TÊN GỌI “THUỶ HỬ TRUYỆN”
RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
Thi Nại Am 施耐庵, tiểu thuyết gia triều Nguyên vừa dạy học, vừa căn cứ thoại bản (1) Trương Thúc Dạ cầm tặc 张叔夜擒贼 sáng tác bộ Giang hồ hào khách truyện 江湖豪客传. Mấy năm sau, tác phẩm hoàn thành, đối với đại bộ phận tình tiết trong truyện, Thi Nại Am cảm thấy rất hài lòng, chỉ có tên của truyện không được hay lắm. Học trò của Thi Nại Am lúc bấy giờ là La Quán Trung 罗贯中 kiến nghị đổi tên là Thuỷ hử truyện 水浒传. Vừa nghe qua, Thi Nại Am vô cùng vui mừng, liền nói:
Hay!, hay! tên gọi này cực hay! “Thuỷ hử” có nghĩa là bên bờ nước, hàm nghĩa tại nơi khoáng dã, lại hợp với điển cố trong “Kinh Thi”:
Cổ Công Đản Phủ
Lai triều tẩu mã
Suất tây thuỷ hử
Chí vu kì hạ
古公亶父
来朝走马
率西水浒
至于崎下
Ông Cổ Công Đản Phủ
Một buổi sớm mai cưỡi ngựa mà chạy đi
Noi theo bờ sông qua miền tây
Đến nơi dưới núi Kì sơn (2)
Và tên của bộ tiểu thuyểt cổ điển nổi tiếng đã được xác định.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- THOẠI BẢN 话本: là loại tiểu thuyết bạch thoại thời Tống. Lúc bấy giờ lưu hành một hình thức giải trí có tên gọi là Thuyết thoại 说话, nội dung là người kể chuyện (thuyết thư nhân - 说书人) sẽ kể các loại hình câu chuyện. Bản gốc về nội dung chuyện kể tức là Thoại bản.
(2)- Đoạn này trong bài Miên 绵 phần Đại nhã 大雅 trong kinh Thi. Đoạn dịch trên là theo Tạ Quang Phát, Kinh Thi, tập 3, trang 1360, NXB Văn học, 1992.
Cổ Công Đản Phủ 古公亶父là tổ phụ của Chu Văn Vương. Chu Vũ Vương đã truy tôn là Thái Vương.
Theo lời chú của Tạ Quang Phát, Miên là bài thơ của Chu Công răn Thành Vương, kể lại lúc Thái Vương mới dời về đất Kì Chu để mở nền vương nghiệp, cho Văn Vương nhân đó mà nhận mệnh trời.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 12/10/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
“THUỶ HỬ TRUYỆN” THƯ DANH CHẨM MA LAI ĐÍCH
“水浒传” 书名怎么来的
Trong quyển
VĂN NGÔN VĂN TOÀN GIẢI
文言文全解
(Sơ trung bản)
Chủ biên: Thẩm Diễm Xuân (沈艳春),
Đô Hưng Đông (都兴冬),
Hà Thục Quyên (何淑娟)
Trường Xuân: Cát Lâm đại học xuất bản xã, 2003.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét