LUẬN VỀ TIẾN THỦ, MẠO HIỂM
(kì 1)
Tính chất của tiến thủ, mạo hiểm là gì? Là vật gì chăng? Tôi không biết lấy gì để gọi tên? Gọi nó là “hạo nhiên chi khí (1).” 浩然之氣. Mạnh Tử giải thích khí hạo nhiên rằng:
Kì vi khí dã, phối nghĩa dữ đạo; vô thị, nỗi dã (2).
其為氣也, 配義與道; 無是餒也.
(Khí hạo nhiên do chính nghĩa và đạo lí phối hợp mà thành; nếu không có, thì khí đó sẽ khuyết thiếu)
Lại nói rằng:
Thị tập nghĩa sở sinh giả, phi nghĩa tập nhi thủ chi dã; hành hữu bất khiểm ư tâm, tắc nỗi hĩ (3).
是集義所生者, 非義襲而取之也; 行有不慊於心, 則餒矣.
((Khí hạo nhiên) Do chính nghĩa chất chứa trong lòng mà sinh ra, không phải chỉ khoác cái áo ngoài chính nghĩa mà có thể có được; cho nên việc làm mà không hợp với lương tâm, thì cũng khuyết thiếu.)
Cho nên tính chất này, người có thì mới sinh, không có thì tử; nước có thì mới tồn, không có thì vong. Vì thế, nuôi dưỡng nó, phát hiện nó, gốc của nó rất sâu, người mà tính khí bạc nhược không thể mượn nó được. Thử tìm nguyên nhân, thấy có 4 đầu mối.
Một là sinh ra từ hi vọng.
Á Lịch Sơn Đại 亞歷山大 (4) thân chinh Ba Tư 波斯, lúc sắp lên đường, đem con cái, vàng ngọc lụa là phân chia hết cho các bề tôi, không để lại bên mình thứ gì. Bề tôi hỏi rằng:
Thế thì Đại vương có gì?
Vương đáp:
Ta chỉ có một thứ, đó là “hi vọng”.
Quả thật lợi hại (5). Hi vọng đối với con người, có sức mạnh vĩ đại như thế đó! Phàm con người sinh ra không ai là không có hai thế giới: tại không gian, gọi là “thực tích giới” 實跡界 (6), “lí tưởng giới” 理想界; tại thời gian gọi là “hiện tại giới” 現在界, “vị lai giới” 未來界. “Thực tích” và “hiện tại” thuộc về hành vi; “lí tưởng” và “vị lai” thuộc về hi vọng. Kinh nghiệm hiện thực mà có được khi ta làm ở hiện tại (thực tích), là lí tưởng ôm ấp trong lòng trước đó biểu hiện ra. Còn lí tưởng hiện tại mà ta ôm ấp trong lòng, lại là “khoán phù” 券符 (7) của những kinh nghiệm hiện thực mà ta sẽ làm ở tương lai. Thế thì, thực tích là con cháu của lí tưởng; vị lai là cha mẹ của hiện tại. Cho nên nhân loại sở dĩ hơn loài cầm thú, văn minh sở dĩ hơn dã man, đó là do có hi vọng, có lí tưởng. Hi vọng càng lớn, thì tâm tiến thủ, mạo hiểm càng mạnh. Việt Vương Câu Tiễn 勾踐 khi ở Cối Kê 會稽, lấy củi làm chiếu, lấy mật đắng làm lương thực, trong lòng chưa từng một ngày quên việc muốn biến kinh đô nước Ngô thành cái ao (8). Ma Tây 摩西 (9), dẫn đoàn dân Do Thái 猶太ngoan cường, vượt qua sa mạc Á Lạt Bá 亞剌伯 hơn 40 năm, và một ngày nọ đã có được miền đất Già Nam 迦南 (10) an vui với “bồ đào tư thục” 葡萄滋熟 (11) và với “mật nhũ phân úc” 蜜乳芬郁 (12).Vương Dương Minh 王陽明 (13) có thơ rằng:
Nhân nhân hữu lộ thấu Trường An
Thản thản bình bình nhất trị khan (14)
人人有路透長安
坦坦平平一直看
(Ai ai cũng có đường đi đến Trường An
Chỉ cần với tấm lòng thản nhiên thẳng tiến)
Há duy chỉ Ngô Hội, há duy chỉ Già Nam ? Phàm bậc trượng phu sở dĩ lập thân trên đời, không ai không có thế giới thứ hai lấy đó làm cố hương để quay về, mỗi người đều ôm ấp hi vọng để đi trên đường dài vô hạn, thế vận này sở dĩ ngày càng tiến bộ ấy là do hi vọng, cho nên ở “hiện tại giới”, ở “thực tích giới”, không tiếc việc nặn óc, đổ mồ hôi, tay chân chai ráp (15), thậm chí đổ máu, giơ xương, há uổng phí sao? Triết tây có nói:
Thượng Đế ngữ chúng sinh viết: ‘Nhữ sở dục chi vật, ngô tất tí nhữ, đản nhữ đương nạp kì đại giá.
上帝語眾生曰: ‘汝所欲之物, 吾悉畀汝, 但汝當納其代價.’
(Thượng Đế nói với chúng sinh rằng: ‘Thứ mà các con muốn, ta sẽ ban cho hết, nhưng các con phải trả giá.’)
Tiến thủ, mạo hiểm là cái giá phải trả của hi vọng. Loài cầm thú, đói thì kiếm ăn, no thì vui đùa, biết có ngày nay mà không biết có ngày mai. Con người sở dĩ là con người, văn minh sở dĩ là văn minh, cũng là do biết có ngày mai mà thôi. Duy chỉ có ngày mai buộc ta vào vô cực, ba ngày, năm ngày, bảy ngày, một tuần, một tháng, một năm, mười năm, trăm năm, ngàn năm, ức triệu kinh cai 京垓 vô lượng số năm bất khả tư nghị, đều là sự tích chứa của ngày mai. Bảo thủ ngày nay nên ý muốn tiến thủ tiêu tan, bằng lòng sống yên ngày nay nên chí khí mạo hiểm biến mất. Như vậy, là đã vứt bỏ công cụ để trở thành con người, tự xếp cùng bầy động vật. Ta đều biết rõ tiến thủ, mạo hiểm không thể ngừng lại như thế đó. (còn tiếp)
Chú của nguyên tác
1- Hạo nhiên chi khí 浩然之氣: tinh thần vĩ đại nhất, kiên cường nhất. Trong Mạnh Tử - Công Tôn Sửu thượng 孟子 - 公孫丑上 có câu:
Ngô thiện dưỡng hạo nhiên chi khí, kì vi khí dã, chí đại chí cương.
吾善養浩然之氣, 其為氣也, 至大至剛.
(Ta khéo nuôi dưỡng khí hạo nhiên, khí đó, vô cùng lớn vô cùng cứng)
2- Khí hạo nhiên chí đại chí cương đó là do chính nghĩa và chân lí phối hợp mà thành, giả sử không có chính nghĩa và chân lí thì khí đó sẽ khuyết thiếu.
Nỗi 餒 là đói, “khí nỗi” 氣餒là khí không đầy đủ.
3- Khí hạo nhiên là do chính nghĩa chất chứa trong lòng mà sinh ra, không phải khoác chiếc áo ngoài chính nghĩa mà có thể có được. Cho nên hành vi mà không hợp với lương tâm, thì chí khí sẽ tiêu tan. “Khiểm” 慊 là đầy đủ. “Tập” 襲là lấy một cách không quang minh. Người có lòng chính nghĩa mới có tinh thần tiến thủ mạo hiểm.
4- Á Lịch Sơn Đại 亞歷山大(Alexander – ND): 356 – 323 trước công nguyên, quốc vương của Mã Kì Đốn 馬其頓 (Macedonia – ND) ở châu Âu cổ đại, hùng tài đại lược, bình định các bang của Hi Lạp, lại đánh thắng quân đội Ba Tư, lược định Ai Cập. Năm 331 trước công nguyên, từ Ai Cập trở về, đông chinh Ba Tư, với 47 ngàn người đã phá tan trăm vạn đại quân Ba Tư tại Á Bội Lạp 亞倍拉. Năm sau cuối cùng diệt được Ba Tư.
5- Quả thật lợi hại: nguyên tác là “thậm tai” 甚哉, phần chú thích viết là “chân lợi hại!” 真利害.
6- Thực tích giới 實跡界: hoàn cảnh của kinh nghiệm hiện thực.
7- Khoán phù 券符: “khoán” là khế ước, “phù” là phù tiết. Chỉ lí tưởng mà hiện thực ôm ấp cũng với hành vi thực tế ở tương lai có thể hợp nhau.
8- Việt 越: tên nước thời Xuân Thu, kiến đô tại Cối Kê 會稽 (nay là Thiệu Hưng 紹興, Triết Giang 浙江). Câu Tiễn 勾踐 từng bị Ngô vương Phù Sai 夫差đánh bại, chỉ giữ Cối Kê, sau đầu hàng, làm thần bộc cho nước Ngô, nằm gai nếm mật, lập chí báo thù. “Nhục” 蓐 là chiếu nằm. “Chiểu” 沼là ao. “Chiểu Ngô” 沼吳 ý nói biến kinh đô nước Ngô thành cái ao.
Trong Tả truyện – Ai Công nguyên niên 左傳 - 哀公元年, Ngũ Tử Tư 伍子胥 nói rằng:
Việt thập niên sinh tụ, thập niên giáo huấn, nhị thập niên chi ngoại, Ngô kì vi chiểu hồ?
越十年生聚, 十年教訓, 二十年之外, 吳其為沼乎?
(Nước Việt 10 năm tích góp, 10 năm huấn luyện, sau 20 năm e rằng kinh đô nước Ngô sẽ thành cái ao mất)
Câu Tiễn cuối cùng đạt được mục đích diệt Ngô báo thù.
9- Ma Tây 摩西 (Moses - ND): tù trưởng Hi Bá Lai 希伯來 (Hebrew - ND), sống vào khoảng thế kỉ thứ 15 trước công nguyên. Người Hi Bá Lai (Do Thái 猶太) vào lúc đói kém đã dời đến Ai Cập, bị người Ai Cập áp bức. Ma Tây muốn thoát li Ai Cập, đến Ba Lặc Tư Thản 巴勒斯坦 (Palestine – ND) nơi có sản vật phong phú, trải qua 40 năm sống trên sa mạc A Lạt Bá 阿剌伯 (Arabian desert – ND), cuối cùng đã dẫn đoàn người Hi Bá Lai đến được Ba Lặc Tư Thản. (xem Kinh Thánh cựu ước, Xuất Ai Cập kí 出埃及記).
10- Tư thục 滋熟: sinh trưởng thành thục.
11- Phân úc 芬郁: mùi thơm ngào ngạt.
12- Già Nam 迦南: vốn là một địa danh vùng duyên hải của Ba Lặc Tư Thản, người đời sau dùng để gọi toàn bộ vùng đất Ba Lặc Tư Thản.
13- Vương Dương Minh 王陽明: tức Vương Thủ Nhân 王守仁, tự Bá An 伯安, người Dư Diêu 餘姚thời Minh, đậu Tiến sĩ thời Hoằng Trị 弘治, làm quan Tuần phủ Nam Cám 南贛 Tả đô ngự sử, phong Tân Kiến Hầu 新建侯. Ông là triết học gia nổi tiếng, chủ trương học thuyết “tri hành hợp nhất, trí lương tri” 知行合一, 致良知, người đời xưng là “Diêu Giang học phái” 姚江學派. Nhân vì ông từng cất nhà dạy học bên cạnh động Dương Minh 陽明 núi Cối Kê 會稽 ở Triết Giang 浙江nên học giả gọi ông là “Dương Minh tiên sinh”.
14- Hai câu này ý nói ai ai cũng đều có con đường đi thông đến lí tưởng của mình, chỉ cần với tấm lòng thản nhiên thẳng tiến.
“Thấu” 透 tức thông. “Trường An” 長安là từ thông xưng kinh đô, ở đây giải thích là “lí tưởng”.
15- Tay chân chai ráp: nguyên tác là “biền chi kì thủ túc” 胼胝其手足. Trong Tuân Tử - Tử đạo 荀子 - 子道 có câu:
Thủ túc biền chi
手足胼胝
Chú rằng: “biền” ý nói tay chân lao động; “chi” là da tay da chân dày lên.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 06/5/2016
Nguyên tác Trung văn
LUẬN TIẾN THỦ MẠO HIỂM
論進取冒險
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành
0 nhận xét:
Đăng nhận xét