About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Tết Trung thu

TẾT TRUNG THU

          Thời cổ, gọi ba tháng 8, 9, 10 âm lịch là mùa thu; ngày 15 tháng 8 ở giữa mùa thu nên gọi là Trung thu 中秋. Ngô Tự Mục 吴自牧 thời Nam Tống trong Mộng lương lục 梦粱录 viết rằng:
          Thử nhật tam thu kháp bán, cố vị chi ‘trung thu’. Thử dạ nguyệt sắc bội minh vu thường thời, hựu vị chi ‘ nguyệt tịch’. Tục dĩ trung thu nguyệt vi đoàn viên chi tượng trưng, tịnh hữu thân nhân đoàn tụ chi tập tục, cố hữu “đoàn viên tiết” chi xưng. Minh đại Lưu Đồng “Đế kinh cảnh vật lược” viết: ‘Bát nguyệt thập ngũ nhật nữ quy ninh, thị nhật phản kì phu gia, viết đoàn viên tiết”.
          此日三秋恰半, 故谓之中秋’. 此夜月色倍明于常时, 又谓之月夕’. 俗以中秋月为团圆之象征, 并有亲人团聚之习俗, 故有团圆节之称. 明代刘侗帝京景物略: “八月十五日女归宁, 是日返其夫家, 曰团圆节”.
          (Ngày này đúng vào giữa mùa thu nên gọi là ‘trung thu’. Đêm đó trăng sáng hơn lúc thường, nên cũng gọi là ‘nguyệt tịch’. Tục lấy trăng trung thu tượng trưng cho đoàn viên, có tập tục người thân đoàn tụ, nên có tên gọi là “Tết đoàn viên”. Lưu Đồng đời Minh trong “Đế kinh cảnh vật lược” có nói: “Ngày 15 tháng 8, con gái về nhà thăm cha mẹ mình, rồi về lại nhà chồng trong ngày, gọi là tết đoàn viên”.)
          Trung thu sở dĩ trở thành tết truyền thống trong dân gian là vì có liên quan mật thiết với câu chuyện thần thoại “Thường Nga bôn nguyệt” 嫦娥奔月 (1). Câu chuyện thần thoại này được thấy sớm nhất trong Quy tàng 归藏 ở sơ kì thời Chiến Quốc:
          Tích Thường Nga dĩ Tây Vương Mẫu bất tử chi dược phục chi, toại bôn nguyệt vi Nguyệt tinh.
          昔嫦娥以西王母不死之药服之, 遂奔月为月精.
          (Xưa Thường Nga uống thuốc bất tử của Tây Vương Mẫu, liền bay lên cung trăng làm Nguyệt tinh)
          (chú dẫn theo Văn tuyển – Tế Nhan Quang Lộc văn 文选 - 祭颜光禄文)
          Về sau, Lưu An 刘安 đời Hán trong Hoài NamTử - Lãm minh thiên 淮南子 - 览冥篇 cũng ghi rằng:
          Nghệ thỉnh bất tử chi dược vu Tây Vương Mẫu, Hằng Nga thiết dĩ bôn nguyệt, trướng nhiên hữu tang, vô dĩ tục chi.
          羿请不死之药于西王母, 姮娥窃以奔月, 怅然有丧, 无以续之.
          (Hậu Nghệ xin được thuốc bất tử ở Tây Vương Mẫu, Hằng Nga trộm uống liền bay lên cung trăng, Hậu Nghệ buồn bã như nhà có tang, về sau không lấy vợ nữa.)
           Toàn thượng cổ văn 全上古文 dẫn lời trong Linh hiến 灵宪:
          Thường Nga, Nghệ thê dã, thiết Tây Vương Mẫu bất tử dược phục chi, bôn nguyệt. ….. Toại thác thân vu nguyệt, thị vi thiềm thừ.
          嫦娥, 羿妻也, 窃西王母不死药服之, 奔月. ….. 遂托身于月, 是为蟾蜍.
          (Thường Nga là vợ Hậu Nghệ, lấy trộm thuốc bất tử của Tây Vương Mẫu
uống, bay lên cung trăng …. Bèn gởi thân nơi cung trăng, hoá làm con cóc.)
Đại khái thuyết này không nhất trí với hình tượng xinh đẹp của mặt trăng, cũng không phù hợp với sự truy cầu cái đẹp của mọi người, cho nên trải qua sự diễn biến gia công của dân gian trở thành câu chuyện Thường Nga bôn nguyệt của ngày hôm nay. Trong tiểu thuyết cuối đời Minh Hữu Hạ chí truyện 有夏志传 miêu tả Thường Nga “khéo léo và trinh tĩnh hảo khiết”, nhằm để phản kháng Hạ vương Thái Khang 太康 vô đạo, mạnh mẽ vứt bỏ người chồng bạc tình, bay lên cung trăng, “tại cung trăng xếp đá làm cung, bên cạnh có cây bà sa 婆娑, dưới cây có thỏ ngọc, trở thành vị thần của nguyệt cung.”
          Phong tục Trung thu đa phần có liên quan đến mặt trăng. Trong Tấn thư 晋书 chép rằng:
          Dụ Thượng thư trấn Ngưu Chử, Trung thu tịch dữ tả hữu vi phục phiếm giang.
          谕尚书镇牛渚, 中秋夕与左右微服泛江.
          (Quan Thượng thư họ Dụ trấn nhậm ở Ngưu Chử, đêm Trung thu mặc thường phục cùng với bọn tả hữu thả thuyền trên sông)
          Có thể thấy sớm từ đời Tấn đã có tục thả thuyền trên sông ngắm trăng. Trong Khai Nguyên di sự 开元遗事 cũng có ghi:
          Trung thu tịch, Thượng dữ Quý phi lâm Thái Dịch trì vọng nguyệt
          中秋夕, 上与贵妃临太液池望月.
          (Đêm Trung thu, Hoàng thượng cùng Quý phi đến ao Thái Dịch ngắm trăng)
          Theo Đông kinh mộng hoa lục 东京梦华录 của Mạnh Nguyên Lão 孟元老 thời Nam Tống:
          Trung thu dạ, quý gia kết sức đài tạ, dân gian tranh chiếm tửu lâu ngoạn nguyệt.
          中秋夜, 贵家结饰台榭, 民间争占酒楼玩月.
          (Đêm Trung thu, những nhà quyền quý thì treo đèn kết hoa ở đài tạ, dân gian thì giành chiếm chỗ ở tửu lầu để ngắm trăng)
          Và trong Thanh Gia lục 清嘉录 của Cố Lộc 顾禄 đời Thanh nói rằng, còn có những phụ nữ “trang điểm thật đẹp ra ngoài dạo chơi, cùng nhau qua lại hoặc đến ni am, cho đến lúc gà cất tiếng gáy hãy còn lượn vòng dưới trăng, gọi là “tẩu nguyệt lượng” 走月亮”.
          Tập tục dân gian tế nguyệt, bái nguyệt thời cổ kế thừa từ tập tục hàng năm vào lúc thu phân Chu thiên tử tế nguyệt mà ra. Trong Tân biên Tuý Ông đàm lục 新编醉翁谈录 có chép tục Trung thu bái nguyệt thời Nam Tống:
          Trai gái các nhà trong thành không phân biệt giàu nghèo có thể tự mình đi, đến cả 12, 13 tuổi đều mặc trang phục người lớn, lên lầu hoặc giữa sân thắp hương bái nguyệt, mỗi người đều có sở cầu: trai thì mong sớm được bước lên cung thiềm vin cành quế, gái thì mong có được dung mạo như Thường Nga, mặt tròn và tươi sáng như trăng.
          Và trong Đông kinh tuế hoa kí 东京岁华记 của Lục Khải Hoằng 陆启泓 đời Minh cũng nói rằng:
          Đêm Trung thu, mọi nhà đều đặt bùa nguyệt cung, trên bùa có con thỏ đứng như người; bày hoa quả ra sân, trên bánh có vẽ hình mặt trăng, con cóc và con thỏ; trai gái thắp hương cúng bái, đến sáng sớm thì đốt đi.
          Người xưa cho rằng, trăng thuộc âm cho nên nữ bái trước, nam bái sau hoặc không bái. Trong Yên kinh tuế thời kí 燕京岁时记 đời Thanh có ghi rằng:
          Cung nguyệt thời nam tử đa bất khấu bái.
          供月时男子多不叩拜
          (Khi cúng trăng, con trai đa phần không khấu bái)
          Về “Trung thu nguyệt bính” 中秋月饼 (bánh Trung thu) là loại thực phẩm truyền thống mỗi năm có một lần. Theo truyền thuyết, bánh Trung thu bắt nguồn từ cuộc khởi nghĩa nông dân cuối đời Nguyên, lãnh tụ nghĩa quân Trương Sĩ Thành 张士诚 lợi dụng cơ hội Trung thu tặng bánh cho thân hữu, trong bánh ngầm giấu thông báo khởi nghĩa, hẹn nghĩa binh các nơi cùng khởi sự vào tết Trung thu. Từ đó, vào tết Trung thu làm ra “nguyệt bính” dùng để tặng thân hữu trở thành dân tục. Nhưng, trong Mộng lương lục 梦粱录 của Ngô Tự Mục 吴自牧 thời Nam Tống đã có từ “nguyệt bính”, chẳng qua lúc bấy giờ phong tục ăn “nguyệt bính” chưa phổ cập. Đến đời Minh, “nguyệt bính” mới trở thành thực phẩm và lễ phẩm truyền thống vào dịp tết Trung thu. Trong Tây hồ du lãm chí dư 西湖游览志余 ghi rằng:
          Bát nguyệt thập ngũ nhật vị chi Trung thu, dân gian dĩ nguyệt bính tương di, thủ đoàn viên chi nghĩa.
          八月十五日谓之中秋, 民间以月饼相遗, 取团圆之义.
          (Ngày 15 tháng 8 gọi là Trung thu, trong dân gian tặng nhau nguyệt bính, lấy ý nghĩa đoàn viên)
          Trong Yên kinh tuế thời kí 燕京岁时记  cũng có ghi:
          Đến đời Thanh “Chí cung nguyệt, nguyệt bính đáo xứ giai hữu, đại giả xích dư, thượng hội nguyệt cung thiềm thố chi hình. Hữu tế tất nhi thực giả, hữu lưu chí Trừ tịch nhi thực giả, vị chi đoàn viên bính”.
          至供月, 月饼到处皆有, 大者尺余, 上绘月宫蟾兔之形. 有祭毕而食者, 有留至除夕而食者, 谓之团圆饼.
          (Đến khi cúng trăng, khắp nơi đều có nguyệt bính, bánh mà lớn thì cũng hơn 1 xích, bên trên vẽ hình mặt trăng con cóc con thỏ. Sau khi cúng xong, có nhà ăn liền, có nhà để lại đến lúc Trừ tịch mới ăn, gọi đó là bánh đoàn viên)
          Đêm Trung thu, cả nhà đoàn viên, ăn bánh Trung thu thơm ngọt, ngắm ánh trăng trong sắc trời thu, mơ ước về một ngày mai hạnh phúc. Trong thời khắc đó, trăng Trung thu dường như càng đẹp hơn.

Chú của người dịch
(1)- Thường Nga 嫦娥: tức Hằng Nga 姮娥, nhân vì tị huý tên của Hán Văn Đế là Lưu Hằng 刘恒 nên đổi “hằng” ra “thường”.
                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 08/9/2014
                                                                  Tết Trung thu năm Giáp Ngọ

Nguyên tác Trung văn
TRUNG THU TIẾT
中秋节
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét