TỨ ĐẠI DANH CẦM THỜI CỔ TRUNG QUỐC
Cầm 琴 là một trong những nhạc khí cổ xưa nhất trong lịch sử Trung Quốc, hiện gọi là “cổ cầm” 古琴 hoặc “thất huyền cầm” 七弦琴. Cổ cầm có lịch sử chế tác lâu đời, nhiều danh cầm đều có văn tự khảo chứng, hơn nữa lại có danh cầm mĩ diệu cùng với truyền thuyết thần kì. Trong đó nổi tiếng nhất là “Hiệu chung” 号钟của Tề Hoàn Công 齐桓公, “Nhiễu lương” 绕梁của Sở Trang Vương 楚庄王, “Lục Ỷ” 绿绮 của Tư Mã Tương Như 司马相如 và “Tiêu Vĩ” 焦尾của Thái Ung 蔡邕. Bốn cây đàn này được mọi người khen là “tứ đại danh cầm”.
“Hiệu chung” 号钟:
Là danh cầm đời Chu . Âm thanh lớn và vang của đàn này giống tiếng chuông ngân, giống tiếng tù và kêu vang, khiến người tai người nghe như muốn điếc. Truyền thuyết kể rằng, danh cầm kiệt xuất Bá Nha 伯牙thời cổ từng đàn qua đàn “Hiệu chung” này. Tề Hoàn Công là vị quân chủ hiền minh của nước Tề, thông hiểu âm luật. Đương thời, Hoàn Công từng thu thập nhiều danh cầm, nhưng yêu quý nhất là “Hiệu chung”. Ông từng sai bộ hạ gõ sừng trâu, ca hát để giúp vui, tự mình tấu “Hiệu chung” để hô ứng. Tiếng sừng trâu vang vang, tiếng ca thê thiết, “Hiệu chung” cũng tấu lên âm thanh bi thương, khiến người hầu hai bên đều cảm động rơi lệ.
“Nhiễu lương” 绕梁:
Câu “dư âm nhiễu lương, tam nhật bất tuyệt” 余音绕梁, 三日不绝 (dư âm tiếng hát hãy còn vương vấn nơi rường nhà, ba ngày không dứt) (1) có nguồn gốc từ một câu chuyện trong Liệt Tử 列子. Đàn lấy “nhiễu lương” làm tên, đủ thấy đặc điểm về âm sắc của đàn này, đương nhiên dư âm không dứt. Theo truyền thuyết, “Nhiễu lương” là lễ vật của một người tên Hoa Nguyên 华元 dâng lên Sở Trang Vương, không rõ niên đại chế tác. Sở Trang Vương từ khi có được “Nhiễu lương”, cả ngày đàn tấu làm vui, say mê trong tiếng nhạc. Có một lần, Trang Vương liên tiếp 7 ngày không lâm triều, đại sự quốc gia gác lại. Vương phi Phàn Cơ 樊姬 vô cùng lo lắng, khuyên Trang Vương rằng:
Quân vương, ngài quá đắm chìm trong âm nhạc! Trước kia, Hạ Kiệt vì quá yêu đàn sắt ‘Muội Hỉ” mà dẫn đến hoạ sát thân; Trụ vương vì mê nghe âm thanh uỷ mị mà mất giang sơn xã tắc. Nay, quân vương yêu thích ‘Nhiễu lương’ đến như vậy, 7 ngày không lâm triều, lẽ nào cũng muốn mất nước và mất sinh mệnh của mình?
Sở Trang Vương nghe xong, không có cách nào kháng cự lại sự mê hoặc của “Nhiễu lương” đành phải nén lòng sai người đập vỡ đàn, thân đàn vỡ thành nhiều mảnh. Từ đó danh cầm “Nhiễu lương” mà hàng vạn người hâm mộ đã tuyệt đứt thanh âm.
“Lục ỷ” 绿绮:
Là cây đàn của Tư Mã Tương Như, văn nhân nổi tiếng thời Hán. Tư Mã Tương Như vốn nghèo, nhưng thi phú của ông cực kì có danh khí. Lương Vương nghe tiếng mời ông làm phú, ông viết tặng thiên “Như ngọc phú” 如玉赋. Lời bài phú này hoa lệ, khí vận phi phàm. Lương Vương vô cùng vui mừng nên đã lấy cây đàn “Lục ỷ” của mình tặng lại. “Lục ỷ” là một danh cầm truyền đời, trên đàn có khắc minh văn: “Đồng tử hợp tinh” 桐梓合精, tức tinh hoa của cây đồng cây tử hợp lại. Tương Như có được “Lục ỷ” như được báu vật, cầm nghệ tinh thông của ông phối cùng âm sắc tuyệt mĩ của “Lục ỷ” khiến đàn nổi tiếng nhất thời. Về sau, “Lục ỷ” trở thành biệt xưng của cổ cầm. Một lần nọ, Tư Mã Tương Như đến thăm người bạn, hào phú Trác Vương Tôn 卓王孙 mến mộ danh tiếng đã bày tiệc khoản đãi. Đương lúc cao hứng, mọi người nói rằng:
Nghe nói, “Lục ỷ” ông đàn cực hay, xin đàn cho một khúc để mọi người thưởng thức.
Tương Như từ lâu đã nghe nói con gái của Trác Vương Tôn là Văn Quân 文君 tài hoa xuất chúng, tinh thông cầm nghệ, lại ngưỡng mộ mình, nên đã đàn khúc “Phụng cầu hoàng” 凤求凰để bày tỏ tình cảm. Văn Quân sau khi nghe đàn, đã hiểu được hàm ý của cầm khúc. Văn Quân động lòng trước văn tài của Tương Như và để đáp “tri âm chi ngộ”, đêm đó theo Tương Như kết mối lương duyên. Từ đó, chuyện Tư Mã Tương Như dùng đàn để truy cầu Văn Quân được truyền tụng thành giai thoại.
“Tiêu vĩ” 焦尾:
Là cây đàn do văn học gia, âm nhạc gia trứ danh Thái Ung thời Đông Hán chế tác. Khi Thái Ung “vong mạng giang hải, viễn tích Ngô Cối” 亡命江海远迹吴会 (2), từng từ trong lửa cứu được một khúc cây ngô đồng có thanh âm khác lạ chưa bị cháy hêt, Thái Ung dựa theo khúc cây dài ngắn và hình dáng của nó chế tác thành cây “thất huyền cầm”. Quả nhiên thanh âm khác thường. Nhân vì phần đuôi của khúc cây còn lưu lại vết cháy nên đã đặt tên là “Tiêu vĩ”. Âm sắc êm dịu của đàn và cách chế tác đặc biệt nên đã vang danh bốn biển. Cuối đời Hán sau khi Thái Ung bị sát hạt, “Tiêu vĩ” cầm vẫn được bảo tồn ở nội khố của hoàng gia. 300 năm sau, khi Tề Minh Đế 齐明帝 (3) tại vị, để thưởng thức tài nghệ đánh đàn siêu việt của Vương Trọng Hùng 王仲雄, Minh Đế đã sai đem “Tiêu vĩ” cầm đã cất giữ nhiều năm ra cho Vương Trọng Hùng diễn tấu. Vương Trọng Hùng liên tục đàn 5 ngày, đồng thời theo hứng sáng tác “Áo não khúc” 懊恼曲 dâng lên Minh Đế. Đến đời Minh, Vương Phùng Niên 王逢年 người Côn Sơn 年昆山 đã cất giữ “Tiêu vĩ” cầm này.
Chú của người dịch
(1)- Thiên Thang vấn 汤问 trong Liệt Tử 列子 có ghi:
Tích Hàn Nga đông chi Tề, quỹ lương, quá Ung Môn, dục ca giả thực. Kí khứ nhi dư âm nhiễu lương, tam nhật bất tuyệt, tả hữu dĩ kì nhân phất khứ.
昔韩娥东之齐, 匮粮过雍门, 鬻歌假食. 既去而余音绕梁, 三日不绝, 左右以其弗去.
(Xưa có nàng Hàn Nga đi về phía đông sang nước Tề, hết lương thực, lúc tới Ung Môn, phải ca hát để đổi lấy cái ăn. Sau khi nàng đi khỏi mà dư âm tiếng hát vẫn còn vương vấn nơi rường nhà, ba ngày không dứt, mọi người chung quanh cho rằng nàng chưa đi)
(2)- Năm Quang Hoà 光和thứ nhất (năm 178), đối với tai dị, Thái Ung 蔡邕vì trực ngôn dâng lời nên bị đày lên phương bắc. Năm Quang Hoà thứ hai (năm 179) Thái Ung được xá tội về quê, trên đường đi quan Ngũ Nguyên 五原, Thái thú Vương Trí 王智bày tiệc tiễn hành. Lúc yến ẩm, thái độ của Thái Ung kiêu ngạo, bị Vương Trí để tâm. Vương Trí là em của Trung thường thị Vương Phủ 王甫, Thái Ung sợ gặp phải báo thù nên đã đi khắp bốn biển trong khoảng thời gian 12 năm, xa đến Cối Kê.
(3)- Tề Minh Đế 齐明帝: tức Tiêu Loan 萧鸾, tự Cảnh Thê 景栖, tiểu danh Huyền Độ 玄度, miếu hiệu Cao Tông 高宗, thuỵ Tề Minh Đế 齐明帝. Ông là vị hoàng đế thứ 5 của Nam triều Tề thời Nam Bắc triều, tại vị từ năm 494 đến năm 498.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 03/9/2014
Nguyên tác Trung văn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI TỨ ĐẠI DANH CẦM
中国古代四大名琴
Trong quyển
TRUNG QUỐC CHI TỐI
QUÂN SỰ KHOA KĨ – THỂ DỤC NGHỆ THUẬT
中国之最
军事科技体育艺术
Chủ biên: Lưu Chấn Vũ 刘振宇
Bắc Kinh: Kinh Hoa xuất bản xã, 2007.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét