THẬP VẬT
(Kì 2)
Lỗi, thủ canh khúc mộc dã
耒, 手耕曲木也
(Lỗi là khúc gỗ cong để cày bằng tay)
Lúc đầu là dùng một khúc gỗ cong tự nhiên, về sau biết “dùng loại gỗ mềm để uốn cong làm ‘lỗi’ ”. “Lỗi” và “tỉ” vốn là hai loại nông cụ, phần trên của “lỗi” cong, phần dưới chia thành chạc; phần dưới của “tỉ” là một mảnh gỗ dẹt tròn đầu, về sau dùng đồng hoặc sắt, đó là tiền thân của cái “lê” 犁. Người xưa thường nói “lỗi tỉ” chung với nhau, ví dụ trong Mạnh Tử - Đằng Văn Công thượng 孟子 - 滕文公上 có nói:
Trần Lương chi đồ Trần Tương, dữ kì đệ Tân, phụ lỗi tỉ nhi tự Tống chi Đằng
陳良之徒陳相, 與其弟辛, 負耒耜而自宋之滕
(Học trò của Trần Lương là Trần Tương, cùng với em là Tân, vác lỗi tỉ từ nước Tống qua nước Đằng)
Các nhà chú giải cổ đại thường cho rằng “lỗi” và “tỉ” là tên gọi của hai bộ phận khác nhau trên cùng một nông cụ, “lỗi” là khúc gỗ cong ở phần trên của “tỉ”, còn “tỉ” là mảnh gỗ hoặc mảnh kim loại hình tròn ở phần dưới của “lỗi”, có thể thấy sự lẫn lộn giữa “lỗi và “tỉ” đã có từ rất lâu. Sau này “lỗi tỉ” dùng chỉ nông cụ nói chung.
“Trất” 銍 (bính âm: zhì) là một loại liềm nhỏ ngắn; “tiền” 錢 và “bác” 鎛 (bính âm: bó) là loại nông cụ có dạng hình cái xẻng dùng để đào đất khi làm cỏ. Thời thượng cổ, “tiền” và “bác” từng được dùng làm môi giới giao dịch, cho nên tiền tệ cuối thời Xuân Thu và Chiến Quốc đã mô phỏng hình trạng của “tiền” và “bác”, gọi chúng là “tiền”錢 hoặc “bố” 布 (“bố” và “bác” âm cổ tương đồng).
Dụng cụ dùng để nấu thời thượng cổ có “đỉnh” 鼎, “lịch” 鬲 (bính âm: lì), “nghiễn” 甗 (bính âm: yan với thanh 3) … có loại bằng gốm, cũng có loại bằng đồng.
“Đỉnh” là loại dùng để nấu thịt, đựng thịt, nhìn chung có bụng tròn 3 chân (1), cũng có loại hình chữ nhật 4 chân, đó là “phương đỉnh” 方鼎. Bên trái và bên phải nơi miệng đỉnh có quai, có thể xuyên “huyễn” 鉉, “huyễn” là cây đòn dùng để khiêng đỉnh (2). Phần dưới của đỉnh có thể đốt lửa, có mấy loại thịt thì chia mấy loại đỉnh để nấu, sau khi nấu chín từ trong đỉnh lấy ra ăn, cho nên nói “liệt đỉnh nhi thực” 列鼎而食 (bày đỉnh ra ăn). “Chung minh đỉnh thực” 鐘鳴鼎食 là một trong những mặt sinh hoạt xa xỉ của giới quý tộc. Trong “Đằng Vương các tự” 滕王閣序, Vương Bột 王勃 có nói:
Lư diêm phác địa, chung minh đỉnh thực chi gia
閭閻撲地, 鐘鳴鼎食之家
(Cửa ngõ giăng đầy mặt đất, đều là những nhà bày vạc rung chuông)
Người xưa dùng “chuỷ” 匕 để lấy thịt từ trong đỉnh ra, sau đó đặt thịt lên “trở” 俎 dùng dao cắt ăn. Cho nên trong sách cổ thường nói “đao chuỷ” 刀匕, “đao trở” 刀俎chung với nhau. “Chuỷ” là loại thìa múc canh có cán dài. “Trở” là một tấm ván nhỏ hình chữ nhật, hai đầu có chân, nhìn chung thường được làm bằng gỗ, loại bằng đồng rất ít.
Thời thượng cổ nấu cơm dùng cái “lịch” 鬲, hấp cơm dùng cái “nghiễn” 甗. “Lịch” giống cái đỉnh, có 3 chân ngắn rỗng, phía dưới có thể đốt lửa nấu. “Nghiễn” chia thành trên dưới 2 tầng, tầng dưới giống cái “lịch”, dùng đựng nước, đốt lửa nấu sôi nước, hơi nước bốc lên tầng trên. Tầng trên giống cái “tắng” 甑 (phần đáy có lỗ để hơi nước bốc lên), bên trong bỏ gạo hoặc nếp các loại. Giữa trên dưới 2 tầng có một tấm ngăn với nhiều lỗ nhỏ để vừa thông hơi nước bốc lên vừa tránh gạo nếp rơi xuống tầng dưới.
Trong các sách cổ thường thấy hai chữ “phủ tắng” 釜甑đi chung với nhau. Trong Mạnh Tử - Đằng Văn Công thượng 孟子 - 滕文公上 có nói:
Hứa Tử dĩ phủ tắng thoán dĩ thiết canh hồ
許子以釜甑爨以鐵耕乎
(Hứa Tử có nồi niêu để nấu, có đồ bằng sắt để cày bừa không?)
Trong Sử kí – Hạng Vũ bản kỉ 史記 - 項羽本紀 có câu:
Hạng Vũ nãi tất dẫn binh độ hà, giai trầm thuyền, phá phủ tắng
項羽乃悉引兵渡河, 皆沈船, 破釜甑
(Hạng Vũ bèn dẫn hết binh lính vượt Hoàng hà, bắt dìm hết thuyền, đập hết nồi niêu)
“Phủ tắng” phối hợp lại dùng chung với nhau. “Phủ” 釜 giống cái “oa” 鍋 (nồi), dùng để nấu giống phần dưới cái “nghiễn”; “tắng” 甑 giống cái chậu, đáy có lỗ nhỏ, đặt trên cái “phủ”, giống tầng trên cái “nghiễn”. Giữa “phủ” và “tắng” có tấm ngăn.
Người xưa đựng cơm, đựng thức ăn không dùng “oản” 盌. Trong Thuyết văn 說文 tuy có chữ盌 nhưng đó là “tiểu vu” 小盂(dụng cụ đựng nước). Cổ khí truyền lại đời sau từ bài minh là “oản”, trên thực tế đó là “tiểu vu” có thêm tay cầm chính là dùng để múc nước. Thời thượng cổ khi đựng cơm dùng “quỹ” 簋 (bính âm: gui với thanh 3), nhìn chung bụng tròn dưới bụng có gờ vòng quanh, hai bên có tai, được làm bằng đồng hoặc bằng gốm, cũng có loại được làm bằng gỗ hoặc bằng trúc. Còn có một loại gọi là “phủ” 簠 (bính âm: fu với thanh 3), hình chữ nhật, công dụng của “phủ” và “quỹ” giống nhau. Trong các sách cổ thường nói “phủ quỹ” chung với nhau. Dụng cụ đựng thức ăn thời cổ còn có cái “đậu” 豆, giống cái mâm có chân cao ngày nay, có loại có nắp đậy. “Đậu” vốn là loại dùng để đựng lúa nếp, về sau dần biến thành loại đựng thịt, đựng canh. Thời cổ “đậu” bằng gỗ gọi là “đậu” 豆, loại bằng trúc gọi là “biên” 籩, loại bằng sành gọi là “đăng” 登 (cũng được viết là 豋). Trong Thi kinh – Đại nhã – Sinh dân 詩經 - 大雅- 生民 có câu:
Vu đậu vu đăng
于豆于豋
(Trong cái bát gỗ, trong cái bát sành)
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Người xưa dùng “đỉnh túc” 鼎足, “đỉnh lập” 鼎立 để ví tình huống 3 phương đối nhau. Trong Sử kí – Hoài Âm Hầu liệt truyện 史記 - 淮陰侯列傳 có câu:
Tam phân thiên hạ, đỉnh túc nhi cư
三分天下鼎足而居
(2)- “Huyễn” 鉉 vốn là một cây đòn bằng gỗ, dùng vàng dát bên ngoài. (Tham khảo lời chú về chữ “kiện” 鍵 của Đoàn Ngọc Tài 段玉裁trong Thuyết văn)
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
- Lỗi 耒: cái cày
- Tỉ 耜: cái lưỡi cày
- Lê 犁 (犂): cái cày
- Lịch 鬲: một thứ đồ ngày xưa giống như cái đỉnh
- Nghiễn 甗: cái chõ liền cả nồi đáy
- Tắng 甑: cái siêu sành, cái nồi đất
- Chuỷ 匕: cái thìa
- Trở 俎: cái thớt, cái mâm dùng để các muông sinh dâng lên lễ
- Phủ 釜: cái chõ
- Oản盌: cái bát nhỏ
- Vu 盂: cái chén
- Phủ quỹ 簠簋: cái bình đựng xôi cúng. Tục cũng gọi là cái bát đựng đồ ăn
- Đậu 豆: bát đậu, cái bát tiện bằng gỗ để đựng các thức dưa, giấm v.v…
- Biên 籩: cái biên, ngày xưa dùng để bày hoa quả và xôi để cúng.
- Đăng豋: cái bình bằng sành
(Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/12/2013
Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét