CÁC HÌNH THỨC TẠ TỘI NGÀY XƯA
Người xưa khi tạ tội, ngoài đứng nghiêm, quỳ lạy, hoặc “cúi đầu tạ tội”, “dập đầu tạ tội” ra, còn có các hình thức khác như: miễn quan 免冠, đồ tiển 徒跣, nhục đản 肉袒, phụ kinh 负荆… cũng có lúc những hình thức này kết hợp với đứng nghiêm, quỳ lạy.
Miễn quan là lấy mũ xuống. Đồ tiển là đi chân không. Nhục đản tức vén áo lên để lộ cơ thể. Phụ kinh là vác roi xin đối phương đánh, biểu thị nhận tội, xin được tha thứ hoặc xin miễn tội. Y quan tề chỉnh là biểu hiện sự tự tôn, người khác sẽ lấy lễ để tiếp đãi. Còn miễn quan, đồ tiển, nhục đản, phụ kinh là biểu thị tự biếm, hạ thấp thân phận, dùng những hình thức đó để cầu đối phương rộng lượng khoan dung. Dưới đây sẽ nêu vài trường hợp cụ thể.
Đại tướng Hoắc Quang 霍光thời Tây Hán bị Yên Vương 燕王vu hại. Hán Chiêu Đế 汉昭帝xuống chiếu gọi về triều. Khi gặp Hán Chiêu Đế, Hoắc Quang đã “lấy mũ xuống dập đầu tạ tội”. Hán Chiêu Đế bảo rằng: Trẫm biết khanh bị người ta vu hại, khanh đội mũ lên. Trẫm tuyên bố khanh vô tội.
Và như trong Nhi nữ anh hùng truyện 儿女英雄传 hồi thứ 13, khâm sai Ô Minh A 乌明阿 phụng mệnh tra xét Tổng đốc Hà Đông Đàm Nhĩ Âm 谈尔音 tội tham ô. Ô Minh A đem bản tấu của quan Ngự sử tham tấu giao cho ông ta xem. Đàm Nhĩ Âm xem xong sợ đến ngây người, liền “lấy mũ xuống, dập đầu nói rằng: ‘Phạm quan Đàm Nhĩ Âm, u mê hồ đồ, phụ với thiên ân, ngưỡng cầu trị tội’.”
Đế vương cũng có người lấy mũ xuống hướng đến người mà tạ tội. Thái tử của Văn Đế thời Tây Hán cùng với Lương Vương 梁王 vào triều, khi vào cửa không chịu xuống xe, cứ giong xe đi thẳng. Công xa lệnh là Trương Thích Chi 张释之 phát hiện vội đuổi theo ngăn cản, chận họ bên ngoài cửa điện, đồng thời báo lên triều đình. Thái hậu biết được chuyện đó. Văn Đế đã “lấy mũ xuống tạ tội rằng: “Dạy con không cẩn thận”, thừa nhận mình dạy con không nghiêm. Thái hậu lúc bấy giờ mới xuống chiếu xá tội cho hai người, để cho họ được vào cung.
Lấy mũ xuống lại thêm đi chân không, vén áo lên… là tự nhận tội mình quá nặng. Thời Văn Đế triều Tây Hán, Thừa tướng Thân Đồ Gia 申屠嘉 vào triều, sủng thần của Văn Đế là Đặng Thông 邓通 bên cạnh Văn Đế, ngạo mạn vô lễ với Thân Đồ Gia. Sau khi tấu xong mọi sự, Thân Đồ Gia nói với Văn Đế rằng: “Bệ hạ sủng ái bề tôi, có thể khiến cho họ hiển quý, nhưng phép tắc của triều đình không thể không nghiêm túc!” Về đến phủ Thừa tướng, liền xuống hịch triệu Đặng Thông đến. Đặng Thông không dám đi, Thân Đồ Gia ra lệnh nếu không đến sẽ chém đầu. Đặng Thông hoảng sợ vội đi gặp Văn Đế. Văn Đế nói rằng: “Khanh cứ đi, trẫm sẽ cho người triệu khanh về”. Đặng Thông liền “đến phủ Thừa tướng, lấy mũ xuống, đi chân không, dập đầu tạ tội”. Thân Đồ Gia nêu tội trạng của Đặng Thông, Đặng Thông “dập đầu đến nỗi chảy máu”. Hán Văn Đế ước chừng Thân Đồ Gia đã dạy xong Đặng Thông, lúc bấy giờ mới cho người triệu Đặng Thông về (Tây Hán yếu hội – Lễ cửu – Triều hội 西汉要会 - 礼九 - 朝会)
Nhục đản thường kết hợp với tất hành 膝行, phụ kinh. Tất hành là quỳ dưới đất, đi tới bằng đầu gối để tạ tội. Thời Chiến quốc, Thừa tướng nước Tần 秦là Phạm Thư 范雎từng bị Tu Giả 修贾 hãm hại, về sau Tu Giả gặp Phạm Thư “liền vén áo bò gối tới”, hướng đến Phạm Thư “dập đầu tạ tội”.
Loạn Ngô Sở thất quốc (1) thời Tây Hán, quân phản nghịch bại trận, đại binh Hán quân tiến sát Lâm Tri 临淄 (nay là đông bắc thành phố Tri Bác 淄博 tỉnh Sơn Đông 山东), Giao Tây Vương 胶西王 thấy thế mạnh không còn nên đã “đi chân không ….. tạ tội Thái hậu”, sau lại đến doanh trại Hán quân “vén áo khấu đầu” tạ tội. Hán tướng cung Cao Hầu Đồi 高侯颓lớn tiếng chất vấn, Giao Tây Vương “dập đầu, bò gối” trả lời.
Và như mọi người đều biết, đại tướng nước Triệu là Liêm Pha 廉颇 khi tạ tội với Lạn Tương Như 蔺 (2)相如 đã “vén áo vác roi” đến phủ đệ của Lạn Tương Như. “Nhục đản phụ kinh” này, trong Sử kí 史记 không nói cụ thể, trong Thuỷ hử truyện 水浒传 đã cung cấp cho chúng ta chi tiết tương đối tỉ mỉ. Hồi thứ 73, Lí Quỳ 李逵 nghe tin Tống Giang 宋江 cướp vợ người khác liền náo loạn ở Trung Nghĩa Đường. Về sau biết mình trách nhầm, muốn tạ tội với Tống Giang. Yến Thanh 燕青 bảo Lí Quỳ rằng: “Tôi chỉ cho ông một cách, đó là phụ kinh chịu tội”. Lí Quỳ hỏi: “Như thế nào là phụ kinh?” Yến Thanh bảo rằng: “cởi áo ra, lấy dây trói mình lại, trên lưng vác một bó roi, quỳ ở Trung Nghĩa Đường, bảo ca ca đánh nhiều ít cũng cam chịu, đó gọi là phụ kinh chịu tội”. Lí Quỳ làm theo cách đó. Tống Giang, Sài Tiến 柴进đang cùng anh em bàn về chuyện Lí Quỳ, “thấy Hắc Toàn Phong 黑旋风 mình trần trùng trục, trên lưng vác một bó roi, quỳ trước đường, đầu cúi gằm, không thốt lời nào”. Tống Giang dở khóc dở cười, cho Lí Quỳ đứng dậy, đồng thời bảo Lí Quỳ đi tróc nã tay Tống Giang giả đem về để chuộc tội.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- LOẠN NGÔ SỞ THẤT QUỐC: tức “thất quốc chi loạn”, còn gọi là “thất vương chi loạn”, phát sinh vào năm thứ 3 đời Hán Cảnh Đế thời Tây Hán (năm 154 trước công nguyên) do Ngô Vương Lưu Tị 刘濞 và Sở Vương Lưu Mậu 刘戊dẫn đầu. 7 nước gồm Ngô 吴, Sở 楚, Triệu 赵, Giao Đông 胶东, Giao Tây 胶西, Tế Nam 济南, Tri Xuyên 菑川. Các nước chư hầu này do bởi bất mãn triều đình đã tước giảm quyền lực của họ nên đã khởi binh phản loạn. Cuộc phản loạn đã bị Đậu Anh 窦婴 và Chu Á Phu 周亚夫dẹp yên.
(2)- Chữ 蔺 này, trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có âm đọc là “LẬN”. Tên nhân vật là Lận Tương Như, ta quen đọc là Lạn Tương Như.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 13/10/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
TẠ TỘI
BỒI LỄ HÌNH THỨC ĐA
谢罪
赔礼形式多
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
0 nhận xét:
Đăng nhận xét