà nghèo con trai lớn lên đi ở rể)
          Rõ ràng, vùng Xuyên Ngạc 川鄂 rất thịnh hành tập tục bắt rể, chủ yếu là vì tài sản, đồng thời cũng biểu hiện việc hôn nhân chú trọng tiền của vào thời Tống. Đối với vấn đề này, triều đình đã ra lệnh cấm chỉ việc:
Phụ mẫu tại, tử xuất chuế
父母在,子出赘
(Cha mẹ còn sống, con đi ở rể)
          Từ đó có thể thấy, tập tục này thịnh hành ở một số nơi.
          Một cách bắt rể khác ở thời Tống, đó là quả phụ tái hôn nhưng không xuất giá mà là đưa rể về nhà. Chàng rể này gọi là “tiếp cước tế” 接脚婿, “tiếp cước phu” 接脚夫. Phàm quả phụ bắt tiếp cước tế, tiếp cước phu, nhìn chung là nhà tương đối khá giả, có gia sản nhất định mà con cái lại còn nhỏ, cần phải có người đàng ông cáng đáng nhà cửa.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Tống hội yếu tập cảo – Hình pháp 宋会要辑稿- 刑法 nhị chi tứ.
Tục Tư trị thông giám trường biên 续资治通鉴长编 quyển 31, Thuần Hoá nguyên niên cửu nguyệt Mậu Dần điều kỉ sự 淳化元年九月戊寅条纪事

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                           Quy Nhơn 31/5/2013

Nguyên tác Trung văn
CHIÊU CHUẾ HÔN
招赘婚
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
TỐNG ĐẠI QUYỂN
中国风俗通史
宋代卷
Biên soạn: Từ Cát Quân 徐吉军, Phương Kiến Tân 方建新
              Phương Kiện 方健, Lữ Phụng Đường 吕凤棠
Thượng Hải Văn nghệ xuất bản xã, 2001.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét