(耒阳 1 道中为张处父推官 2 赋)
山前灯火欲黄昏, 山头来去云. 鹧鸪声里数家村, 潇湘 3 逢故人.
挥羽扇, 整纶巾 4 , 少年鞍马尘 5 .如今憔悴赋 “招魂” 6, 儒冠多误身 7 !
(辛弃疾)
NGUYỄN LANG QUY
(Lỗi Dương 1 đạo trung vi Trương Xử (Xứ) Phủ thôi quan 2 phú)
Sơn tiền đăng hoả dục hoàng hôn, sơn đầu lai khứ vân. Giá cô thanh lí sổ gia thôn, Tiêu Tương 3 phùng cố nhân.
Huy vũ phiến, chỉnh luân cân 4, thiếu niên an mã trần 5. Như kim tiều tuỵ phú “Chiêu hồn” 6, nho quan đa ngộ thân 7!
(Tân Khí Tật)
Chú thích
1- LỖI DƯƠNG 耒阳: nay là huyện Lỗi Dương tỉnh Hà Nam , thời Tống thuộc Hành Châu 衡州, lệ thuộc Kinh Hồ 荆湖 nam lộ.
2- THÔI QUAN 推官: quan viên trợ lí của thuộc hạ các châu quận, đa phần chủ quản về quân sự.
3- TIÊU TƯƠNG 潇湘: Tiêu thuỷ và Tương thuỷ, sau khi hợp lưu tại Linh Lăng 零陵 Hồ Nam 湖南 cũng gọi là Tiêu Tương. Liễu Hồn 柳浑 nhà Lương thời Nam triều trong bài Giang Nam khúc 江南曲 có câu:
Động Đình hữu quy khách
Tiêu Tương phùng cố nhân
洞庭有归客
潇湘逢故人
Nơi Động Đình có khách trở về
Chốn Tiêu Tương gặp lại cố nhân
4- VŨ PHIẾN LUÂN CÂN 羽扇纶巾: tay cầm quạt lông vũ, đầu đội mũ được làm bằng tơ xanh, nho tướng thời Nguỵ Tấn đa phần đều như thế. Tô Thức 苏轼 trong bài từ theo điệu Niệm nô kiều 念奴娇 có viết:
Vũ phiến luân cân, đàm tiếu gian, tường lỗ hôi phi yên diệt
羽扇纶巾, 谈笑间, 樯橹灰飞烟灭
(Tay cầm quạt lông, đầu đội mũ xanh, trong tiếng nói cười mà thuyền giặc tro bay khói tan)
5- THIẾU NIÊN AN MÃ 少年鞍马: chỉ cuộc sống quân lữ của Trương Xử (Xứ) Phủ lúc thiếu niên.
6- “CHIÊU HỒN” “招魂”: một thiên trong “Sở từ” 楚辞, có thể là tác phẩm của Tống Ngọc 宋玉 điếu Khuất Nguyên 屈原, có thể là tác phẩm của Khuất Nguyên điếu Sở Vương.
7- NHO QUAN ĐA NGỘ THÂN 儒冠多误身: ví thư sinh cổ hủ, không hiểu việc đời, suốt đời không có thành tựu gì. Trong bài Tặng Vi tả thừa trượng 赠韦左丞丈 của Đỗ Phủ 杜甫 có câu:
Hoàn khố bất ngạ tử
Nho quan đa ngộ thân
纨绔不饿死
儒冠多误身
Quần lụa không bao giờ chết đói
Mũ nhà nho đa phần lầm lỡ tấm thân.
Nho quan 儒冠: mũ của thư sinh, ở đây chỉ thư sinh.
Dịch nghĩa
NGUYỄN LANG QUY
(Trên đường Lỗi Dương viết tặng Trương Xử (Xứ) Phủ)
Trời chiều tối, xóm thôn phía trước đã lên đèn,
Mây đi về nơi đầu núi.
Mấy nóc nhà chìm trong tiếng kêu của chim giá cô,
Chốn Tiêu Tương bỗng gặp lại cố nhân.
Đầu đội mũ xanh.
Thời tuổi trẻ nơi sa trường bụi tràn cả mặt.
Mà nay tiều tuỵ đọc phú “Chiêu hồn”,
Mũ nhà nho lầm lỡ tấm thân.
Phân tích:
Bài từ này được làm vào khoảng năm Thuần Hi 淳熙 thứ 6, thứ 7, lúc bấy giờ Tân Khí Tật đang nhậm chức An phủ sứ ở Hồ Nam . Một lần nọ trên đường Lỗi Dương gặp bạn cũ Trương Xử (Xứ) Phủ, nâng chén rượu nhắc lại chuyện xưa, vô cùng cảm khái, Giá Hiên 稼轩 nhân đó sáng tác ra bài từ này.
Đoạn đầu chỉ vài nét đã vẽ ra bức tranh trên con đường hành dịch nơi xa, lúc hoàng hôn, xóm thôn trước núi đã lên đèn, mây từ từ chuyển di nơi đầu núi. Chim giá cô cất tiếng, xúc động lòng sầu. Nỗi sầu vô biên ấy dệt thành tấm lưới bao trùm lên cả thế gian. Người với chim, mây với núi, thôn xóm với ánh đèn, tất cả đều chìm đắm vào trong đó. Trong lúc cô tịch, từ nhân bỗng gặp lại bạn cũ Trương Xử (Xứ) Phủ, mừng vui vô hạn, nhưng chỉ dùng một chữ “phùng” để biểu đạt, bình dị chân tình.
Đoạn sau từ cảnh thực chuyển sang hồi ức, cuộc sống trên yên ngựa ngày trước lại hiện ra trước mắt. Trên con đường đấu tranh chống quân Kim, ngồi trên yên ngựa, thiếu niên ý khí, đầy những gian lao khó nhọc nhưng cũng đầy những mộng tưởng và vinh quang. Con đường ngày trước bụi tràn cả mặt nhưng cũng tràn niềm tin và tự hào. Con đường hôm nay chỉ toàn thất ý, so ra không ngăn nỗi ưu sầu. Vì thế, từng là thiếu niên nho tướng chỉ có thể ngâm tụng “Chiêu hồn” của Khuất Nguyên. Khổ thì khổ nhưng chí vẫn còn, tuy có chết chín lần cũng không hối hận.
Câu cuối “Nho quan đa ngộ thân”, không chỉ biểu đạt sự bất công đối với bản thân bị để đó không dùng cùng khát vọng được ra lại sa trường của từ nhân, mà còn gởi sự giận dữ bất bình vào trong đó đối với triều đình Nam Tống bó gối cầu an.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
TÂN KHÍ TẬT 辛弃疾 (1140 – 1207): tự Ấu An 幼安 hiệu Giá Hiên 稼轩, người Lịch Thành 历城 (nay là Tế Nam 济南 Sơn Đông 山东). Năm 21 tuổi đã thống lĩnh nghĩa quân chống lại quân Kim, năm sau dẫn đội quân về với nhà Nam Tống. Sau khi nhà Tống dời xuống phía nam, ông giữ qua các chức như Kiến Khang thông phán, Giang Tây đề điểm hình ngục cùng An phủ sứ các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây, Phúc Kiến… Trong thời gian này, ông nhiều lần dâng thư lên triều đình đề xuất kế hoạch chống quân Kim và kế hoạch khôi phục vùng đất bị mất, không những kế hoạch không được thu nạp mà còn bị nhóm đương quyền bài xích và đả kích. Từ năm 42 tuổi trở đi, ông về ẩn cư vùng nông thôn ở Giang Tây trong một thời gian dài có đến 20 năm. Lúc về già, phái chủ chiến thắng thế, ông lại được trọng dụng, nhậm chức Triết Đông An phủ sứ và Trấn Giang tri phủ, nhưng chẳng bao lâu lại bị đàn hặc mất chức, ông ưu phiền thành bệnh và qua đời. Tân Khí Tật là từ nhân yêu nước vĩ đại thời Nam Tống, trong lịch sử của từ ông nổi tiếng cùng Tô Thức, được xem là một trong những đại biểu của phái Hào phóng.
(Nguồn Tống từ tam bách thủ 宋词三百首, Thượng Cương Thôn Dân 上彊村民 biên soạn, Lưu Văn Lan 刘文兰 chú dịch. Sùng văn thư cục, 2003, trang 5)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 31/7/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
NGUYỄN LANG QUY
阮郎归
Trong quyển
TÂN KHÍ TẬT TỪ THƯỞNG ĐỘC
辛弃疾辞赏读
Vương Minh Huy 王明辉, Vương Minh Lệ 王铭丽
Chủ biên: Lí Vĩnh Điền 李永田, Đổng Hi Bình 董希平
Tuyến trang thư cục, 2007
0 nhận xét:
Đăng nhận xét