NHÂN UÂN ĐẠI SỨ KẾT NHÂN DUYÊN
Trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc có một vị thần hôn nhân đó là Nhân Uân Đại Sứ 氤氲大使. Trong quyển bút kí Thanh dị lục 清异录 của Đào Nghị 陶毅đời Tống có chép câu chuyện về Nhân Uân Đại Sứ như sau:
Có một chàng thanh niên tên là Chu Khởi 朱起 yêu cô gái tên là Sủng Chi 宠之 nhưng hai người lại gặp vô số trở ngại, vì thế Chu Khởi luôn u uất không vui, thần thái hốt hoảng. Một ngày nọ khi tiễn người bạn ra đến ngoài thành, sau lúc chia tay một mình về nhà, trên đường Chu Khởi gặp một vị đạo trưởng đội khăn xanh mặc áo ngắn gánh một giỏ thuốc. Vị đạo trưởng nhìn Chu Khởi, rồi đến bên cạnh nói với anh ta rằng:
Ông may mắn gặp được bần đạo, nếu không thì nguy rồi.
Chu Khởi nghe nói như thế kinh ngạc, lập tức xuống ngựa vái chào và hỏi lí do. Vị đạo trưởng bảo rằng:
Ông có tâm sự, cứ nói thẳng với tôi, tôi có thể giải nạn cho ông.
Chu Khởi liền đem chuyện mình và Sủng Chi nói ra, vị đạo trưởng than rằng:
Nhân duyên của nam nữ trên đời này đều do một vị trưởng quan nắm giữ, vị trưởng quan đó tên là Nhân Uân Đại Sứ . Nam nữ có duyên phận phải viết vào sổ uyên ương mới thành công. Tôi sẽ đem chuyện của ông nói với ông ta.
Lúc chia tay vị đạo sĩ lấy từ trong giỏ ra một cây quạt, và nói với Chu Khởi rằng:
Quạt này gọi là Khôn linh phiến 坤灵扇, khi ông đến thăm Sủng Chi, chỉ cần lấy quạt che mặt, không ai có thể thấy được ông. Từ đó trở đi, cứ 7 ngày hai người sẽ gặp nhau một lần, 15 năm mới thôi.
Sau khi Chu Khởi về nhà, thử làm theo lời dặn của vị đạo sĩ, quả nhiên linh nghiệm. Từ đó cùng với Sủng Chi gặp nhau qua lại không có gì ngăn trở. Sau 15 năm, Sủng Chi bị bệnh rồi qua đời.
Sau khi câu chuyện này được truyền bá, mọi người thờ phụng Nhân Uân Đại Sứ rất thành tâm. Nhân Uân Đại Sứ dường như cận nhân tình hơn Nguyệt lão, Nguyệt Lão khi đã buộc “nút nhân duyên” thì không dễ gì thay đổi, còn Nhân Uân Đại Sứ lại hiểu tình người, rất đồng tình với con người.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 27/12/2013
Nguồn
TÀI VẬN NHÂN DUYÊN CÁT HUNG HOẠ PHÚC
财运姻缘吉凶祸福
Tác giả: Tôn Bảo Quang 孙保光
Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2007.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét