TỬ SẢN
Tử Sản 子产 (? – năm 522 trước công nguyên), họ là Công Tôn 公孙, tên là Kiều 侨, cũng còn gọi là Công Tôn Thành Tử 公孙成子, tự là Tử Mĩ 子美, một tự khác là Tử Sản 子产. Ông là Tể tướng triều Giản Công 简公, Định Công 定公 nước Trịnh thời Xuân Thu, hiền tướng của nước Trịnh. Mất vị bệnh.
Tử Sản là quý tộc nước Trịnh, phụ thân là Tử Quốc 子国, làm quan tới chức Đại Tư Mã 大司马. Tử Sản lúc còn nhỏ đã có viễn kiến về chính trị. Năm 565 trước công nguyên, phụ thân của ông là Tử Quốc đem binh vào Sở đánh thuộc quốc là nước Thái, bắt chủ tướng quân Thái dẫn về nước, người trong nước đều vui mừng chức mừng chiến thắng, Tử Quốc vô cùng đắc ý. Riêng Tử Sản lại nói:
Nước nhỏ chưa trị lí được nội tình của mình mà trước tiên đã đánh bại nước khác, đó là đã trồng cái hoạ. Nếu như nước Sở xuất binh báo thù thì biết làm thế nào? Nếu dựa vào nước Sở, nước Tấn đem binh đến tấn công thì làm sao? Từ nay về sau, chí ít là 4 hoặc 5 năm nước Trịnh không thể yên ổn!
Một năm sau, quả nhiên Sở Tấn hai nước xuất binh đánh Trịnh, làm cho nước Trịnh sứt đầu mẻ trán.
Năm 563 trước công nguyên, Tử Quốc và quan chấp chính là Tử Tứ 子驷 do vì cải cách chế độ ruộng đất nên đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của quý tộc. Quý tộc Tư thị 司氏, Đổ thị 堵氏 phát động phản loạn giết chết Tử Tứ, Tử Quốc. Tử Sản sau khi nghe tin sai người giữ cung môn, phong toả kho phủ, thống lĩnh 17 chiến xa, sau khi phát tang thảo phạt phản loạn, các quý tộc khác tấp nập hưởng ứng và đã bình định được phản loạn. Tử Sản từ đó cũng bắt đầu lộ diện.
Năm 554 trước công nguyên, Tử Sản nhậm chức Khanh triều Trịnh Giản Công. Năm 543 trước công nguyên, quan chấp chính là Tử Bì 子皮 nhường chức vị cho Tử Sản, Tử Sản từ chối, nói rằng:
Trịnh là một nước nhỏ ở bên cạnh nước lớn, trong nước có nhiều quý tộc, hơn nữa họ lại có thế lực, nội bộ tranh chấp không ngừng, khó mà cai quản.
Tử Bì động viên Tử Sản rằng:
Tôi sẽ phục tùng mệnh lệnh của ngài, không ai dám làm khó ngài đâu, ngài hãy nhận đi. Nước nhỏ không phải là lí do, nước nhỏ có thể mạnh lên.
Lúc bấy giờ Tử Sản mới bằng lòng.
Sau khi Tử Sản chấp chính, lập tức thực hành cải cách, như chỉnh đốn ruộng đất của quý tộc, vạch lại mốc giới ruộng, đào mương làm ranh giới, đem đất đai mà bị quý tộc chiếm lấy trả về lại cho bách tính, biên chế mấy nhà thành một ngũ, cùng dùng chung một giếng, quy định quần áo màu sắc khác nhau, lập ra chế độ “khâu” 丘, “trưng” 征, “phú” 赋để đảm bảo việc cung cấp cho quân đội, định ra pháp luật đồng thời cho đúc lên đỉnh đặt ở ngoài cung môn, công bố cho thần dân đều biết, sử gọi là “hình đỉnh” 刑鼎. Đó là luật pháp thành văn được công bố đầu tiên của Trung Quốc, được các chư hầu bắt chước theo. Pháp luật đó đã bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của cả công và tư.
Tử Sản đề xướng tự do ngôn luận. Lúc bấy giờ ở đô thành có một trường học, nhiều người thường tụ tập ở đó chê một số cải cách của Tử Sản. Có người khuyên Tử Sản nên phá bỏ trường đó đi, Tử Sản đáp rằng:
Người ta bàn luận về chỗ mạnh chỗ yếu của mình, đó chính là thầy của ta, tại sao lại phải phá bỏ trường cấm chỉ ngôn luận của họ? Trung ái có thể giảm bớt oán hận, uy hiếp khó mà ngăn chận oán hận phát sinh. Oán hận nếu lớn như sông, đắp đê để phòng, một khi đê vỡ, không biết hại biết bao nhiêu người, chi bằng để một vài cửa cho nước chảy. Vả lại, ta nghe những lời chê của họ cũng như được thuốc hay trị bệnh.
Những lời này nói rõ Tử Sản có tầm nhìn và khí độ của một chính trị gia.
Việc thực thi cải cách của Tử Sản, khi mới bắt đầu đã gặp phải trở ngại, nhất là chính sách phân bổ thuế khoá lao dịch để tăng gia quân phí càng bị phản đối. Có người uy hiếp rằng:
Phụ thân của Tử Sản bị giết, ông ta cũng không được dài lâu đâu.
Có người còn đặt thành câu vè rêu rao sẽ giết chết Tử Sản. Tử Sản kiên quyết không rút lui, nói rằng:
Chỉ cần có lợi cho đất nước, ta dù có chết không không thay đổi những chính sách này.
Đối với cải cách của ông, Tử Bì cũng rất ủng hộ. Có một lần, Đại phu Phong Quyển 丰卷 xin cử hành săn bắn, Tử Sản không đồng ý, Phong Quyển về nhà xúi giục người khác phản đối. Tử Sản liền từ chức đi đến nước Tấn. Tử Bì sau khi nghe được, lập tức đuổi Phong Quyển, đi đón Tử Sản về. Tử Sản cũng rất khoan dung, cho bảo lưu phong ấp của Phong Quyển, đợi đến 3 năm sau khi Phong Quyển trở về đem phong ấp trả lại cho ông ta. (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 29/12/2013
Nguyên tác Trung văn
TỬ SẢN
子产
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét