TỪ ĐƠN ÂM VÀ TỪ PHỨC ÂM
Khi nghiên cứu Hán ngữ cổ đại, chúng ta cần phải hiểu mối quan hệ giữa từ đơn âm và từ phức âm, mối quan hệ giữa từ phức âm với từ đồng nghĩa, bởi điều đó giúp chúng ta hiểu triệt để hơn Hán ngữ cổ đại.
Chúng ta thử lấy một bài cổ văn nào đó dịch sang Hán ngữ hiện đại sẽ phát hiện bài dịch dài hơn nguyên văn. Điều này chủ yếu là do từ vựng của Hán ngữ cổ đại lấy từ đơn âm làm chủ, còn từ vựng của Hán ngữ hiện đại lấy từ phức âm (chủ yếu là từ song âm) làm chủ. Ví dụ như câu:
Kiển Thúc chi tử dự sư
蹇叔之子與師
(Con của Kiển Thúc tham gia quân đội)
(Tả truyện – Hi Công tam thập nhị niên 左傳 - 僖公三十二年)
Trong câu này, chữ “tử” 子 ở Hán ngữ hiện đại nói thành “nhi tử” 兒子, “dự sư” 與師 nếu không dịch thành 2 từ phức âm “tham gia quân đội” 參加軍隊 thì không thể.
So sánh từ đơn âm cổ đại và từ phức âm hiện đại, chủ yếu có 3 tình huống:
Thứ 1: thay một từ hoàn toàn khác, ví dụ “dự” 與 biến thành “tham gia” 參加, “sư” 師 biến thành “quân đội” 軍隊.
Thứ 2: thêm từ vĩ, từ đầu, như “hổ” 虎 biến thành “lão hổ” 老虎, “bôi” 杯 biến thành “bôi tử” 杯子, “thạch” 石 biến thành “thạch đầu” 石頭.
Thứ 3: lợi dụng 2 từ đồng nghĩa làm từ tố, cấu thành 1 từ phức âm, ví dụ như “nhi” 兒 và “tử” 子 là từ đồng nghĩa, hợp lại thành từ phức âm “nhi tử” 兒子.
Đáng chú ý là ở tình huống thứ 3, có nhiều từ đơn âm cổ đại, xem là từ, có thể cho rằng nó đã chết; nhưng nhìn từ từ tố, nó vẫn lưu tồn trong Hán ngữ hiện đại. Ví dụ: Hán ngữ cổ đại có từ đơn âm “lự” 慮. Trong Luận ngữ - Vệ Linh Công 論語 - 衛靈公 có câu:
Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu
人無遠慮, 必有近憂
(Người mà không lo xa ắt có buồn gần)
Trong Thi kinh – Tiểu nhã – Vô vũ 詩經 - 小雅 - 無雨:
Phất lự phất đồ
弗慮弗圖
(Chẳng lo chẳng tính)
Nhưng, trong Hán ngữ hiện đại, chữ “lự” chỉ là từ tố được lưu tồn trong những từ song âm như “cố lự” 顧慮, “khảo lự” 考慮, hoặc giả chỉ xuất hiện trong những thành ngữ như “thâm mưu viễn lự” 深謀遠慮, “thâm tư thục lự” 深思熟慮, mà không thể là từ đơn âm tự do vận dụng.
Đại bộ phận từ song âm trong Hán ngữ đều kinh qua giai đoạn lâm thời tổ hợp của từ đồng nghĩa. Đây chính là nói, vào lúc ban đầu, chúng chỉ là 2 từ đồng nghĩa đi chung với nhau, chưa ngưng kết thành một chỉnh thể - là một từ đơn. Có thể chứng minh từ 2 phương diện:
- Thứ 1: lúc ban đầu tổ hợp một số từ đồng nghĩa nào đó không có hình thức cố định, mấy từ đồng nghĩa có thể tự do tổ hợp, thậm chí có thể đổi trật tự, ví dụ “hiểm” 險 “trở” 阻 “ải” 隘 (1) là từ đồng nghĩa, thời thượng cổ thường dùng riêng, cũng có thể hỗ tương tổ hợp. Trong Tả truyện – Hi Công nhị thập nhị niên 左傳 - 僖公二十二年,vừa có “ải nhi bất liệt” 隘而不列, “trở nhi cổ chi” 阻而鼓之, lại có “bất dĩ trở ải dã” 不以阻隘也, “trở ải khả dã” 阻隘可也. Ở 2 câu sau, “trở” và “ải” tuy đi liền với nhau nhưng hiển nhiên vẫn là 2 từ. Trong Sử kí – Tôn Tử Ngô Khởi liệt truyện 史記 - 孫子吳起列傳 có câu:
Mã Lăng đạo hiệp, nhi bàng đa trở hiểm
馬陵道狹, 而旁多阻險
(Mã Lăng đường hẹp, hai bên nhiều hiểm trở)
“trở” và “hiểm” tổ hợp chặt hơn một tí. Và cũng trong Sử kí – Hoài Âm Hầu liệt truyện 史記 - 淮陰侯列傳:
Khủng ngô chí trở hiểm nhi hoàn
恐吾至阻險而還
(Sợ ta đến chỗ hiểm trở thì quay lại)
là “trở” và “hiểm” kết hợp cùng nhau. Đồng thời chúng ta cũng có thể nhìn thấy, trong Tả truyện – Thành Công thập tam niên 左傳 - 成公十三年có “hiểm trở” 險阻 (du việt hiểm trở 踰越險阻), trong Li tao 離騷 có “hiểm ải” 險隘 (lộ u muội dĩ hiểm ải 路幽昧以險隘). Điều này nói rõ, 3 từ đồng nghĩa khi tổ hợp lại, tính độc lập của mỗi từ còn rất mạnh, không tổ thành một từ đơn nhất mới, vẫn là tình huống tự do tổ hợp.
- Thứ 2: người xưa đối với một loại từ đồng nghĩa, thường thêm vào sự khu biệt. Ví dụ “hôn nhân” 婚姻 đã trở thành từ phức âm từ rất sớm, trong Tả truyện – Thành Công thập tam niên 左傳 - 成公十三年 có câu:
Quả quân bất cảm cố hôn nhân
寡君不敢顧婚姻
(Quả quân không dám nghĩ đến hôn nhân)
nhưng trong Thuyết văn 說文 lại nói:
Phụ gia vi hôn, tế gia vi nhân
婦家為婚, 婿家為姻
(Nhà gái là hôn, nhà chàng rể là nhân)
“Cơ cận” 饑饉, ở đời sau cũng là từ phức âm, nhưng Chu Hi 朱熹 khi chú Luận ngữ 論語 có nói:
Cốc bất thục viết cơ, thái bất thục viết cận
穀不熟曰饑,菜不熟曰饉
(Ngũ cốc không chín gọi là cơ, rau không mọc được gọi là cận)
Ngày nay khi chúng ta đọc sách cổ, phải đem những từ này giải thích là từ phức âm, như vậy mới có thể có được một khái niệm hoàn chỉnh. Nhưng, ý nghĩa vốn có của từ tố không thể không lưu ý, nhân vì phân tích từ tố trong từ phức âm, không những có thể giúp chúng ta nói rõ những từ phức âm này được hình thành như thế nào, mà còn có thể từ sự so sánh nghĩa của từ ở đời sau và nghĩa vốn có khác nhau nhìn thấy tính hoàn chỉnh của từ phức âm, từ đó khu biệt được từ phức âm và từ đồng nghĩa. (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 20/9/2014
Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 1)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét