About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịcht thuật: Lâm giang tiên (Yến Cơ Đạo)






临江仙
        梦后楼台高锁, 酒醒帘幕低垂. 去年春恨却来时 1 , 落花人独立, 微雨燕双飞 2 .
记得小蘋初见 3 , 两重心字罗衣 4 . 琵琶弦上说相思, 当时明月在, 曾照彩云归 5 .
                                                (晏几道)

LÂM GIANG TIÊN
          Mộng hậu lâu đài cao toả, tửu tinh liêm mạc đê thuỳ. Khứ niên xuân hận khước lai thì 1 , lạc hoa nhân độc lập, vi vũ yến song phi 2 .
          Kí đắc Tiểu Tần sơ kiến 3 , lưỡng trùng tâm tự la y 4 . Tì bà huyền thượng thuyết tương ti ( tư), đương thời minh nguyệt tại, tằng chiếu thái vân quy 5 .
                                                                                   (Yến Cơ Đạo)
Chú thích
1- KHƯỚC LAI 却来: lại đến
2- Hai câu “Lạc hoa …” : mượn dùng câu thơ trong bài Xuân tàn 春残 của Ông Hoành 翁宏 thời Ngũ đại:
Hựu thị xuân tàn dã,
Như hà xuất thuý duy?
Lạc hoa nhân độc lập,
Vi vũ yến song phi.
又是春残也,
如何出翠帷?
落花人独立,
微雨燕双飞
Lại một mùa xuân nữa qua đi,
Làm sao dám ra khỏi màn xuân?
Hoa rụng nhiều chỉ riêng mình đứng trong sân,
Trong cơn mưa nhẹ đàn én bay sóng đôi.
3- TIỂU TẦN 小蘋 : tên một ca nữ. Tình nhân trước đây của tác giả.
4- TÂM TỰ LA Y 心字罗衣: áo thêu hoa văn chữ “tâm”, thời trang thịnh hành của ca nữ lúc bấy giờ. Âu Dương Tu 欧阳修 trong Hảo nữ nhi lệnh 好女儿令 viết rằng:
          Nhất thân tú xuất, lưỡng đồng tâm tự, thiển thiển kim hoàng.
          一身绣出, 两同心字, 浅浅金黄.
          (Áo thêu trên người, với hai chữ tâm, màu vàng nhạt)
          “Lưỡng đồng tâm” 两同心 tức “lưỡng trùng tâm” 两重心, là hoa văn liên hoàn 2 chữ “tâm” theo kiểu chữ triện kết thành, tượng trưng cho hai lòng cùng nhau.
5- THÁI VÂN 彩云:  chỉ người đẹp. Ở đây chỉ Tiểu Tần.

Dịch nghĩa
LÂM GIANG TIÊN
Mộng tỉnh, nhìn ra phía cửa sổ, chỉ thấy cửa chốn lầu cao khoá chặt
Sau cơn say, nhìn trong phòng chỉ thấy màn buông chùng, như muốn nói lên niềm cô tịch.
Nỗi sầu hận biệt li năm ngoái giờ lại kéo đến,
Hoa rụng đầy và riêng mình đứng trong sân tĩnh lặng,
Trong cơn mưa lất phất, đàn én bay sóng đôi với nhau.

Nhớ đến lần đầu gặp Tiểu Tần,
Nàng mặc chiếc áo lụa có thêu hai chữ “tâm” lồng vào nhau.
E thẹn khảy đàn tì bà, trong khúc nhạc như muốn thổ lộ cảm tình
Lúc ấy vầng trăng sáng như ngọc,
Giống như cùng với đám mây, đưa tiễn Tiểu Tần về.

Dịch theo điệu từ
LÂM GIANG TIÊN
Mộng tỉnh lầu cao khoá chặt
Rượu tan, rèm lụa buông chùng
Xuân xưa nỗi hận lại về cùng
Hoa rơi, người riêng đứng
Mưa nhỏ, én bay chung

Nhớ lúc Tiểu Tần mới gặp
Chữ “tâm” trên áo thêu đôi
Tì bà lên tiếng nhớ thương ai
Trời cao trăng toả sáng
Dõi bước gót chân soi

Điểm bình
          Đây là bài từ nổi tiếng cảm cựu hoài nhân. Theo lời tự bạt ở Tiểu Sơn từ 小山词của tác giả, nơi nhà của bạn của ông là Thẩm Liêm Thúc 沈廉叔, Trần Quân Long 陈君龙 có 4 cô kĩ nữ tên Liên , Hồng 鸿, Tần , Vân . Những bài từ mới sáng tác của ông cùng của bạn thường do các cô này hát. Tác giả và Tiểu Tần trong bài từ trên đã từng có qua một thời tình cảm. Về sau Thẩm mất, Trần bệnh, nhóm của Tiểu Tần như mây cũng phiêu dạt không biết nơi nào.
          Đoạn đầu viết sau khi tỉnh rượu, mộng tan, thấy lầu cao khoá chặt, màn  buông chùng, bất giác cảm thấy tịch liêu. Năm ngoái cũng vào lúc này đương lúc cửa lầu rộng mở, màn cuốn cao, vui ca hát múa
          Đoạn dưới nhìn trăng nhớ đến người, người đi trăng trống vắng, tịch mịch.
          Bài từ vô cùng hàm súc, uyển chuyển, đáng gọi là tuyệt xướng.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
YẾN CƠ ĐẠO 晏几道 (1030? – 1106?): tự Thúc Nguyên 叔原, hiệu Tiểu Sơn 小山, người Lâm Xuyên 临川 (nay là Phủ Châu 抚州 Giang Tây 江西), con của Yến Thù 晏殊, từng giữ các chức như Hứa Điền trấn giám phủ Dĩnh Xương 颖昌, Thôi quan phủ Khai Phong 开封. Một đời sĩ đồ thất ý, về già gia đạo sa sút. Ông giỏi về từ, từ phong của ông uyển chuyển, đa phần là những tác phẩm nhớ về những niềm vui ngày trước.  Yến Cơ Đạo là một trong những đại biểu của phái từ Uyển ước. Tác phẩm có Tiểu Sơn từ 小山词

                Huỳnh Chương Hưng
                 Quy Nhơn 31/10/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
LÂM GIANG TIÊN
临江仙
Trong quyển
TỐNG TỪ TAM BÁCH THỦ TỪ ĐIỂN
宋词三百首辞典
Biên soạn: Lâm Thân Thanh 林申清
Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 1999.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét