THƯ PHÁP THỜI NGUỴ TẤN NAM BẮC TRIỀU
Thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều là thời kì đỉnh thịnh của nghệ thuật thư pháp Trung Quốc. Ngoài thể Hán lệ 汉隶và chương thảo 章草 ra, mọi người bắt đầu dùng rộng rãi thể khải thư 楷书và thể hành thư 行书, và đã xuất hiện không ít những nhà thư pháp và tác phẩm nổi tiếng.
Chung Diêu 钟繇, tự Nguyên Thường 元常, người Trường Xã 长社 Dĩnh Xuyên 颍川 (nay là Trường Cát 长葛 Hà Nam 河南). Thời Nguỵ Minh Đế, ông làm quan đến chức Thái phó, nên người đời sau quen gọi ông là Chung Thái phó. Chung Diêu học rộng nhiều tài, có thể viết được các thể chữ như lệ, thảo, khải, hành, đặc biệt sở trường về thể khải. Tác phẩm đại biểu của ông Tiến Quý Trực biểu 荐季直表, bút ý thư thái tự tại, biểu hiện kết cấu chặt chẽ tinh xảo, là tác phẩm mẫu mực của thể khải. Chung Diêu đã thúc đẩy sự hình thành lệ thư chuyển biến thành thể khải mới, ảnh hưởng đến người đời sau.
Thời Đông Tấn trở về sau, phong trào thư pháp cực thịnh, đặc biệt trong những đại gia tộc môn phiệt có bề dày văn hoá, viết chữ đẹp đã trở thành chiêu bài vàng không thể thiếu được, như con em họ Vương 王họ Tạ 谢họ Si 郗họ Dữu 庾, đa số đều viết đẹp.Trong số họ đã xuất hiện một số đại gia thư pháp nổi tiếng cả xưa nay, “Thư thánh” Vương Hi Chi 王羲之 là đại biểu kiệt xuất nhất trong số đó.
Vương Hi Chi tự Dật Thiếu 逸少, xuất thân từ họ Vương nổi tiếng ở Lang Nha 琅邪 nhà Đông Tấn thời Nam triều. Nhân từng làm qua Hữu quân tướng quân, Cối Kê nội sử nên còn được gọi là Vương Hữu quân 王右军, Vương Cối Kê 王会稽. Phong cách thư pháp của nhà họ Vương kế thừa Chung Diêu, Vương Hi Chi nghiên cứu thư pháp của các nhà, chung đúc lại tự sáng tạo riêng một thể. Cách viết của ông khoẻ khắn, trong sáng, sáng tạo ra phong cách nghệ thuật tươi đẹp, có ảnh hưởng cực lớn đối với đời sau.
Cống hiến của Vương Hi chi về thư pháp chủ yếu thể hiện ở 2 mặt:
- Thứ nhất: Sáng tạo ra hành thư, một thể mới kết hợp giữa thảo thư và khải thư. Trên cơ sở kế thừa tinh hoa của tiền nhân, Vương Hi Chi trên cở sở cái cũ tạo ra thể hành thư viết nhanh gọn và dễ nhận biết. Đó là sự kết hợp hoàn mĩ giữa tính thực dụng và tính thẩm mĩ của thư pháp, và cũng là thể thư chủ lưu của sự phát triển thư pháp từ đó trở đi.
- Thứ hai: đối với bút pháp mang tính thể thức truyền thống đã mạnh dạn cải cách, sáng tạo ra cách viết đầy sức biểu hiện.
Vương Hi Chi dùng thủ pháp đa biến, không ngừng biến hoá hình thái của chữ, khiến nó tươi đẹp dị thường. Như trong danh tác Lan Đình tự 兰庭序 có 20 chữ 之 (chi), nét mác nét phẩy đều khác nhau, mỗi chữ đều có ý mới. Danh tác thư pháp của Vương Hi Chi, về hành thư có Khoái tuyết thời tình thiếp 快雪时晴帖, Tang loạn thiếp 丧乱帖, Lan Đình tự 兰庭序 ; về khải thư có: Hoàng Đình kinh 黄庭经, Nhạc Nghị luận 乐毅论; về thảo thư có: Thập thất thiếp 十七帖, Hàn thiết thiếp 寒切帖. Nhưng nổi tiếng nhất là Lan Đình tự 兰庭序 , được gọi là “Thiên hạ đệ nhất hành thư”.
Tác phẩm thư pháp của Vương Hi Chi rất được nhiều người yêu thích, bất luận là quý tộc đương triều hay là người dân nơi thôn dã, đều xem là vinh dự khi có được bút tích của Vương Hi Chi. Câu chuyện nổi tiếng nhất đó là có một bà lão bán quạt ở Trấp sơn 蕺山, bán mãi không được chiếc nào, sau khi Vương Hi Chi đề lên quạt 5 chữ, trong phút chốc mọi người giành nhau mua sạch. Để có được bút tích của Vương Hi Chi, có người nghe nói Vương Hi Chi rất thích ngỗng, đã giết ngỗng chiêu đãi, chỉ mong có được vài chữ.
Thành tựu của Vương Hi Chi đã thúc đẩy phong khí luyện tập, yêu thích thư pháp ở xã hội phương nam, và cũng đã làm xuất hiện một số danh gia thư pháp, như Vương Hiến Chi 王献之, Vương Tuần 王珣, Vương Mân 王珉 đều là thư pháp gia một thời.
Đại biểu cho thư pháp Bắc triều là bia triều Nguỵ. Thời Bắc Nguỵ không thể thiếu khắc bia, chữ trên mộ chí, cùng với một số quyển kinh của Phật giáo và Đạo giáo, tất cả đều xuất phát từ tay của tầng lớp văn nhân lớp dưới hoặc thợ dân gian, phong cách của họ không giống với xã hội thượng. Những tác phẩm xuất phát từ dân gian, về tự thể đa phần là hình vuông, hình thái chữ nhiều biến hoá, tính tuỳ tiện tương đối lớn, tuy chúng bị các sĩ đại phu cho là loại văn tự bỉ lậu quê mùa nhưng chúng lại có một loại mĩ cảm. Tác phẩm đại biểu của bia triều Nguỵ là Trương Mãnh Long bi 张猛龙碑, chữ trên tấm bia này tự nhiên khoáng đạt, kết cấu tinh diệu, biến hoá vô cùng, trước giờ luôn được mọi người tôn sùng.
Thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, nghệ thuật thư pháp phát triển chưa từng thấy, sáng tạo một cảnh giới thẩm mĩ mới, không những tạo hình kết cấu của chữ kì lạ, nhiều biến hoá, mà còn về tiết tấu của cách viết truy cầu sự rung động, người xưa từng đánh giá thư pháp thời Tấn chuộng “vận” 韵, quả thực đã điểm trúng điểm mấu chốt. Gọi là “vận” tức tiết tấu của vận động, là kết quả của sự vận động sản sinh ra mĩ cảm hài hoà. Trong cách viết chú trọng mối quan hệ giữa nét bút với khoảng cách nét bút, chú trọng sự phân chia và chuyển đổi về không gian giữa chữ với chữ, hình thành quy luật cộng hưởng qua lại, điều này đã đẩy nghệ thuật thư pháp lên một cảnh giới cao hơn.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 24/10/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
THƯ PHÁP
书法
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
NGUỴ TẤN NAM BẮC TRIỀU QUYỂN
中国风俗通史
魏晋南北朝卷
Tác giả: Trương Thừa Tông 张承宗, Nguỵ Hướng Đông 魏向东
Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã – 2001.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét