NGHIỆP BÁ CỦA TẦN MỤC CÔNG
Năm 621 trước công nguyên (Tần Mục Công 秦穆公năm thứ 39), Tần Mục Công mất khi nghiệp bá của ông đang ở đỉnh cao. Trong giới sử học có cách nói “Xuân Thu ngũ bá” 春秋五霸 (1), nhưng rốt cuộc ngũ bá là 5 vị bá chủ nào, đến nay vẫn chưa thống nhất. Có người xếp Tần Mục Công vào một trong ngũ bá. Nhưng bình tâm mà luận, nghiệp bá của Tần Mục Công không giống với Tề Hoàn Công 齐桓公 và Tấn Văn Công 晋文公. Nghiệp bá của Tề Hoàn và Tấn Văn vừa được Chu thiên tử thừa nhận, lại có thể hiệu lệnh và hội minh chư hầu. Về điểm này Tần Mục Công thiếu. Nhưng trong những năm Tần Mục Công tại vị, Mục Công đã kế tục sự nghiệp của tiên tổ tiên công, không ngừng mở rộng cương thổ, cuối cùng xưng bá ở phía tây, hoàn thành túc nguyện của chư hầu trung nguyên, đặc biệt là của Chu thiên tử, công tích cũng khiến mọi người kinh ngạc. Nếu không lấy nghiệp bá của Tề Hoàn Tấn Văn làm tiêu chuẩn, chỉ từ độ sâu và độ rộng của sự thành công mà nói, nghiệp bá của Tần Mục Công hoàn toàn có thể sánh ngang với những bá chủ khác. Nhưng, thời đại của Tần Mục Công, sở dĩ nghiệp bá của ông không được thiên hạ thừa nhận, nhìn chung nhân vì tố dưỡng của con người ông tương đối kém cùng với chưa chú trọng đầy đủ lợi ích của dân chúng. Sau khi Tần Mục Công chết, từng tuẫn táng hơn 700 người, trong đó không thiếu những bề tôi có tài năng.
Chú của người dịch
(1)- Xuân Thu ngũ bá 春秋五霸:
Từ năm 770 đến năm 476 trước công nguyên, trong lịch sử gọi là thời kì Xuân Thu. Từ thời kì này trở về sau, Chu thiên tử không những mất đi uy quyền trước đó, mà ngược lại dựa vào những chư hầu hùng mạnh. Để tranh đoạt bá quyền, một số nước chư hầu chính chiến lẫn nhau tranh làm bá chủ. Có 5 chư hầu trước sau xưng bá, gọi là “Xuân Thu ngũ bá”.
Xưa nay, ít nhất có 9 thuyết liên quan đến ngũ bá:
1- Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Tống Tương Công, Sở Trang Vương. (Sử kí - 史记)
2- Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Sở Trang Vương, Hạp Lư, Câu Tiễn
(Tuân Tử - Vương bá 荀子 - 王霸)
3- Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Vương, Hạp Lư.
(Bạch Hổ thông – Hiệu biên 白虎通 - 号编)
4- Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Vương, Câu Tiễn.
(Tứ tử giảng đức luận 四子讲德论)
5- Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Phù Sai.
(Hán thư – Chư vương hầu biểu tự 汉书 - 诸王侯表序)
6- Tề Hoàn, Tấn Văn, Tấn Tương, Tấn Cảnh, Tấn Điệu.
(Kiết Kì đình tập ngoại biên 鲒崎亭集外编)
7- Trịnh Trang, Tề Hoàn, Tấn Văn, Tần Mục, Sở Trang.
(Từ thông 辞通)
8- Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Sở Trang Vương, Phù Sai, Câu Tiễn.
(Đại bộ phận trung học khoá bản)
9- Trịnh Trang Công, Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Tống Tương Công.
(Nam Hoài Cẩn 南怀瑾: Luận ngữ biệt tài 论语别裁)
Trong 9 thuyết trên, thuyết 1 có sức thuyết phục nhất, được nhiều người theo. Ngoài ra còn có người cho rằng, “ngũ bá” là hư chỉ, không phải thực chỉ 5 vị quốc quân.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 28/9/2014
Nguyên tác Trung văn
TẦN MỤC CÔNG ĐÍCH BÁ NGHIỆP
秦穆公的霸业
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét