NGOẠI NGU NỘI TRÍ
外愚内智
NGOÀI NGU TRONG TRÍ
Xuất xứ: Tấn . Trần Thọ 陈寿: Tam quốc chí . Nguỵ thư . Tuân Du truyện 三国志 . 魏书 . 荀攸传.
Tào Tháo 曹操sau khi nắm quyền, uỷ nhiệm Tuân Du 荀攸 làm quân sư. Từ đó, Tuân Du luôn bên cạnh Tào Tháo, đưa ra những kế sách mưu lược cho Tào Tháo.
Năm Kiến An 建安thứ 3 (năm 198), Tào Tháo đông chinh Lữ Bố 吕布, đánh đã lâu mà chưa thắng, quân đội vô cùng mệt mỏi, nên muốn lui binh. Tuân Du nói với Tào Tháo rằng:
Lữ Bố hữu dũng vô mưu, luôn bị thất bại, nhuệ khí đã hết, nay nhân quân Lữ Bố chưa lấy lại sức, ta phát động tấn công dũng mãnh, hoàn toàn có khả năng đánh bại triệt để Lữ Bố.
Tào Tháo nghe theo, tiếp tục tấn công, cuối cùng bắt sống và xử tử Lữ Bố.
Tào Tháo giải vây được Bạch Mã, giết đại tướng của Viên Thiệu 袁绍 là Nhan Lương 颜良 cũng là dùng mưu kế của Tuân Du. Tào Tháo đánh giá rất cao những kế sách của Tuân Du, từng dâng biểu lên Hán Hiến Đế Lưu Hiệp 刘协:
Quân sư Tuân Du, từ lúc sáng nghiệp đã theo phò tá, không có trận chinh chiến nào mà không theo bên cạnh, trước sau chiến thắng quân địch đều là do mưu kế của Tuân Du.
Tuân Du được phong làm Lăng Thọ Đình Hầu 陵树亭侯. Sau khi nước Nguỵ Kiến lập, Tuân Du lại đảm nhận chức Thượng thư lệnh.
Tuân Du cơ trí thông minh, giỏi mưu lược, nhưng ngoài mặt không hề kiêu căng khoa trương, mà là nghiêm thủ cơ mật, chưa từng để người ngoài biết được đại sự quân chính mà ông trù tính. Tào Tháo mỗi khi nhắc đến ông đều khen rằng:
Con người Tuân Du, biểu hiện bên ngoài ngu muội, nhưng bên trong rất thông minh; (ngoại ngu nội trí 外愚内智), bên ngoài có vẻ nhu nhược, nhưng bên trong lại dũng mãnh kiên cường. Ông ta chưa từng kiêu căng khoe điểm mạnh của mình, cũng không lên mặt về công lao của mình. Sự thông minh của ông không ai sánh kịp, đại trí nhưng có vẻ ngu muội của ông không ai bì kịp.
Sau khi Tuân Du mất, Tào Tháo đau buồn vì mất đi một mưu sĩ xuất sắc.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 31/12/2015
Nguyên tác Trung văn
NGOẠI NGU NỘI TRÍ
外愚内智
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét