About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Ngược tìm nguồn gốc tết Trung thu

NGƯỢC TÌM NGUỒN GỐC TẾT TRUNG THU

          Tết Trung thu (Trung thu tiết 中秋节) có nhiều tên gọi, nhân vì thời gian là vào ngày 15 tháng 8 âm lịch nên gọi là “Bát nguyệt tiết” 八月节, “Bát nguyệt bán” 八月半; lại nhân vì trăng đêm rằm tháng 8 tròn hơn, sáng hơn những tháng khác, những hoạt động chủ yếu ở tết Trung thu đều lấy trăng làm nội dung nên cũng gọi là “Nguyệt tịch” 月夕, “Thu tiết” 秋节, “Trọng thu tiết” 仲秋节, “Bát nguyệt hội” 八月会, “Truy nguyệt tiết” 追月节, “Ngoạn nguyệt tiết” 玩月节, “Bái nguyệt tiết” 拜月节 v.v… Trăng đêm Trung thu vô cùng sáng và tròn được mọi người xem là tượng trưng cho cả nhà đoàn viên, nên còn được gọi là “Đoàn viên tiết” 团圆节.
          Trong truyền thuyết, tết Trung thu bắt nguồn từ hoạt động tế Thổ địa thần vào mùa thu thời cổ. Ở xã hội nông nghiệp truyền thống, mùa xuân gieo hạt, mùa hạ thu thập nông sản, mùa thu gặt hái, mùa đông cất giữ là những hoạt động lao tác chủ yếu. Với tình hình đất đai, đối với con người lấy đó sinh sống mà nói là  vô cùng quan trọng. Nhân đó, mọi người rất kính sợ đất đai. Mỗi khi đến mùa xuân gieo giống, đều tế Thổ địa thần, cầu mong Thổ địa thần ban cho ngũ cốc được mùa, hoạt động này gọi là “Xuân kì” 春祈. Đến mùa thu, lúc vào vụ thu hoạch cũng phải tế Thổ địa thần, bái tạ sự che chở của thần, gọi là “Thu báo” 秋报. Ngày 15 tháng 8 chính là lúc thu hoạch của mùa thu, nhà nhà đều bái Thổ địa thần, cho nên tết Trung thu có thể là tập tục “Thu báo” của người xưa truyền lại.
          Còn có một thuyết khác cho rằng tết Trung thu sớm nhất bắt nguồn từ điển lễ tế trăng thời cổ. Người thời cổ cho rằng, mặt trăng là vị thần linh chỉ đứng sau mặt trời, luôn là đối tượng sùng bái của mọi người. Mùa thu hoạch, không chỉ phải bái Thổ địa thần mà còn phải bái Nguyệt thần. Người xưa cho rằng, ngũ cốc được mùa không thể tách rời mặt trăng, nếu không có mặt trăng ban cho sương móc, không có mặt trăng tròn khuyết để tính thời vụ thì không thể có thu hoạch. Ban đầu, ngày tế mặt trăng là vào ngày Thu phân, nhưng tiết khí ngày Thu phân mỗi năm đều không cố định, vào ngày đó không nhất định phải có trăng. Về sau dần ước định thành tục, ngày tế mặt trăng cố định vào ngày 15 tháng 8.
          Thời Minh Thanh, đến đêm Trung Thu, nhà nhà đều đặt tiệc để mừng. Hoạt động tế mặt trăng trong cung càng quy mô hơn. Nguyệt đàn ở Bắc Kinh được tu tạo vào năm Gia Tĩnh 嘉靖 thứ 9 triều Minh (năm 1530) chính là nơi hoàng gia tế mặt trăng. Di Hoà viên 颐和园 ở Bắc Kinh cũng là nơi Từ Hi Thái Hậu 慈禧太后 thống lĩnh đại thần, hậu phi và cung nữ tế mặt trăng.
          Từ xưa đến nay, Trung thu được mọi người xem là ngày đoàn tụ người thân. Trăng tròn tượng trưng cho đoàn viên, cho dù có lúc tuy người thân mỗi người một nơi, nhưng khi một vầng trăng tròn chiếu khắp chín châu, mọi người vẫn có thể cùng ngắm nhìn, cùng chúc phúc cho nhau.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 07/9/2014
                                                  Ngày 14 tháng 8 năm Giáp Ngọ

Nguyên tác Trung văn
TRUNG THU TIẾT TỐ NGUYÊN
中秋节溯源
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009

0 nhận xét:

Đăng nhận xét