HƯƠNG THÍ THỜI MINH THANH
Hương thí 乡试được tổ chức 3 năm một lần tại kinh thành và tỉnh thành các tỉnh, thường vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, thời gian vào khoảng mùa Thu tháng 8, nên còn được gọi là Thu vi 秋闱 (Vi là chỉ trường thi). Quan Chánh và Phó chủ khảo kỳ Hương thí do Hoàng Đế bổ nhiệm các quan ở Hàn lâm viện và các quan Tiến sĩ xuất thân của các bộ viện. Ngoài ra còn có Đồng khảo quan 同考官 gọi là Phòng quan 房官 hoặc Phòng sư 房师 đảm nhận việc phân phòng và duyệt quyển. Nhân vì việc bình duyệt quyển thi phải tiến hành ở Nội liêm 内帘 (màn trong tức phòng trong) nên đồng khảo quan cũng còn được gọi là Liêm quan 帘官, đảm nhận chức vụ Đồng khảo quan gọi là Nhập liêm 入帘. Đồng khảo quan thông thường là các quan viên Tiến sĩ xuất thân ở các tỉnh được điều động. Ngoài ra còn có các quan phụ trách giám sát, tuần sát… họ không được tiếp xúc với Nội liêm quan, những vị quan này được gọi là Ngoại liêm quan 外帘官.
Hương thí có trường thi chính quy gọi là Cống viện 贡院, tại phía đông nam trong thành. Trong Cống viện có Minh viễn lâu 明远楼 dành cho các quan giám sát, tuần sát lên canh phòng khi tổ chức thi, phòng ngừa giám sinh hoặc lại dịch làm điều phạm pháp, ngoài ra dùng cây gai rào thành tường vây nên có người gọi Cống viện là Cức vi 棘闱. Trong Cống viện có từng dãy phòng, là nơi thí sinh ở và làm bài.
Hương thí có tổng cộng 3 trường, ngày mồng 9 là trường một, ngày 12 là trường hai, ngày 15 là trường ba. Vào ngày đầu của mỗi trường tức mồng 8, ngày 11, ngày 14 điểm danh nhập trường. Sau mỗi trường tức ngày mồng 10, ngày 13, ngày 16 nộp bài xuất trường. Ngày nhập trường giờ Dần (khoảng 3 đến 5 giờ sáng) bắt đầu điểm danh, sau khi khám xét, thí sinh lần lượt vào các Vi. Sau khi vào các Vi, các cửa mỗi ô đều khoá lại, đồng thời cửa lớn của Cống viện cũng được đóng chặt, cho nổ 3 tiếng pháo. Ngày thi, giờ Tý phát đề. Ngày xuất trường, tập họp một số người làm xong mở cửa cho ra từng đợt, tổng cộng đến mấy đợt. Khi đã tập hợp hơn ngàn thí sinh, Cống viện mới mở cửa một lần gọi là Phóng bài 放牌. Sau khi xong, cửa lại đóng. Thông thường trước giờ Ngọ mở cửa lần thứ nhất, sau giờ Ngọ mở cửa lần thứ hai, đến xế chiều mở cửa lần thứ ba, sau đó cửa sẽ không đóng lại nữa.
Khoảng giờ Tuất (tương đương từ 7 đến 9 giờ tối), dọn dẹp trường. Nhưng trường ba có lúc ngày 15 đã bắt đầu mở cửa, cho nên có thí sinh sau khi thi xong xuất trường vẫn còn kịp thưởng trăng làm thơ phú.
Hương thí yết bảng vào tháng 9, đương lúc hoa quế nở nên gọi bảng Hương thí là Quế bảng 桂榜. Những người thi đỗ Hương thí gọi là Cử nhân 举人, người đỗ đầu gọi là Giải nguyên 解元. Bảng ghi tên những người thi đỗ Hương thí gọi là Ất bảng 乙榜 hoặc Ất khoa 乙科. Sau khi yết bảng, tổ chức yến hội, mời tất cả các quan Nội, Ngoại liêm cùng tân khoa cử nhân.
Thi đỗ Cử nhân không chỉ có thể tham gia kỳ Hội thí mang tính chất toàn quốc, mà ngay cả khi thi Hội nhưng không đỗ cũng có đủ tư cách để làm quan. Cho nên trong Nho lâm ngoại sử hồi thứ 3, Phạm Tiến 范进 sau khi đỗ Cử nhân, hương thân họ Trương lập tức đến thăm “Phạm lão gia vừa mới thi đỗ” (Tân trúng đích Phạm lão gia - 新中的范老爷), không chỉ mừng tặng 50 lạng bạc mà còn tặng nhà cho Phạm Tiến. Trong truyện viết rằng:
Tự thử dĩ hậu, quả nhiên hữu hứa đa nhân lai phụng thừa tha: hữu tống điền sản đích, hữu nhân tống điếm phòng đích, hoàn hữu na ta phá lạc hộ, lưỡng khẩu tử lai đầu thân vi bộc đồ ấm tý đích. Đáo lưỡng tam cá nguyệt, Phạm Tiến gia nô bộc, a hoàn đô hữu liễu, tiền, mễ thị bất tiêu thuyết liễu.
自此以后, 果然有许多人来奉承他, 有送田产的, 有人送店房的, 还有那些破落户, 两口子来头身为仆图荫庇的. 到两三个月, 范进家奴仆, 丫环都有了, 钱, 米是不消说了.
(Từ đó về sau, quả nhiên nhiều người đến cung phụng anh ta, có người tặng ruộng đất, có người tặng nhà cửa, có những nhà nghèo khổ, cả vợ chồng đều đến xin ở làm nô bộc hòng được nhờ vả. Đến 2, 3 tháng sau, trong nhà Phạm Tiến nô bộc, a hoàn đều có; tiền , gạo thì không cần phải nói)
Chẳng trách, sau khi Phạm Tiến nghe tin mình thi đỗ đã vui quá hoá cuồng, còn người cha vợ họ Hồ của anh ta ngay lập tức đã thay đổi bộ mặt, tâng bốc người con rễ “nay đã là lão gia, đúng là sao trên trời rơi xuống” (Như kim tố liễu lão gia, tựu thị thiên thượng đích tinh tú - 如今做了老爷就是天上的星宿)
Triều Thanh, ngoài những kỳ Hương thí theo lệ thường, mỗi khi gặp tiết Vạn Thọ (sinh nhật của Hoàng Đế), lễ đăng cơ v.v… còn có thêm kỳ thi khác gọi là Ân khoa 恩科. Có lúc do những nguyên nhân như quân sự, chính trị, Hương thí ở tỉnh nào đó sẽ đình một số khoa không thi, hoặc một tỉnh chỉ thi ở một số phủ, châu, huyện; thậm chí cả Hương thí, Hội thí đều tổ chức cùng một năm, đây chỉ là những trường hợp cá biệt.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 19/11/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
HƯƠNG THÍ
乡试
Trong quyển
MINH THANH VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
明清文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét