About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Mộ xuân vãn thiếu (kì 1)



暮春晚眺
(其一)
數聲樵笛夕陽斜
地闊天高客思賒
家在白雲飛不到
長空極目送歸鴉
                        阮輝濡

MỘ XUÂN VÃN THIẾU
(kì nhất)
Sổ thanh tiều địch tịch dương tà
Địa khoát thiên cao khách tứ xa
Gia tại bạch vân (1) phi bất đáo
Trường không cực mục tống quy nha
                                                              NGUYỄN HUY NHU (2)

CHIỀU CUỐI XUÂN NGÓNG PHƯƠNG XA
(bài 1)
Vài tiếng sáo của tiều phu vẳng lại, ánh nắng chiều dần xuống
Đất rộng trời cao, lữ khách lại nhớ về chốn xa
Quê nhà ở dưới đám mây trắng kia nhưng bay không đến
Chỉ biết ngút mắt nhìn theo đàn chim quạ đang bay trở về trong khoảng không vô tận

Dịch thơ
Tiếng sáo vang trong ánh nắng tà
Trời cao đất rộng, nhớ nơi xa
Làng quê mây trắng bay không tới
Ngút mắt trông vời bóng quạ qua

Chú của người dịch
1- Bạch vân 白雲: lấy ý từ câu chuyện của Địch Nhân Kiệt thời Đường.
          Trong Tân Đường thư – Địch Nhân Kiệt truyện 新唐書 - 狄仁傑傳 có chép câu chuyện rằng:
          Địch Nhân Kiệt khi đi làm quan ở Tịnh Châu 并州, cha mẹ ở tại Hà Dương 河陽. Có một lần ông lên núi Thái Hàng 太行, lúc quay đầu lại nhìn, thấy đám mây trắng đang bay lẻ loi, ông liền nói với tả hữu rằng:
“Ngô thân xá kì hạ”
吾親舍其下
(Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng kia)
          Ông bồi hồi đứng hồi lâu, đợi đến khi mây bay đi nơi khác mới chịu đi.
Từ câu chuyện này có thành ngữ Bạch vân thân xá 白雲親舍 chỉ lòng nhớ cha mẹ.
2- Nguyễn Huy Nhu 阮輝濡 (1887 – 1962): còn gọi là Nghè Nhu, là một danh sĩ Nho học và nhà giáo dục Việt Namđầu thế kỉ 20. Ông là người làng Vạn Lộc, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, phủ Hưng Nguyên (nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò) tỉnh Nghệ An. Nguyên quán ông ở xã Bột Thái, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, tổ tiên dời vào Nghệ An.
          Ông đỗ Cử nhân khoa Kỉ Dậu 1909, sau đó được sung chức Giáo thụ phủ Quảng Ninh, Huấn đạo hạng nhất. Năm 1916, ông đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn, dưới triều vua Khải Định khi mới 30 tuổi.
          Bia Văn miếu Huế chép ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, đứng thứ 5 trong số 7 Tiến sĩ của khoa này. Về sau ông làm quan đến Hàn lâm viện tu soạn, Đốc học Quảng Ninh.
          Khi Viện đại học Huế thành lập năm 1957, ông được mời làm giáo sư môn Hán văn.
          Ông qua đời năm 1962.
          Ở trang đầu trong nguyên tác ghi là:
Lư Phong Nguyễn Huy Nhu Bính Thìn Tam giáp Tiến sĩ Lễ bộ tá lí.
山盧(*)峯阮輝濡丙辰三甲進士礼步佐理
    (Chữ “Lư” này gồm bộ bên trái và chữ bên phải)

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 08/12/2015

0 nhận xét:

Đăng nhận xét