About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Từ tông miếu đến tự miếu

TỪ TÔNG MIẾU ĐẾN TỰ MIẾU
BÀN VỀ CHỮ “MIẾU”

          “Miếu” vào thời cổ chỉ Tổ miếu 祖庙, tức nơi tế tổ tiên, thờ phụng thần chủ tổ tiên (1). Dạng phồn thể của chữ “miếu” là , do bộ “nghiễm” 广và chữ “triều” tổ thành, thuộc chữ hội ý. 广biểu thị phòng ốc, mang ý nghĩa triều đình. Ý nói tông miếu và triều đình cùng tôn quý. Thời cổ thiên tử có 7 miếu, chư hầu 5 miếu. Giả Nghị 贾谊 trong Quá Tần luận 过秦论 có viết:
Nhất phu tác nạn nhi thất miếu huỷ, thân thử nhân thủ vi thiên hạ tiếu.
一夫作难而七庙隳, 身死人手为天下笑
          (Một tên lính tốt bạo loạn mà bảy miếu bị phá huỷ, hoàng tử hoàng tôn đều chết trong tay người, bị thiên hạ chê cười)
          Thiên tử tại sao lại 7 miếu? Trong Lễ kí – Vương chế 礼记 - 王制 cho chúng ta biết:
Thiên tử thất miếu, tam Chiêu, tam Mục dữ Thái Tổ miếu nhi thất (2)
天子七庙, 三昭, 三穆与太祖庙而七.
(Thiên tử 7 miếu, 3 miếu Chiêu, 3 miếu Mục cùng với miếu Thái Tổ là 7)
          “Chiêu miếu” ở đây chỉ “tử miếu” 子庙 của đế vương (miếu hàng con của đế vương), “Mục miếu” chỉ “tôn miếu” 孙庙của đế vương (miếu hàng cháu của đế vương), thêm miếu Thái Tổ tổng cộng là 7 miếu. Chiêu miếu ở phía tây Thái Tổ miếu, Mục miếu ở phía đông Thái Tổ miếu (3). Điều này có quy định rõ.
          Còn có việc liên quan đến tông miếu đó là sau khi hoàng đế qua đời, phải lập một miếu hiệu, đến tông miếu lập thất để phụng thờ. Ví dụ gọi Lưu Bang 刘邦 là Hán Cao Tổ 汉高祖, “Cao Tổ” ở đây chính là miếu hiệu. Đường Tông, Tống Tổ  cũng là miếu hiệu. Lưu Tri Cơ 刘知幾 trong Sử thông – Xưng vị 史通 - 称谓 viết rằng:
Miếu hiệu thuỷ tự Tam đại
庙号始自三代
(Miếu hiệu bắt đầu từ thời Tam đại)
Lấy đời Thương mà nói, Thái Giáp 大甲 là Thái Tông 太宗, Thái Mậu 大戊 là Trung Tông 中宗, Vũ Đinh 武丁 là Cao Tông 高宗. “Thái Tông” “Trung Tông” “Cao Tông” ở đây đều là miếu hiệu. Miếu hiệu nếu không “Tổ” thì là “Tông”, xưng “Tổ” nói chung là người bắt đầu nhận mệnh khai quốc. Triều Minh có điểm khác, Chu Đệ 朱棣không phải là vị vua khai quốc, cũng xưng là “Minh Thành Tổ” 明成祖, cho nên người đời sau giải thích chữ “Tổ” này là “lập công xưng Tổ”.
Thuỵ hiệu khác với miếu hiệu. Thuỵ hiệu mang ý nghĩa bình phẩm khen chê. Thuỵ hiệu không hạn chế chỉ ở đế vương, mà một số quan viên cũng có thuỵ hiệu. Một số thuỵ hiệu của đế vương cũng chính là đế hiệu. Như thuỵ hiệu Chu Văn Vương 周文王, Chu Vũ Vương 周武王, Hán Vũ Đế 汉武帝, Nguỵ Vũ Đế 魏武帝, Tuỳ Văn Đế 隋文帝, đều có ý nghĩa căn cứ vào sự tích lúc sinh tiền của người mất mà đánh giá khen chê. Đó là chỗ khác nhau của thuỵ hiệu với miếu hiệu.
Miếu từ “tông miếu” dẫn đến nghĩa “nơi thờ phụng”, đương nhiên người được thờ phụng phải là người có tài đức. Ví dụ để kỉ niệm Khổng Tử 孔子 mọi người lập Khổng miếu, kỉ niệm Nhạc Phi 岳飞 lập Nhạc miếu, kỉ niệm Trương Tuần 张巡, Hứa Viễn 许远 tử thủ Tuy Dương 睢阳 trong loạn An Sử lập Song miếu. Còn có Khuất Tử miếu, Trương Lương miếu, Thái Bạch miếu v.v…
Thần miếu cổ đại vốn không xưng miếu, về sau Đạo giáo xưng miếu, Phật giáo xưng tự. Như trong Sở từ - Vân trung quân 楚辞 - 云中君, gọi nơi thờ phụng thần linh là “Thọ cung” 寿宫. Câu thơ rằng:
Kiển tương đán hề Thọ cung
Dữ nhật nguyệt hề tề quang
謇将憺兮寿宫
与日月兮齐光
Ở yên nơi Thọ cung
Tranh sáng cùng mặt trời mặt trăng
          “kiển” là phát ngữ từ; “đán” (âm đán) ý nghĩa là yên. Ý cả câu là “ở yên nơi Thọ cung”.
          Thời cổ nơi thờ Phật gọi là “tự”, như mọi người gọi Phật tự sớm nhất là Bạch Mã tự 白马寺. Nhưng “tự” nguyên là quan thự hoặc quan xá, như Đại lí tự 大理寺, Hồng lô tự 鸿胪寺 mượn dùng làm tăng tự 僧寺. Bạch Mã tự vốn là Hồng lô tự. Cổ tự cũng gọi là “già lam” 伽蓝, “Phạm cung” 梵宫, “Thứu phong” 鹫峰, “Tịnh sơn” 净山. Dương Huyễn 杨衒 có tác phẩm Lạc Dương già lam kí 洛阳伽蓝记 truyền đời. “Già lam” là gọi tắt của “tăng già lam ma” 僧伽蓝摩. “Phạm cung” có liên quan đến Phạm ngữ; “Thứu phong” tức tên một ngọn núi ở Ấn Độ, nơi Phật tăng cư trú. Phật giáo truyền vào Trung Quốc từ thời Đông Hán, phát triển vào thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, cực thịnh vào thời Tuỳ Đường. Trong Lạc Dương già lam kí 洛阳伽蓝记 có ghi đến 1300 Phật tự. Đỗ Mục 杜牧 trong bài Giang Namxuân 江南春 có viết:
Nam triều tứ bách bát thập tự
Đa thiểu lâu đài yên vũ trung
南朝四百八十寺
多少楼台烟雨中
Nam triều có đến bốn trăm tám chục tự
Nhiều lâu đài trong mưa trong khói
          Trong đó cũng dùng “tự” để gọi tăng tự.
          Vương Lực 王力 cho rằng miếu trong “Thần miếu” 神庙 là sau khi Đạo giáo sản sinh mới có (4). Về sau miếu trong Đạo giáo lại được gọi là “quán” , là “cung” . Như trong thơ của Lưu Vũ Tích 刘禹锡 có nói đến “Huyền Đô quán” 玄都观, và như “Phỉ Liêm Quế quán” 蜚廉桂观 ở Trường An, “Ích Diên Thọ quán” 益延寿观 ở Cam Tuyền 甘泉; cung như “Thái Thanh cung” 太清宫 ở Lao sơn 崂山.

Chú của nguyên tác
1- Thuyết văn giải tự chú 说文解字注, trang 446, mục “miếu” .
          Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã.
2- Từ nguyên 辞源 (nhất), trang 20, mục “thất miếu” 七庙.
          Thương vụ ấn thư quán, bản năm 1964.
3- Hán Dương nghi 汉阳仪 “Chiêu miếu tây, Mục miếu đông” 昭庙西, 穆庙东.
Xem Thông nhã 通雅 trang 879.
          Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã.
4- Nhậm Học Lương 任学良: Cổ Hán ngữ . Thường dụng từ đính chính 古汉语 . 常用词订正, trang 50.
          Triết Giang đại học xuất bản xã.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 20/12/2015
              
Nguyên tác Trung văn
TÙNG TÔNG MIẾU ĐÁO TỰ MIẾU
ĐÀM “MIẾU”
从宗庙到寺庙
  “
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phúc Đán Đại học xuất bản xã, 1998

0 nhận xét:

Đăng nhận xét