About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Hoàng đế Sùng Trinh rốt cuộc chết như thế nào?

HOÀNG ĐẾ SÙNG TRINH RỐT CUỘC CHẾT NHƯ THẾ NÀO?

          Tháng 8 năm Thiên Khải 天启 thứ 7 (năm 1627), bệnh tình Hi Tông 熹宗 nguy kịch, cho triệu Tín Vương 信王 vào cung nhận di mệnh. Chẳng bao lâu, Hi Tông quy thiên, Tín Vương Chu Do Kiểm 朱由检 chỉ mới 17 tuổi lên ngôi, đại xá thiên hạ, năm sau đổi niên hiệu là Sùng Trinh 崇祯 nguyên niên (năm 1628). Hoàng đế Sùng Trinh tuổi trẻ đối mặt với cục diện phong ba bão táp. Vị Hoàng đế cuối cùng của triều Minh này rất muốn dựa vào nhiệt huyết của chính mình mà ra sức chỉnh đốn, kiến lập lại thái bình trong thiên hạ. Sau khi lên ngôi, Sùng Trinh dẹp trừ Yêm đảng 阉党 của Nguỵ Trung Hiền 魏忠贤, một lòng muốn trung hưng, nhưng cuối cùng cuộc khởi nghĩa nông dân của Lí Tự Thành 李自成 xông vào kinh thành, triều Minh bị diệt vong, Sùng Trinh thắt cổ tự tận. Hoàng đế Sùng Trinh Chu Do Kiểm tính cách nhu nhược, không có chủ kiến, triều Minh lúc ông kế vị, chính trị đã hủ bại. Sùng Trinh muốn cứu vãn nhưng không có cách, các đại thần cũng minh triết bảo thân, rất ít người lo nghĩ cho xã tắc. Hoàng đế Sùng Trinh lại là người cực dễ nghi ngờ, các đại thần hết sức đề phòng không dám phát ngôn. Đến lúc quân khởi nghĩa tiến vào bức bách kinh thành cũng chẳng có một đại thần nào đứng ra lo cùng Sùng Trinh.
          Khi quân khởi nghĩa rầm rộ tiến vào kinh thành, Hoàng đế Sùng Trinh kinh sợ đến nỗi mất cả chủ kiến, chỉ hi vọng vào các đại thần, mong họ đưa ra diệu kế, thậm chí thay ông quyết đoán. Nhưng trong lúc nguy cấp, các đại thần không thể có kế sách gì.
          Tháng 3 năm Sùng Trinh thứ 17 (năm 1644), Sùng Trinh hàng ngày đều triệu kiến đại thần, có lúc đến 3 lần trong một ngày. Lúc đầu mọi người đều luôn vạch ra kế sách cho Sùng Trinh, đề xuất “nam thiên” 南迁 (dời xuống phía nam), “triệt quan” 撤关 (bỏ quan ải) … nhưng Sùng Trinh luôn không có chủ ý, các đại thần dần dần cũng hết cách. Trong lúc triệu kiến, các đại thần luôn lo sợ nói: “vi thần có tội, vi thần có tội”, sau đó không nói thêm gì nữa, khi bị hỏi gắt, chỉ nói “luyện binh”, “tăng lương” để đối phó. Mỗi lần triệu kiến, Hoàng đế Sùng Trinh luôn bất mãn, thường nữa chừng phất tay áo bỏ đi, sau khi về cung khóc và mắng rằng:
Triều trung vô nhân! Triều trung vô nhân!
          Buổi sáng, 3 ngày trước khi nhà Minh diệt vong, Hoàng đế Sùng Trinh đến Tả dịch môn phía đông, triệu kiến 32 người mới được khảo tuyển, hỏi họ kế sách khẩn cấp. Sùng Trinh muốn từ trong những bề tôi mới này tìm được kế sách hay, nhưng vừa nhìn các quyển dâng lên, thì thấy toàn là những lời sáo rỗng. Triệu kiến chưa được một nữa, bỗng một vị thái giám đưa đến một phong thư mật. Hoàng đế Sùng Trinh xé ra xem, sắc mặt đột nhiên biến đổi, hoá ra đó là báo cáo Xương Bình 昌平 (nay là khu Xương Bình, thành phố Bắc Kinh) bị thất thủ. Quân của Lí Tự Thành đã đánh đến Xương Bình. Nhưng Hoàng đế Sùng Trinh vẫn không có cách nào có được kế sách hay từ các đại thần.
          Sáng sớm ngày hôm sau, Hoàng đế Sùng Trinh một lần nữa triệu kiến văn võ đại thần, mọi người cả buổi vẫn lặng thinh không nói. Sùng Trinh rơi nước mắt khẩn thiết đại thần nghĩ ra kế sách, các đại thần cũng rơi nước mắt. Bỗng có một vị đại thần như vừa tỉnh mộng, hướng về phía trước như muốn tâu. Sùng Trinh trông thấy liền ngừng khóc chuẩn bị lắng nghe, vị đại thần đó nói rằng:
          Trong lúc nguy cấp này nên khảo xét tuyển chọn người.
          Sùng Trinh tưởng là kế sách hay, không ngờ cũng là những lời sáo rỗng. Vị đại thần đó mở đầu, các đại thần khác đều nói theo nên dùng người này, nên chọn người kia. Sùng Trinh không nén được giận, cúi đầu trên ngự án viết 7 chữ: “Văn võ quan cá cá khả sát” 文武官个个可杀 (các quan văn võ người nào cũng đều đáng bị giết). Sau đó đứng dậy ra ý bãi triều.
          Về cái chết của Sùng Trinh, xưa nay có nhiều thuyết. Kế Lục Kì 计六奇 trong Minh Hiếu Bắc Lược 明孝北略 quyển 2 nói rằng:
          Trống canh năm ngày Đinh Mùi, hoàng thượng ngự ở tiền điện, cùng với 2 người khác đánh chuông triệu tập bách quan, không ai đến. Bèn lui về tay dẫn Vương Thừa Ân 王承恩 vào nội uyển, mọi người không ai biết. Hoàng thượng lên đình Thọ Hoàng 寿皇 trên núi Vạn Tuế 万岁 tức Hồng các 红阁 ở Môi sơn 煤山. Đình mới hoàn thành, tiên đế cho xây để duyệt thao luyện ….. bèn tự tận dưới cây hải đường, thái giám Vương Thừa Ân cũng thắt cổ ở đối diện.
          Trong Minh sử 明史 quyển 309 ở Lưu tặc truyện 流贼传 nói rằng:
          Ngày 19 Đinh Mùi, trời chưa sáng, hoàng thành không phòng thủ, đánh chuông triệu tập bách quan, không ai đến. Bèn lên Môi sơn 煤山, viết di chiếu vào vạt áo, dùng lụa tự ải nơi sơn đình, Đế băng.
          Còn trong Minh chi thuật lược 明之述略 lại nói:
          Ngày Đinh Mùi, thành bị vây hãm, Đế băng ở Sơn Tây.
          Có thể thấy, Sùng Trinh rốt cuộc bị chết như thế nào, chết ở đâu đến nay vẫn là một bí ẩn. Một vị quân chủ ra sức trung hưng lại có một kết cục thê lương như thế, khiến mọi người phải suy nghĩ. Đại thần chỉ biết dạ dạ vâng vâng, áp a ấp úng, kế sách đưa ra kế nào cũng là tuần phòng đóng cửa không cho ra vào. Lúc bấy giờ người giữ thành đến báo, đội quân thủ thành không chống lại. Nhìn thấy thành bị vây hãm trước mắt, Hoàng đế Sùng Trinh khóc lớn, vừa khóc vừa nói:
          Các đại thần đã hại trẫm đến nước này.
          Tự mình không định được chủ ý, lại đi oán trách đại thần. Các đại thần nhìn thấy tình thế “bất khả vi” bèn cúi đầu khóc cùng Sùng Trinh, tiếng khóc vang cả đại điện, bi ai thê thiết. Đến trưa, Sùng Trinh lại triệu kiến đại thần, lúc bấy giờ các đại thần đã thấu rõ vị hoàng đế trẻ tuổi không có chủ kiến này, tất cả lặng im. Sùng Trinh hét lớn:
          Đã như vậy, chi bằng tất cả đến điện Phụng Tiên tự tận.
          Lời nói ấy đã trúng. Ngày 19, Hoàng đế Sùng Trinh không còn đường khác đã tự tận thân vong.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 08/12/2014

Nguyên tác Trung văn
SÙNG TRINH ĐẾ CỨU CÁNH NHƯ HÀ TỬ KHỨ
崇祯帝究竟如何死去
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét