About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Tiết Đông chí

TIẾT ĐÔNG CHÍ

          Đông chí 冬至 là một lễ tiết truyền thống trọng yếu trong đời sống của người dân Trung Quốc. Tiết Đông chí vào ngày 22 hoặc 23 tháng 12 dương lịch, đây là một lễ tiết cổ xưa đã có hơn 2000 năm lịch sử. Nhiều nơi ở Trung Quốc ngày nay vẫn còn bảo lưu tập tục ăn tiết Đông Chí.
          Theo lịch pháp truyền thống Trung Quốc, một năm chia làm 24 tiết khí. Người xưa cho rằng tiết Đông Chí được xem là khởi điểm của 24 tiết khí, đối với tiết này mức độ quan trọng không thua gì năm mới. Trong dân gian còn lưu truyền câu “Đông chí đại như niên” 冬至大如年.
          Đông chí còn được gọi là Đông tiết 冬节, Giao Đông 交冬, Hạ Đông 贺冬, Á tuế 亚岁, Nhất dương tiết 一阳节, Thanh hàn tiết 清寒节. Từ thời Chu đã có ghi, khi mùa Đông tới:
Thiên tử suất tam công cửu khanh nghinh tuế
天子率三公九卿迎岁
(Thiên tử dẫn tam công cửu khanh nghinh tuế)
          Nhân vì tháng Giêng theo lịch nhà Chu là tháng 11 theo lịch nhà Hạ, cho nên “Bái tuế” 拜岁 (đón năm mới) và “Hạ Đông” 贺冬(mừng mùa Đông) đời Chu không có sự khu biệt. Mãi đến niên hiệu Thái Sơ 太初 đời Hán Vũ Đế 汉武帝mới đổi lịch, sau khi dùng lịch nhà Hạ mới phân biệt Đông chí và Nguyên đán 元旦 (Xuân tiết 春节).
          Từ đời Hán trở về sau, Đông chí trở thành một lễ tiết trọng yếu trong dân gian. Triều Hán lấy Đông chí làm Đông tiết, phủ quan phải cử hành nghi thức chúc mừng gọi là “Hạ Đông” 贺冬, được nghỉ ngơi. Đặc biệt là vào thời Đường Tống, thường nhắc chung Đông chí với năm mới. Trước Đông chí 1 ngày gọi là Tiểu chí 小至 hoặc Tiểu Đông 小冬; Đông chí gọi là Trưởng Đông 长冬 hoặc Đại Đông 大冬; sau Đông chí 1 ngày gọi là Chí hậu 至后. Lễ tiết kéo dài trong 3 ngày, bách quan triều hạ, vua không thính chính, trong dân gian cũng nghỉ 3 ngày. Đông chí mang đậm không khí lễ tết. Thời Minh – Thanh, vào tiết Đông chí có cách nói “phì Đông sấu niên” 肥冬瘦年 (1).
          Tiết khí Đông chí đến mang ý nghĩa mùa Đông đã đến điểm cực hạn. Vào ngày Đông chí, mặt trời chiếu trên đường Namhồi quy, ban ngày ở bắc bán cầu là ngắn nhất, ban đêm là dài nhất. Sau ngày Đông chí, mặt trời bắt đầu di chuyển về phía bắc trên đường Bắc hồi quy, ban ngày ở bắc bán cầu dần dài ra, ban đêm dần ngắn lại. Trong Hán thư 汉书 có ghi:
Đông chí dương khí khởi, quân đạo trưởng, cố hạ.
冬至阳气起, 君道长, 故贺
(Đông chí khí dương trổi lên, quân đạo lớn, cho nên chúc mừng)
          Qua ngày Đông chí, ban ngày dần dài ra, dương khí thăng, là cát nhật, vì thế đáng được chúc mừng. Hàng năm đến ngày Đông chí, bà con bạn bè chúc mừng nhau, đồng thời tặng cho nhau thực phẩm, tục gọi là “Đông chí bàn” 冬至盘. Tiết Đông chí đến, những người đi xa  cũng đều về nhà để chung vui với gia đình.

Chú của người dịch
1- Phì Đông sấu niên 肥冬瘦年: thời Nam Tống, vùng đất Ngô có phong tục coi trọng Đông chí mà coi nhẹ năm mới. Ngày Đông chí, nhà nhà tặng nhau lễ vật, vì thế có câu này.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 21/12/2014
                                                   Tiểu Chí 30/10 năm Giáp Ngọ

Nguyên tác Trung văn
ĐÔNG CHÍ ĐẠI NHƯ NIÊN
冬至大如年
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009

0 nhận xét:

Đăng nhận xét