About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Thư viện thời Tống Nguyên

THƯ VIỆN THỜI TỐNG NGUYÊN

          Danh xưng “thư viện” 书院 bắt đầu xuất hiện từ thời Đường. Thư viện thời Đường chủ yếu chỉ cơ quan do chính phủ trung ương thiết lập dùng để tàng trữ, hiệu khám và chỉnh lí thư tịch, hoặc cũng để chỉ nơi dành cho việc dạy học trong dân gian. Đến thời Tống, thư viện trở thành một tổ chức giáo dục quan trọng. Đầu thời Tống, xuất hiện một số thư viện nổi tiếng như Bạch Lộc Động thư viện 白鹿洞书院, Nhạc Lộc thư viện 岳麓书院, Ứng Thiên Phủ thư viện 应天府书院, Tung Dương thư viện 嵩阳书院, Thạch Cổ thư viện 石鼓书院, Mao Sơn thư viện 茅山书院 (1). Thư viện thời Tống có 3 đặc điểm:
          - Thứ 1: thư viện là một loại chế độ giáo dục đã được xác lập. Như Bạch Lộc Động thư viện có chế độ hệ thống rõ ràng gồm tôn chỉ giáo dục, nguyên tắc dạy học.
          - Thứ 2: thư viện đã thúc đẩy sự phát triển lí học và sự phồn vinh về văn hoá học thuật thời Nam Tống. Như Chu Hi 朱熹, Lục Cửu Uyên 陆九渊, Trương Thức 张栻, Lữ Tổ Khiêm 吕祖谦 … thường đến các thư viện để dạy học, vì thế thư viện lại trở thành nơi quan trọng tiến hành giao lưu học thuật, thảo luận bàn bạc giữa các học phái với nhau.
          - Thứ 3: khuynh hướng quan học hoá thư viện đã xuất hiện.
          Thời Nguyên sự khống chế đối với thư viện chủ yếu biểu hiện ở chỗ chính phủ bổ nhiệm thấy giáo, quyết định việc chiêu sinh, khảo thí cùng với hướng đi của học sinh và cả việc thiết lập học điền thư viện. Mặc dù như thế, đối với việc phổ cập giáo dục văn hoá, bồi dưỡng nhân tài cùng với việc truyền bá học thuật, thư việc thời Nguyên vẫn phát huy được tác dụng tích cực nhất định.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- BẠCH LỘC ĐỘNG THƯ VIỆN 白鹿洞书院: tại Lư Sơn 庐山 Cửu Giang 九江 Giang Tây 江西. Còn được gọi là Bạch Lộc Động thư đường 白鹿洞书堂, Bạch Lộc thư đường 白鹿书堂, Chu Hối Ông thư viện 朱晦翁书院.
          Khoảng niên hiệu Trinh Nguyên 贞元 thời Đường, hai anh em Lí Bột 李渤 và Lí Thiệp 李涉 ẩn cư đọc sách dạy học ở thung lũng phía đông nam Ngũ Lão phong 五老峰. Lí Bột nuôi một con hưu trắng rất thuần. Người trong thôn cho là hưou thần, nhân đó gọi Lí Bột là Bạch Lộc tiên sinh 白鹿先生. Bạch Lộc Động do đó mà có tên. Đầu niên hiệu Trường Khánh, Lí Bột làm Thứ sử Giang Châu, tại nơi ở cũ cho dẫn nước, trồng cây, xây cất đài tạ, Bạch Lộc Động trở thành danh thắng. Năm Thăng Nguyên 升元 thứ 4 nhà Nam Đường (năm 940), tại đó xây Lư Sơn quốc học 庐山国学, cũng gọi là Lư Sơn quốc tử giám 庐山国子监, Bạch Lộc quốc tường 白鹿国庠, đặt quan sư, lập ruộng, học trò thường hơn mấy trăm người. Nhà Tống chiếm Giang Châu, lại dân nơi nhà cũ Quốc học xây dựng lại đổi gọi là thư viện (học đường).

NHẠC LỘC THƯ VIỆN 岳麓书院: tại Trường Sa 长沙 Hồ Nam 湖南.
           Cuối đời nhà Đường thời Ngũ đại, tăng nhân Trí Tuyền 智璿 xây căn nhà dưới núi Nhạc Lộc để cất giữ kinh sách, lấy thân phận “cư sĩ” bắt đầu dạy học. Năm Khai Bảo 开宝 thứ 9 nhà Tống (năm 976), Thái thú Đàm Châu 潭州Chu Động 朱洞 theo đó mà lập thành thư viện.

ỨNG THIÊN PHỦ THƯ VIỆN 应天府书院: tại Thương Khâu 商丘Nam 河南, còn gọi là Tuy Dương thư viện 睢阳书院, một trong 4 đại thư viện đầu thời Tống. Đầu thời Tống đa số thư viện được lập nơi rừng  núi có phong cảnh đẹp, riêng thư viện Ứng Thiên lại lập nơi phồn hoa náo nhiệt. Lịch sử của thư viện có thể truy ngược lên đến đời Hậu Tấn thời Ngũ đại. Lúc bấy giờ Dương Xác 杨悫 người Ngu Thành 虞城 “yêu thích giáo dục” đã lập trường dạy học gọi là Nam Đô học xá 南都学舍. Có người ở Sở Khâu 楚丘 (nay thuộc huyện Tào tỉnh Sơn Đông 山东) là Thích Đồng Văn 戚同文 bái Dương Xác làm thầy đến đó học. Sau khi Dương Xác mất, Thích Đồng Văn kế nghiệp, được sự ủng hộ của tướng quân Triệu Trực 赵直, Đồng Văn đã xây dựng lại, tụ họp học trò gọi là Tuy Dương học xá 睢阳学舍. Năm 976 Thích Đồng Văn qua đời, học xá bị gián đoạn. Năm Cảnh Đức 景德 thứ 3 (năm 1006), Thương Khâu từ Tống Châu đổi thành phủ Ứng Thiên 应天. Tống Chân Tông lên ngôi, một người dân trong ấp là Tào Thành 曹诚 bỏ tiền ra xây lại học xá hơn 150 gian. Năm Đại Trung Tường Phù 大中祥符 thứ 2 (1009), Tào Thành đem học xá nhập quan, đồng thời mời người cháu của Thích Đồng Văn là Thích Thuấn Tân 戚舜宾 làm chủ viện. Chân Tông ban cho tấm biển “Ứng Thiên phủ thư viện”, sai Tào Thành làm trợ giáo, Thái thường bác sĩ Vương Độc 王渎 coi giữ việc dạy. Từ đó thư viện có được địa vị quan học.

TUNG DƯƠNG THƯ VIỆN 嵩阳书院: tại Đăng Phong 登风Nam 河南.
             Nhà Hậu Chu thời Ngũ đại, thư viện được xây ở sườn phía nam Tung sơn ban đầu có tên là Thái Ất thư viện 太乙书院, một tên khác là Thái Thất thư viện 太室书院. Trước đó vào năm Thái Hoà 太和 thứ 8 nhà Bắc Nguỵ (năm 484), nơi đây là Tung Dương tự 嵩阳寺, đời Tuỳ đổi là Tung Dương quán 嵩阳观, đầu thời Đường lại đổi là Thái Ất quán 太乙观. Vào niên hiệu Thanh Thái 清泰 nhà Hậu Đường, Tiến sĩ Bàng Thức 庞式 từng dạy học nơi đó. Thời Hậu Chu, những người ẩn cư ở Thái Ất quán đều cảm thấy Khổng giáo không được truyền, giáo dục không phát triển, thấy mình có trách nhiệm dạy học nên đã dâng tấu xin lập Thái Ất thư viện (khoảng năm 956). Năm Chí Đạo 志道 thứ 3 nhà Tống (năm 997) thư viện được ban tên la Thái Ất thư viện. Năm Cảnh Hữu 景祐 thứ 2 (năm 1035), sắc lệnh cho quan viên Tây kinh (Lạc Dương) trùng tu lại, đồng thời ban cho tấm biển đổi tên là “Tung Dương”.

THẠCH CỔ THƯ VIỆN 石鼓书院: tại Hành Dương 衡阳Nam 河南. Nguyên có tên là Lí Khoan Trung tú tài thư viện 李宽中秀才书院.
 Niên hiệu Nguyên Hoà 元和 thời Đường (năm 806 – năm 820), Lí Khoan Trung 李宽中 (có sách chép là Lí Khoan 李宽) đã cất nhà cỏ bên Tầm Chân quán 寻真观 ở núi Thạch Cổ 石鼓 đọc sách. Thứ sử là Lữ Ôn Tăng 吕温曾 đến thăm, đồng thời ghi chép thành sách Đồng Cung hạ nhật đề Tầm Chân quán Lí Khoan Trung tú tài thư viện 同恭夏日题寻真观李宽中秀才书院. Năm Chí Đạo 至道 thứ 3 nhà Tống (năm 997), người trong tộc của Lí Khoan Trung là Sĩ Chân 士真 đã theo ghi chép đó trùng tu lại thư viện.  Năm Cảnh Hữu 景祐 thứ 2 (năm 1035), Tri Châu là  Lưu Nguyên 刘沅 (có sách chép là Lưu Hàng 刘沆) dâng tấu xin Nhân Tông ban cho học điền và tấm biển “Thạch Cổ thư  viện”. Thư viện trở thành một trong 4 đại thư viện của cả nước.

MAO SƠN THƯ VIỆN 茅山书院: tại Kim Đàn 金坛 Giang Tô 江苏 (nay thuộc Giang Ninh 江宁).
Năm Thiên Thánh 天圣 thứ 2 nhà Tống (năm 1024), xử sĩ Hầu Di 侯遗 xây dựng thư viện ở Mao sơn 茅山 Kim Đàn 金坛. Đầu tiên “lấy lương thực tự có” làm kinh phí, được hơn 10 năm. Về sau, được cấp 3 khoảnh ruộng, chẳng bao lâu bị Sùng Hi quán 崇禧观 chiếm cứ. Niên hiệu Trung Bình 中平), Lưu Mạn Đường 刘漫塘 cho xây lại ở núi Tam Giác 三角, nhưng rồi lại phế bỏ. Năm Hàm Thuần 咸淳 thứ 7 (năm 1271), dời đến chân núi Cố Long 顾龙, bên trong xây Tiên Thánh miếu, Đại Thành điện, Tiên hiền từ. Minh Thành đường …
          Nguồn Trung Quốc thư viện từ điển 中國書院辭典, chủ biên: Quý Khiếu Phong 季啸风, Triết Giang giáo dục xuất bản xã, 1996.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 4/7/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TỐNG NGUYÊN ĐÍCH THƯ VIỆN
宋元的书院
Trong quyển
TRUNG QUỐC TỪ ĐIỂN SỬ LUẬN
中国辞典史论
Tác giả: Ung Hoà Minh 雍和明
             La Chấn Dược 罗振跃
                      Trương Tương Minh 张相明
Bắc Kinh - Trung Hoa thư cục, 2006.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét