TÀO THỰC
Tào Thực 曹植 (192 – 232), văn học gia nước Nguỵ thời Tam Quốc, tự Tử Kiến 子建, con thứ 3 của Tào Tháo 曹操với người vợ họ Biện 卞. Tào Thực từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, hơn 10 tuổi đã đọc nhiều thơ văn từ phú, hạ bút thành chương, rất được Tào Tháo sủng ái. Tào Tháo từng cho rằng, trong số mấy người con thì Tào Thực “có thể định được đại sự nhất”, nhiều lần muốn lập Tào Thực làm thái tử. Nhưng hành vi của Tào Thực buông thả, nhiều lần phạm phải điều cấm, khiến Tào Tháo giận. Còn huynh trưởng của Tào Thực là Tào Phi 曹丕 giỏi đóng kịch, cuối cùng trong việc lập người kế vị đã chiếm thế thượng phong. Năm Kiến An 建安thứ 22 (năm 217) Tào Phi được lập làm thái tử.
Năm Kiến An thứ 25 Tào Tháo bị bệnh và qua đời, Tào Phi kế ngôi Nguỵ Vương, tức thời xưng đế. Cuộc sống của Tào Thực từ đó đã phát sinh những sự thay đổi căn bản, từ chỗ là một quý công tử sống một cuộc sống vui chơi hưởng lạc, trở thành đối tượng bị đả kích và bị hạn chế. Năm Hoàng Sơ 黄初thứ 7 (năm 226), Tào Phi bị bệnh và qua đời, Tào Duệ 曹叡kế vị, tức Nguỵ Minh Đế 魏明帝. Tào Duệ vẫn phòng bị và hạn chế Tào Thực, cảnh ngộ vẫn không có chuyển biến tốt. Trong 12 năm thời Văn Đế và Minh Đế, Tào Thực từng được nhiều lần gia phong tước vị, phong địa cuối cùng của Tào Thực là Trần quận 陈郡, khi mất có tên thuỵ là Tư 思, cho nên người đời sau gọi Tào Thực là Trần Vương 陈王 hoặc Trần Tư Vương 陈思王.
Thi ca là lĩnh vực chủ yếu trong hoạt động văn học của Tào Thực. Nội dung thời kì đầu và thời kì cuối có sự khác biệt rất lớn. Thi ca thời kì đầu có thể chia làm 2 loại lớn, một loại biểu hiện cuộc sống ăn chơi của một công tử quý tộc, một loại phản ánh sự cảm nhận thời đại “sinh hồ loạn, trưởng hồ quân” 生乎乱, 长乎军 (sinh ra trong thời loạn, trưởng thành trong quân ngũ). Thơ ca thời kì cuối dưới sự áp chế chủ yếu đã bộc lộ sự phẫn khái và tâm tình ai oán, biểu hiện không cam chịu bị bỏ qua một bên, vẫn có nguyện vọng được lập công.
Thi ca của Tào Thực tương đối hoàn chỉnh hiện tồn có hơn 80 bài. Về nghệ thuật thi ca, Tào Thực đã có nhiều sáng tạo mới, đặc biệt trong việc sáng tác thơ ngũ ngôn đã có cống hiến to lớn. Tào Thực đã kết hợp một cách hữu cơ giữa trữ tình và tự sự, khiến thơ ngũ ngôn vừa có thể miêu tả sự biến hoá phức tạp, vừa có thể biểu đạt sự cảm nhận tâm lí khúc chiết, làm phong phú công năng nghệ thuật của nó. Tào Thực được xem là tập đại thành của văn học Kiến An 建安, thời kì lưỡng Tấn Nam Bắc triều, Tào Thực được suy tôn lên địa vị mẫu mực của văn chương. Lúc sinh tiền, Tào Thực có biên soạn qua tuyển tập Tiền lục 前录 gồm 78 thiên. Sau khi Tào Thực qua đời, Minh Đế Tào Duệ từng tập lục trứ tác của Tào Thực hơn 100 thiên. Trong Tuỳ thư – Kinh tịch chí 隋书 - 经籍志 trứ lục 30 quyển, Liệt nữ truyện tụng 列女传颂 1 quyển, Hoạ tán 画赞 5 quyển. Nhưng nguyên tập đến cuối thời Bắc Tống đã thất tán. Hiện tồn bản khắc Tào Tử Kiến tập 曹子建集 gồm 10 quyển được san khắc vào năm Gia Định 嘉定thứ 6 thời Nam Tống, gồm thi phú văn tổng cộng 206 thiên. Đời Minh, Quách Vân Bằng 郭云鹏, Uông Sĩ Hiền 汪士贤, Trương Phổ 张溥 mỗi người tự khắc in Trần Tư Vương tập 陈思王集, đại khái là căn cứ bản thời Nam Tống gia công chỉnh lí mà thành.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 23/11/2014
Nguyên tác Trung văn
TÀO THỰC
曹植
Trong quyển
HÁN PHÚ ĐÍCH LỊCH SỬ
汉赋的历史
Tác giả: Trương Ân Phú 张恩富
Trùng Khánh xuất bản xã, 2006.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét