NGUỒN GỐC HỌ LÍ
1- Xuất phát từ họ Doanh 嬴, hậu duệ của Chuyên Húc đế Cao Dương thị 颛顼帝高阳氏. Thời vua Nghiêu 尧, tằng tôn của Cao Dương thị là Cao Dao 高陶 đảm nhiệm chức vụ Đại lí 大理 (vị quan nắm giữ việc hình ngục). Con của Cao Dao là Bá Ích 伯益 được ban họ Doanh 嬴, con cháu Bá Ích trải qua 3 đời vẫn giữ chức Đại lí. Đời sau theo tập tục đương thời lấy chức quan làm họ nên gọi là Lí thị 理氏. Từ họ 理 (lí) đổi sang họ 李(lí) có 2 thuyết:
- Thời vua Trụ 纣 nhà Thương, hậu duệ của Cao Dao là Lí Trưng 理徵 làm quan tại triều, do vì thẳng thắn dâng lời can gián nên bị vua Trụ bắt tội, cho xử tử. Khi người vợ là Khiết Hoà thị 契和氏 người nước Trần đã dẫn con là Lợi Trinh 利贞 chạy lánh nạn, nhân vì ăn trái lí 李 cho đỡ đói mới sống được, vì không dám xưng 理 nên mới đổi sang 李.
- Một thuyết khác, trước thời Chu chưa thấy có họ 李. Thời Chu có Lão Tử 老子họ Lí 李 tên Nhĩ 耳, là hậu duệ của Lợi Trinh, lại nhân vì tổ tiên đời đời làm Lí quan 理官; hai chữ 理 và 李 âm cổ tương thông nên đã lấy 李 làm họ. Như vậy, họ 李bắt đầu từ Lí Nhĩ.
2- Xuất phát từ một tộc khác được đổi họ. Thời Tam Quốc, sau khi Chư Cát Lượng 诸葛亮 (1) bình định Ai Lao, đã ban cho dân tộc thiểu số nơi đó các họ như: Triệu 赵, Trương 张, Dương 杨, Lí 李.
Tộc Tiên Ti 鲜卑 có họ phức Sất Lí 叱李, sau khi bị Hán hoá, đổi sang họ đơn là Lí 李, đây là họ Lí ở Lạc Dương 洛阳.
3- Xuất phát từ một họ khác đổi sang họ Lí 李. Theo nhưng tư liệu ghi chép có liên quan, công thần khai quốc triều Đường có các tướng mang họ Từ 徐, họ An 安, họ Đỗ 杜, họ Quách 郭, họ Ma 麻, họ Tiên Vu 鲜于, nhân vì lập công nên được ban quốc tính là Lí 李
Họ Lí 李 là một họ lớn của Trung Quốc, ước chiếm khoảng 7,97% nhân khẩu của dân tộc Hán trong cả nước. Ở các tỉnh phương bắc Trung Quốc, họ Lí 李 chiếm tỉ lệ tương đối cao.
Danh nhân các đời
Có lẽ do bởi là tộc lớn người đông, danh nhân họ Lí 李 trong lịch sử rất nhiều. Bắt đầu từ Lí Nhĩ 李耳, tức Lão Tử 老子 viết bộ Đạo đức kinh 道德经 đến danh tướng Lí Mục 李牧chống Hung Nô thời kì đầu, tị tổ thuỷ lợi công trình học là Lí Băng 李冰, tại Tứ Xuyên 四川 đã đào sông đắp đập dẫn nước tưới tiêu các quận, danh tướng đời Hán là Lí Quảng 李广, cho đến Thái tử tẩy mã triều Tấn là Lí Mật 李密 với bài Trần tình biểu 陈情表 đến nay vẫn còn hấp dẫn người đọc. Triều Đường là một triều đại uy danh vang xa nhất trong lịch sử Trung Quốc, danh nhân lại càng nhiều. Trong đó có có Đường Thái Tông Lí Thế Dân 李世民 được tứ di tôn xưng là Thiên Khả Hãn 天可汗, người tạo nên cảnh tượng thái bình “Trinh Quán chi trị” 贞观之治; có Lí Bạch 李白, thi nhân lãng mạn nổi tiếng được mọi người xưng là “Thi tiên” 诗仙, có Lí Thương Ẩn 李商隐, được mọi người gọi là một trong “tiểu Lí Đỗ” 小李杜. Về sau, có Nam Đường hậu chủ Lí Dục 李煜, danh gia trên từ đàn; có nữ từ nhân Lí Thanh Chiếu 李清照 với thành tựu cao nhất trong văn học cổ đại Trung Quốc. Đời Minh có Lí Thời Trân 李时珍 nhà dược học vĩ đại. Đời Thanh có Lí Ngư 李渔 tác gia hí khúc kiệt xuất.
Chú của người dịch:
1- Về tên nhân vật Chư Cát Lượng, với chữ 诸:
- Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu chỉ có âm “Chư ”. (trang 630)
- Trong Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan cũng chỉ có âm “Chư ”. Và ở nét nghĩa số 11 ghi rằng: Họ người (Chư Cát Lượng 诸葛亮, tức Khổng Minh đời Tam quốc). (trang 1339)
- Trong Khang Hi tự điển 康熙字典 có các âm đọc như sau:
* Đường vận 唐韻, Quảng vận 廣韻 phiên thiết là “chương ngư” 章魚. Tập vận集韻, Loại thiên 類篇, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều có phiên thiết là “ chuyên ư”專於, đọc như chữ 渚 nhưng bình thanh. Âm đọc này có nhiều nét nghĩa, trong đó có nét nghĩa là họ kép:
Hựu phức tính. “Hán thư” hữu Chư Cát Phong. “Tam quốc chí” hữu Chư Cát Lượng.
又複姓. “漢書” 有諸葛豐. “三國志” 有諸葛亮.
(Họ kép. Trong “Hán thư” có Chư Cát Phong. “Trong “Tam quốc chí” có Chư Cát Lượng)
* Quảng vận 廣韻 phiên thiết là “chính xa” 正奢 . Tập vận 集韻 phiên thiết là “chi xa” 之奢, đều có âm là 遮 (già), cũng là một họ.
(Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 1146, 1147).
Như vậy tên gọi đúng của nhân vật là Chư Cát Lượng, nhưng mọi người quen đọc là Gia Cát Lượng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 14/12/2014
Nguyên tác Trung văn
LÍ TÍNH UYÊN NGUYÊN
李姓渊源
Trong quyển
BÁCH GIA TÍNH
百家姓
Biên soạn: Triệu Dương 赵阳
Cát Lâm Đại học xuất bản xã, 2005
0 nhận xét:
Đăng nhận xét