About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Tục chèo thuyền bằng chân vùng Thiệu Hưng

TỤC CHÈO THUYỀN BẰNG CHÂN VÙNG THIỆU HƯNG

          Tại sao nông dân vùng Thiệu Hưng 绍兴 có tục dùng chân để chèo thuyền? trong dân gian có lưu truyền một câu chuyện như sau:
          Truyền thuyết kể rằng vào thời xưa, ở Thiệu Hưng có một “đại điếm vương” 大店王 (từ dùng để gọi những ông chủ giàu có), gia tài có đến vạn quan tiền. Tính ông thích du ngoạn, thường cùng hai ba người bạn ngồi trên thuyền “ô bồng” 乌篷 (1) bày đủ các món ăn, lại còn thuê một anh nông dân chuyên chèo thuyền, từ sáng tới tối đến Kê sơn 稽山, Giám thuỷ 鉴水 để du sơn ngoạn thuỷ, ngâm thơ làm câu đối, tự xưng là phong nhã. Những đại điếm vương thường uống rượu Thiệu Hưng, uống đến độ say bí tỉ, riêng người chèo thuyền chèo đến nỗi bụng đói sôi ùng ục, hai tay sưng tấy, thế mà còn bị đại điếm vương chửi mắng cho là lười nhác không gắng sức. Một lần nọ, anh nông dân chèo thuyền này ra sức chèo, muốn cho đôi tay được nghỉ ngơi chốc lát liền dùng đôi chân đạp mái chèo. Không ngờ đại điếm vương nhìn thấy mở miệng mắng, đồng thời không thuê anh ta nữa. Anh nông dân tức giận, tự mình làm một chiếc thuyền ô bồng, lại làm một mái chèo đặc biệt, tập dùng chân để chèo. Lâu ngày, cuối cùng anh ta tập được, đôi chân một co một duỗi chèo khiến chiếc thuyền ô bồng nhỏ lướt đi như bay. Một hôm anh nông dân chở khách đi dạo trên Giám hồ 鉴湖, tình cờ gặp lại đại điếm vương ngày trước, liền thách chèo thi với thuyền của đại điếm vương. Ai ngờ, anh ta vừa uống rượu Thiệu Hưng vừa thưởng thức món Hồi hương đậu 茴香豆, hai chân một co một duỗi chèo, thuyền lướt nhanh hơn thuyền của đại điếm vương, đại điếm vương giậm chân hét bọn chèo “chèo mau, chèo mau!”. Thuyền ô bồng nhỏ của anh nông dân lướt khắp Giám hồ. Từ đó, nông dân vùng Thiệu Hưng học theo cách của anh nông dân nọ dùng chân để chèo thuyền. Đời này truyền sang đời khác hình thành nên phong tục đặc biệt “cước hoa thuyền” 脚划船này

Chú của người dịch
(1)- Thuyền ô bồng (ô bồng thuyền 乌篷船): là một loại công cụ giao thông đặc biệt của vùng sông nước Thiệu Hưng 绍兴 tỉnh Triết Giang 浙江, nhân vì mui thuyền được sơn đen nên có tên gọi như thế.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 30/9/2014

Nguyên tác
THIỆU HƯNG CƯỚC HOA THUYỀN
绍兴脚划船
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển thượng)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009

0 nhận xét:

Đăng nhận xét