CHÂN TƯỚNG VIỆC NGŨ TỬ TƯ
ĐÁNH THI THỂ SỞ BÌNH VƯƠNG
Ngũ Tử Tư 伍子胥, tên Viên 员, tự Tử Tư 子胥, là Đại phu nước Ngô thời Xuân Thu, con thứ của Ngũ Xa 伍奢Đại phu nước Sở. Năm Sở Bình Vương thứ 7 (năm 522 trước công nguyên), Sở Bình Vương nghe lời gièm của nịnh thần Phí Vô Kị 费无忌giết Ngũ Xa, đồng thời truy sát Ngũ Tử Tư nhằm diệt trừ hậu hoạn. Ngũ Tử Tư tìm mọi cách lánh nạn, cuối cùng đến nước Ngô, đầu Ngô vương Hạp Lư 阖闾. Ngũ Tử Tư giúp Ngô vương chỉnh đốn quân ngũ, thế lực ngày càng hùng mạnh. Về sau đem binh công hãm đô thành nước Sở là Dĩnh 郢, quật mộ Sở Bình Vương, đánh thi thể Sở Bình Vương 300 roi, trách mắng gay gắt Sở Bình Vương nghe lời gièm pha sát hại trung lương.
Không ít sử thư khẳng định sự việc này, cho rằng Ngũ Tử Tư báo thù cho cha là việc làm chính nghĩa. Nhưng theo một số sử gia trải qua khảo chứng, Ngũ Tử Tư quật mộ Sở Bình Vương đánh vào thi thể hay là chỉ đánh vào mộ 300 roi? Các thuyết vẫn chưa thống nhất. Gần đây theo nghiên cứu của một số học giả cho rằng, cơ bản Ngũ Tử Tư không tham gia qua cuộc chiến tranh công hãm đô thành nước Sở, nên không thể nói có việc đánh thi thể Sở Bình Vương. Các thuyết khác nhau, khiến cho sự việc đánh thi thể Sở Bình Vương phủ lên một bức màn bí mật.
Nguồn gốc thuyết đánh vào thi thể Sở Bình Vương là có quyền uy nhất, xuất phát từ Sử kí 史记 của Tư Mã Thiên 司马迁. Trong Sử kí – Ngũ Tử Tư liệt truyện 史记- 伍子胥列传có ghi, quân Ngô tấn công đô thành nước Sở, Ngũ Tử Tư không bắt được Sở Chiêu Vương nên vô cùng giận dữ, bèn quật mộ Sở Bình Vương, kéo xác ra, hung hãn đánh 300 roi. Đến thời Đông Hán, Triệu Việp 赵晔người nước Việt trong Ngô Việt Xuân Thu – Hạp Lư nội truyện 吴越春秋- 阖庐内传 đã viết chi tiết hơn: không chỉ đánh vào thi thể 300 roi mà còn dùng chân đạp lên, giận dữ lên án Sở Bình Vương nghe theo lời gian thần, giết oan cha và anh của mình. Thuyết đánh thi thể được lưu truyền, đồng thời không ngừng được tô vẽ thêm, dường như thành định luận.
Thuyết đánh vào mộ được thấy sớm nhất ở Lã Thị Xuân Thu – Thủ thời thiên 吕氏春秋- 首时篇, trong đó có nói Ngũ Tử Tư
Thân xạ vương cung, tiên Kinh Bình chi mộ tam bách.
亲射王宫, 鞭荆平之墓三百
(Đích thân bắn vào vương cung, đánh 300 roi vào mộ Bình Vương nước Sở)
“Kinh” 荆 là tên gọi khác của nước Sở, “Bình” 平là gọi tắt Sở Bình Vương. Do bởi Lã Thị Xuân Thu thành sách sớm hơn Sử kí100 năm, nên độ tin cậy của nội dung ghi chép tương đối cao, giá trị sử liệu được người đời sau công nhận. Trong Xuân Thu Lương truyện 春秋梁传, Hoài Nam Tử - Thái tộc huấn 淮南子- 泰族训, Việt tuyệt thư – quyển nhất 越绝书- 卷一 cũng đều ghi chép là “tiên phần”鞭坟(đánh vào phần mộ). Việt tuyệt thư chủ yếu là căn cứ vào những truyền thuyết dân gian thu thập được mà ghi chép thành sách. Có thể thấy, trong khoảng thời gian thành sách, trong dân gian đã tồn tại thuyết “tiên phần”.
Từ những sử liệu ở trên mà phân tích, thuyết “tiên phần” là có căn cứ, Ngũ Tử Tư chỉ sai sĩ tốt đánh 300 roi vào phần mộ của Sở Bình Vương mà thôi.
Một thuyết khác: Ngũ Tử Tư căn bản không quật mộ Sở Bình Vương đánh vào thi thể, thậm chí có khả năng không tham gia trận chiến công phá Dĩnh đô. Trong Vũ Hán Đại học học báo 武汉大学学报 kì 3 năm 1985, Trương Quân 张君 đã đăng bài Ngũ Tử Tư hà tằng quật mộ tiên thi 伍子胥何曾掘墓鞭尸 chính là đại biểu cho thuyết này. Bài viết cho rằng Xuân Thu 春秋, Tả truyện 左传, Quốc Ngữ 国语 là những bộ sử có quyền uy nhất khi nghiên cứu về thời Xuân Thu. Nội dung trong 3 bộ sách căn bản không đề cập đến “tiên thi” 鞭尸hoặc “tiên phần” 鞭坟. Bộ Xuân Thu xem phạm thượng tác loạn là đại nghịch bất đạo đối với trận chiến công phá Dĩnh đô chỉ ghi có mấy chữ: “Canh Thìn, Ngô nhập Dĩnh” 庚辰吴入郢 (Ngày Canh Thìn, quân Ngô vào Dĩnh đô). Nếu như có hành động phạm thượng đánh vào thi thể, Xuân Thu nhất định sẽ không bỏ qua. Tả truyện dùng 2800 chữ ghi lại tỉ mỉ trận chiến quân Ngô công phá Dĩnh đô. Trong sách không những không ghi chép việc Ngũ Tử Tư quật mồ Sở Bình Vương đánh vào thi thể hoặc đánh vào phần mộ, mà còn thậm chí khi ghi lại quá trình công phá Dĩnh đô ngay cả Ngũ Tử Tư cũng không được nói đến. Xem ra, rất có khả năng Ngũ Tử Tư căn bản không tham gia trận chiến đó. Theo ghi chép trong Xuân Thu Công Dương truyện 春秋公羊传, Ngũ Tử Tư từng bày tỏ với Ngô vương Hạp Lư rằng:
Sự quân sự phụ dã, khuy quân chi nghĩa, phục phụ chi cừu, thần bất vi dã.
事君事父也, 亏君之义, 复父之仇, 臣不为也
(Thờ vua thờ cha, phụ nghĩa của vua để báo thù cho cha, thần không làm)
Đem nghĩa vua tôi đặt trên tình cha con, không làm những việc mạo phạm, từ đó có thể thấy, con người Ngũ Tử Tư cũng không muốn làm những việc phạm thượng. Thuyết quật mộ Sở Bình Vương đánh vào thi thể bắt đầu từ Tư Mã Thiên, sau khi được Tư Mã Thiên tô vẽ mới lưu truyền. Sở dĩ Tư Mã Thiên tô vẽ thêm, có thể có liên quan đến việc ông bị tội oan phải chịu cung hình. Tư Mã Thiên ra sức tán dương tinh thần phục thù của “Ngũ Tử Tư”, từ đó giải toả nỗi oán hận trong lòng. Hơn hai ngàn năm nay, chuyện Ngũ Tử Tư quật mộ Sở Bình Vương đánh vào thi thể đã được nhiều tiểu thuyết và hí khúc truyền bá, trở thành câu chuyện lưu truyền thiên cổ nhà nhà đều biết. Nhưng trong lịch sử quả có chuyện đó hay không? nó đã trở thành một bí ẩn thiên cổ.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 27/11/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
NGŨ TỬ TƯ TIÊN THI CHÂN TƯỚNG
伍子胥鞭尸真相
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét