ĐÔNG GIA CHI NỮ
东家之女
CÔ GÁI NHÀ BÊN ĐÔNG
Giải thích: trong một bài phú, Tống Ngọc nước Sở từng xưng tụng người con gái đẹp bên phía đông, về sau dùng “ Đông gia chi nữ” để hình dung người con gái xinh đẹp.
Xuất xứ: Sở . Tống Ngọc 宋玉: Đăng Đồ Tử háo sắc phú 登徒子好色赋
Thời Chiến Quốc, văn học gia nổi tiếng nước Sở là Tống Ngọc 宋玉từng giữ chức Văn học thị tùng cho Sở Tương Vương 楚襄王. Tống Ngọc không những giỏi về từ phú, mà bản thân Tống Ngọc cũng rất phong lưu, phóng khoáng. Quan Đại phu Đăng Đồ Tử 登徒子 đối với Tống Ngọc vô cùng ghen ghét, thường nói lời gièm pha trước mặt Sở Tương Vương, nói rằng Tống Ngọc háo sắc. Vì thế, Sở Tương Vương đã cho gọi Tống Ngọc đến hỏi.
Tống Ngọc biện giải rằng:
Người háo sắc không phải là thần, mà là Đăng Đồ Tử.
Sở Tương Vương hỏi Tống Ngọc căn cứ vào đâu mà nói như thế, Tống Ngọc liền viết bài Đăng Đồ Tử háo sắc phú 登徒子好色赋 . Bài phú nói rằng:
“Mĩ nhân trong thiên hạ thì ở nước Sở là đẹp nhất, mĩ nhân của nước Sở thì ở làng của thần là đẹp nhất, mà mĩ nhân của làng thần, thì phải nói cô gái bên nhà hàng xóm phía đông là đẹp nhất. Cô gái này như tiên nữ giáng trần, khi cô ta cười, nụ cười có thể nói là khuynh thành, khiến cho biết bao công tử ở Dương thành 阳 城, ở Hạ Thái 下蔡 hồn xiêu phách lạc. Nhưng, “đông gia chi nữ” này, thường leo lên đầu tường lén nhìn thần, đến nay đã 3 năm rồi, nhưng thần vẫn không đáp ứng tình cảm của cô ta. Còn Đăng Đồ Tử, vợ của ông ta phải nói là cực xấu, đầu bù tóc rối, tai lệch miệng hô, bước đi khập khiểng. Thế mà Đăng Đồ Tử vô cùng yêu thích, cùng với bà ta sinh được 5 người con. Điều này nói rõ, người háo sắc là Đăng Đồ Tử chứ không phải thần.”
Sở Tương Vương xem qua bài phú, cảm thấy Tống Ngọc viết rất có lí, nên cũng không nói gì.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 14/12/2015
Nguyên tác Trung văn
ĐÔNG GIA CHI NỮ
东家之女
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét