THI TÂM
(tiếp theo)
Đỗ Phủ không chỉ đối với động vật nhân ái như thế, mà ngay cả cổ thụ trước nhà ông bị gió quật đổ ông cũng thốt ra những lời cảm thán
Hổ đảo long điên uỷ bổng cức
Lệ ngân huyết điểm thuỳ hung ức (1)
虎倒龙颠委棒棘
泪痕血点垂胸臆
(Cành nhánh gãy ngả nghiêng chất đầy trên mặt đất
Bị trận mưa, cây như đổ lệ nhỏ máu trước ngực)
Đỗ Phủ dường như mất đi tri âm nên đau buồn:
Ngã hữu tân thi hà xứ ngâm
Thảo đường tự thử vô nhan sắc
我有新诗何处吟
草堂自此无颜色
(Ta có bài thơ mới viết biết ngâm ở nơi nào
Nhà tranh từ đây không còn nhan sắc.)
Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然 đời Đường có bài ngũ tuyệt rất hay:
Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu
春眠不觉晓
处处闻啼鸟
夜来风雨声
花落知多少
(Giấc ngủ đêm Xuân thật say không biết trời đã sáng lúc nào
Khắp nơi nghe có tiếng chim hót vang
Đêm qua trong tiếng mưa tiếng gió
Không biết hoa rụng nhiều hay ít.)
Ba câu đầu chẳng qua tả cảnh vật thông thường: Xuân miên, Xuân điểu, Xuân phong, Xuân vũ … đến câu cuối thi tâm tiếc hoa mới xuất hiện.
Nói đến tiếc hoa, yêu hoa cũng khiến ta nhớ tới Lục Du. Lục Du yêu hoa mai nhất, cả đời ông viết rất nhiều bài thơ vịnh hoa mai, trong đó có bài thất tuyệt:
Nhất hoa lưỡng hoa Xuân tín hồi
Lạn mạn khước sầu linh lạc cận
Đinh ninh thả mạc thập phân khai
一花两花春信回
南枝北枝风日催
烂漫却愁零落近
叮咛且莫十分开
(Một hoa, hai hoa, tin Xuân đã về
Cành Nam cành Bắc nắng gió giục đua nở
Hoa đẹp rực rỡ nhưng sợ sắp rụng tàn
Dặn hoa chớ vội mà nở hết)
Thông thường những người yêu hoa đều hi vọng hoa trên cành sớm nở rực rỡ. Nhưng ở đây thi nhân lại khác, dặn hoa mai chớ vội nở để phòng gần lúc sắp tàn. Đây là vì hoa mà lo, mà cũng vì mình và thời gian với những gì mình yêu quý được kéo dài mà lo. Thi nhân chân thành vô tư, và cũng tình sâu ý nặng.
Đối với vạn vật trong xã hội và trong giới tự nhiên, thi tâm không chỉ là tấm lòng tương thông mà còn là tấm lòng cháy bỏng. Khi lòng yêu nước của nhà thơ yêu nước Lục Du phát ra thành bi ca, như là đất rung núi đổ, nham thạch phun trào. Chúng ta thử nghe những lời trong bài Bi ca hành 悲歌行 của ông:
…..
Tức kim mai cốt trượng ngũ phần
Cốt hội tác trần tâm bất hủ
Hồ bất vi trường tinh vạn trượng tảo U Châu?
Hồ bất vị tích nhân đồ phục cửu thế cừu?
…..
即今埋骨丈五坟
骨会作尘心不朽
胡不为长星万丈扫幽州
胡不为昔人图复九世仇
…..
(Cho dù nay nắm xương chôn trong mộ cao năm trượng
Xương sẽ thành bụi đất riêng tim sẽ trở nên bất hủ
Sao không là sao dài vạn trượng quét sạch U Châu?
Sao không vì người xưa trả mối thù chín kiếp?)
Cho có nghĩ rằng Lục Du lên giọng, bài Thị nhi 示儿 trước lúc lâm chung của ông không có từ nào nói đến hậu sự của mình mà ông chỉ dặn các con rằng:
Vương sư Bắc định trung nguyên nhật
Gia tế vô vong cáo nãi ông
王师北定中原日
家祭毋亡告乃翁
(Ngày nào đội quân của triều đình lấy lại được trung nguyên
Khi cúng cha, các con chớ có quên báo cho cha biết)
Tâm chí khôi phục đất nước của thi nhân quả thực không kết thúc theo sinh mạng, mà kết thúc khi xương cốt thành tro bụi, nó ngàn năm rực rỡ, mãi mãi nhắc con cháu vạn đời phải có trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc. Đây chính là sự kết tinh “hạo nhiên chi khí” 浩然之气 của Nho gia.
Thái độ đối đãi với tình yêu của Lục Du cũng giống như lòng yêu nước của ông. Đối với Đường Uyển 唐琬, người vợ mà mẹ ông buộc chia tay mất sớm, nỗi nhớ thương ông luôn ghi khắc trong lòng, mãi cho đến lúc 80 tuổi, tự biết:
Thử thân hành tác Kê sơn thổ (2)
此身行作稽山土
(Thân già này sắp về với đất ở Kê sơn)
Biết không còn được ở lâu trên nhân thế, thế mà:
Do điếu di tông (3) nhất huyễn nhiên
犹吊遗宗一泫然
(Vẫn đến Thẩm viên điếu viếng tung tích của Đường Uyển ngày trước thường qua đây mà tuôn rơi nước mắt.)
Tấm lòng của thi nhân không chỉ luôn nồng ấm mà dù sống chết cũng không đổi thay.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- 2 câu này và 2 câu tiếp dưới ở trong bài Nam thụ vi phong vũ sở bạt thán 楠树为风雨所拔叹.
(2)- Câu này và câu kế tiếp ở bài thứ 2 trong Thẩm viên nhị thủ 沈园二首.
(3)- Di tông 遗宗: chỉ tông tích của Đường Uyển, người vợ trước đã mất của Lục Du lúc còn sống thường đến chơi ở Thẩm viên.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 21/12/2013
Nguyên tác Trung văn
THẬP MA THỊ “THI TÂM”
什么是“诗心”
Trong quyển
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
0 nhận xét:
Đăng nhận xét