About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Nhất tự chi sư

NHẤT TỰ CHI SƯ
一字之师
THẦY MỘT CHỮ

Giải thích: Với một bài thơ bài văn nào đó, sau khi sửa một chữ trở nên tinh giản hoàn mĩ hơn. Người sửa chữ đó được gọi là “Nhất tự sư”.
Xuất xứ: Tống – Đào Nhạc 陶岳 Ngũ đại sử bổ 五代史补.

          Vào cuối thời Đường có một vị hoà thượng tên là Tề Kỉ 齐己 rất thích làm thơ. Để nâng cao trình độ, Tề Kỉ tìm hiểu và biết được có một thi nhân nổi tiếng tên là Trịnh Cốc 郑谷, liền mang thơ của mình đến xin chỉ giáo.
          Trong số thơ mà Tề Kỉ mang đến, có bài Tảo mai 早梅. Tề Kỉ cho rằng bài thơ đó hay nên đem ra xin Trịnh Cốc chỉ điểm trước. Trong bài thơ có 2 câu:
Tiền thôn thâm tuyết lí
Tạc dạ sổ chi khai
前村深雪里
昨夜数枝开
Thôn phía trước chìm sâu trong tuyết
Đêm qua có mấy cành mai đã nở.
          Sau khi xem qua, Trịnh Cốc bảo rằng:
  Đề bài là “Tảo mai” (mai sớm), nổi bật ở chữ “tảo” . Trong thơ của ông có mấy cành nở trong đêm tuyết, thì không thể là “sớm” được. Chi bằng đổi câu sau là:
“Tạc dạ nhất chi khai”
昨夜一枝开
Đêm qua một cành mai đã nở
bài thơ sẽ hay hơn.
          Việc sửa một chữ này, không chỉ sát với đề bài hơn mà ý vị lại vô cùng . Tề Kỉ nghe qua, vô cùng kính phục, quỳ xuống vái lạy bày tỏ lòng cảm tạ.
          Từ đó, những người đọc sách trong thiên hạ đều gọi Trịnh Cốc là “nhất tự chi sư” (1) của Tề Kỉ.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- “Nhất tự” ở đây có thể hiểu là “chữ Nhất”, mà cũng có thể hiểu là “một chữ”. “Nhất tự chi sư” có thể dịch là “Thầy chữ Nhất” mà cũng có thể dịch là “Thầy một chữ". Theo tôi, dịch là “Thầy một chữ” phù hợp với cách giải thích ở trên nên tôi chọn “Thầy một chữ”.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 28/7/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
NHẤT TỰ CHI SƯ
一字之师
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét