About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Thân dân

THÂN DÂN

Đại học chi đạo tại thân dân (1)
大学之道在亲民
(Đường lối ở đại học là ở chỗ thân dân)
Dân chi sở hiếu hiếu chi, dân chi sở ố ố chi, thử chi vị dân chi phụ mẫu (2)
民之所好好之,民之所恶恶之, 此之谓民之父母
(Người làm quan phải biết thích những gì dân thích, ghét những gì dân ghét, đó mới gọi là cha mẹ của dân)
Đó mới đúng là thực chất của “thân dân” 亲民. Tống Nho đã đổi “thân” ra “tân” , dẫn câu “tác tân dân” 作新民 ở thiên Khang cáo 康诰, mà không biết “như bảo xích tử” 如保赤子 (như bảo vệ con đỏ) cũng ở thiên Khang cáo. “Bảo dân” 保民 đồng nghĩa với “bảo xích” 保赤, với “thân dân” ý nghĩa của nó càng thiết thực hơn. Cái đạo “bảo dân” của thánh nhân ngày xưa không ngoài hai đầu mối: “phú” và “giáo” , mà chữ “thân” đã đủ đáp ứng hai đầu mối đó, đổi “thân” ra “tân” không tránh khỏi chỉ thiên về giáo. Nghĩa của chữ “thân”  rộng hơn nghĩa chữ “tân”, nói “thân” là giữa vật và ta không có sự cách biệt, nói “tân” thì lại mang khí tượng lấy sang trị hèn, lấy người hiền trị hạng người không tốt, coi dân như người bị thương vậy.
          Cách trị đạo đời sau sở dĩ không như đời Tam đại, chính vì chẳng cốt cầu cho dân được yên mà chỉ nhắm đề phòng chỗ không tốt của dân, vì thế mới bỏ đức mà dùng hình, tự cho là thay đổi cái cũ đã tiêm nhiễm, mà cái gốc ngày càng đi đến chỗ bạc nhược. Tôi trộm nghĩ, “thân dân” trong sách Đại học 大学 theo nghĩa cũ hay hơn.

Chú của người dịch
(1)- Trong sách Đại học 大学ghi rằng:
Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện
大学之道, 在明明德, 在亲民, 在止於至善
(Đường lối ở đại học là ở chỗ làm sáng cái đức sáng của mình, là ở chỗ thân dân,  và dừng lại ở chỗ chí thiện)
(2)- Câu này cũng ở sách Đại học 大学 
Tiền Đại Hân 钱大昕 (1728 – 1804): học giả đời Thanh, tự Hiểu Trưng 晓徵, Tân Mi 辛楣, hiệu Cập Chi 及之, Trúc Đinh 竹汀, người Gia Định 嘉定, Giang Tô 江苏 (nay thuộc thành phố Thượng Hải).
          Năm Càn Long thứ 19 (1754) Tiền Đại Hân đậu Tiến sĩ, nhậm chức Biên tu, không bao lâu được thăng là Thị độc (có tài liệu ghi là Thị giảng). Năm Càn Long thứ 37, được bổ làm Thị độc học sĩ (có tài liệu ghi là Thị giảng học sĩ), rồi thăng Chiêm sự phủ Thiếu chiêm sự. Năm Càn Long thứ 40, vì có tang nên từ quan về quê, từ đó ông không ra làm quan nữa, ở quê nhà chuyên tâm đọc sách. Năm Gia Khánh thứ 3, triều đình cho mời ông về lại triều nhưng ông vẫn từ chối. Tiền Đại Hân mất vào năm Gia Khánh thứ 9 (1804) tại Tử Dương thư viện 紫阳书院, hưởng thọ 77 tuổi.
          Nguồn http://www.baike.com/wiki/
Thập Giá Trai dưỡng tân lục 十架斋养新录: trứ tác của Tiền Đại Hân 钱大昕gồm 23 quyển, tính luôn cả “Dư lục” 余录 , bút kí về học thuật liên quan đến nhiều lĩnh vực như: kinh học, tiểu học, sử học, quan chế, địa lí, tính thị, điển tịch, từ chương, thuật số, Nho thuật …. Khảo cứu nguồn gốc, đính chính những sai lầm, tìm tòi cặn kẽ, “có những bình luận tinh xác đúng đắn”, được người đời sau tán thưởng, được các học giả xem là mẫu mực.
          (Nguồn: Thập Giá Trai dưỡng tân lục十架斋养新录)

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 08/11/2014

Nguồn
THÂN DÂN
亲民
Trong quyển
THẬP GIÁ TRAI DƯỠNG TÂN LỤC
十架斋养新录
Tác giả: Tiền Đại Hân钱大昕
Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, 2000

0 nhận xét:

Đăng nhận xét