XA MÃ
Trong các sách cổ, chúng ta thường gặp 2 từ “xa mã” đi chung. Như trong Thi kinh – Đường phong – Sơn hữu xu 詩經 - 唐風 - 山有樞:
Tử hữu xa mã
Phất trì phất khu.
子有車馬
弗馳弗驅
Ngài có “xa mã”
Mà không chạy, không đánh xe
Và trong Luận ngữ - Công Dã Tràng 論語 - 公冶長:
Nguyện xa mã, ý khinh cừu, dữ bằng hữu cộng, tệ chi nhi vô hám.
願車馬, 衣輕裘, 與朋友共, 敝之無憾.
(Mong có xa mã, mặc áo cừu, hưởng cùng bạn bè, dù hư nát cũng không hận)
Trước thời Chiến quốc, xa và mã đi liền với nhau. Nói chung, không có xe nào mà không có ngựa (1), cũng không có ngựa nào mà không có xe. Vì thế, người xưa nói “ngự xa” 御車cũng chính là “ngự mã” 御馬, gọi “thừa mã” 乘馬cũng chính là “thừa xa” 乘車. Trong Luận ngữ - Ung dã 論語 - 雍也 có câu:
Xích chi thích Tề dã, thừa phì mã, ý khinh cừu.
赤之適齊也, 乘肥馬, 衣輕裘
(Anh Xích đi sang nước Tề, cưỡi ngựa mập, mặc áo cừu)
Đây là nói đi xe do ngựa mập kéo. Thời cổ, đóng 2 ngựa gọi là “biền” 駢, đóng 3 ngựa gọi là “tham” 驂, đóng 4 ngựa gọi là “tứ” 駟.
Trong Luận ngữ - Quý thị 論語 - 季氏 ghi rằng:
Tề Cảnh Công hữu mã thiên tứ
齊景公有馬千駟
ở đây không phải nói Tề Cảnh Công có 4000 con ngựa mà là ông ta có 1000 cỗ xe.
Người xưa nói: “Phục ngưu thừa mã” 服牛乘馬, có thể thấy ngoài xe ngựa ra còn có xe do trâu kéo. Xe ngựa thời cổ gọi là “tiểu xa” 小車, dùng cho quý tộc khi xuất hành hoặc tác chiến; xe trâu thời cổ gọi là “đại xa” 大車, nhìn chung chỉ dùng để chở đồ vật.
Thùng trên xe ngựa thời cổ gọi là “dư” 輿, đây là bộ phận có người trên đó (2). Phía trước thùng xe và 2 bên hông dùng thanh gỗ gác ngang để làm thanh chắn. Khi lên xe, người lên từ phía sau (3)
Trong Luận ngữ - Hương đảng 論語 - 鄉黨 nói rằng:
Khổng Tử “thăng xa tất chính lập chấp tuy”.
孔子 “升車必正立執綏”
(Khổng Tử “khi lên xe thì đứng ngay ngắn rồi nắm lấy sợi dây để bước lên”)
“tuy” 綏 chính là sợi dây trên xe, dùng để nắm khi bước lên xe.
Thời cổ khi đi xe thì đứng trong thùng xe, gọi là “lập thừa” 立乘 (4), 2 thanh chắn 2 bên hông thùng xe có thể dựa, gọi là “ỷ” (bộ 車 + chữ 奇). Thanh gỗ ngang phía trước thùng xe có thể gác tay, gọi là “thức”式 (軾). Người xưa khi đi xe, trên đường dùng tư thế tay vịn “thức”, đầu cúi xuống ngẩng lên để biểu thị kính lễ. Động tác kính trọng này cũng được gọi là “thức” 式. Cho nên trong thiên Đàn Cung 檀弓 có ghi:
Phu tử thức nhi thính chi.
夫子式而聽之
(Khổng Tử vịn càng xe cúi đầu lắng nghe)
Và trên thùng xe còn gắn “xa cái” 車蓋 khi xe hoạt động, chủ yếu là dùng để che mưa, hình dạng giống chiếc dù lớn.
Vành của bánh xe gọi là “võng” 輞, chính giữa bánh xe có một khúc gỗ tròn có lỗ gọi là “cốc” 轂 (lỗ này dùng để xuyên trục qua). “Võng” và “cốc” hợp thành 2 vòng tròn đồng tâm. Trong Lão Tử 老子 có câu:
Tam thập phúc, cộng nhất cốc
三十輻, 共一轂
(Ba mươi nan hoa cùng cùng tập trung về cái bầu)
“phúc” 輻 là những thanh gỗ làm nan hoa, một đầu gắn vào vành bánh xe, một đầu gắn vào bầu. Tất cả nan hoa đều hướng vào bầu, gọi là “phúc thấu” 輻輳, về sau “phúc thấu” dẫn đến nghĩa từ các phương tập trung lại. Trong Hán thư – Thúc Tôn Thông truyện 漢書 - 叔孫通傳 có câu:
Tứ phương phúc thấu
四方輻輳
(Bốn phương tụ lại)
Trục xe là một thanh ngang, bên trên đặt thùng xe, 2 đầu lắp bánh xe, 2 đầu của trục ló ra khỏi bầu, bên trên cài một cái chốt dài khoảng 3, 4 tấc gọi là “hạt” 轄 (còn được viết là 舝, 鎋), ngăn không cho bánh xe rơi ra ngoài. “Hạt” là một linh kiện rất quan trọng, cho nên trong Hoài Nam Tử 淮南子 có nói:
Phù xa chi năng chuyển thiên lí sở giả, kì yếu tại tam thốn hạt.
夫車之能轉千里所者, 其要在三寸轄
(Phàm xe có thể di chuyển ngàn dặm, điều quan trọng là ở cái chốt 3 tấc)
Về sau dẫn đến nghĩa là “quản hạt” 管轄 (quản lí). Phần đầu của trục ló ra ngoài bầu, thời cổ có tên gọi riêng là “vệ” 軎 (còn được viết là “duệ” 轊), cũng còn được gọi là “quỹ” 軌. Trong Thi kinh – Bội phong – Bào hữu khổ diệp 詩經 - 邶風 - 匏有苦葉 có câu:
Tế doanh bất nhu quỹ
濟盈不濡軌
(Xe đi qua chỗ đầy nước mà không ướt đầu trục bánh xe)
Người xưa thường đánh xe đi qua chỗ có nước, câu trên nói nước tuy nhiều nhưng không ướt đầu trục bánh xe, ý là nước chưa cao tới nửa bánh xe. Một nghĩa khác của “quỹ” đó là chỉ cự li giữa 2 bánh xe của một xe, dẫn đến nghĩa dấu vết bánh xe lưu lại, cũng gọi là “triệt” 轍. Câu Kim thiên hạ xa đồng quỹ 今天下車同軌 trong Trung dung 中庸, hoàn toàn không phải là con người quy định dấu bánh xe lớn nhỏ, mà là quy định xe thống nhất thước tấc, lúc đó dấu của bánh xe đương nhiên sẽ nhất trí.
Còn về “nhận” 軔, không phải là một bộ phận tổ thành của xe, mà là một khúc gỗ chèn không cho xe chuyển động. Khi xe chạy, trước tiên phải lấy “nhận” ra, cho nên bắt đầu khởi hành được gọi là “phát nhận” 發軔. Từ đó dẫn đến nghĩa khởi đầu một sự việc cũng gọi là “phát nhận”.
“Viên” 轅 là càng xe, phần sau nối liền với trục. “Viên” 轅 và “chu” 輈 đồng nghĩa. Phân biệt ra, 2 thanh gỗ thẳng kẹp vào 2 bên con vật gọi là “viên”, dùng cho đại xa; một thanh gỗ cong mắc ở giữa gọi là “chu”, dùng cho tiểu xa (5). Cho nên trong Tả truyện - Ẩn Công thập nhất niên 左傳 - 隱公十一年 có ghi:
Công Tôn Át dữ Dĩnh Khảo Thúc tranh xa, Dĩnh Khảo Thúc hiệp chu dĩ tẩu.
公孫閼與潁考叔爭車, 潁考叔挾輈以走
(Công Tôn Át và Dĩnh Khảo Thúc giành nhau cái xe, Dĩnh Khảo Thúc kẹp càng xe mà chạy)
Đầu trước của càng xe mắc vào một thanh gỗ ngang trên cổ con vật gọi là “ách” 軛. “Ách” 軛 và “hành” 衡 đồng nghĩa. Phân biệt ra, “ách” dùng cho đại xa, “hành” dùng cho tiểu xa. Cho nên trong Luận ngữ - Vệ Linh Công 論語 - 衛靈公 có câu:
Tại dư tắc kiến kì ỷ ư hành dã.
在輿則見其倚於衡也
(Khi ở trên xe thì như thấy nó dựa trên cái ách)
Đầu trước càng xe gắn cái chốt liền với cái ách gọi là “nghê” 輗. “Nghê” 輗 và “ngột” 軏 đồng nghĩa. Phân biệt ra, “nghê” dùng cho đại xa, “ngột” dùng cho tiểu xa. Cho nên trong Luận ngữ - Vi chính 論語 - 為政 có câu:
Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kì hà dĩ hành chi tai?
大車無輗, 小車無軏, 其何以行之哉?
(Xe lớn mà không có nghê, xe nhỏ mà không có ngột, thì làm sao mà đi được?)
Người xưa khi đi xe, chuộng phía bên trái (cho bên trái là tôn quý). Bậc tôn quý ở bên trái, người đánh xe ở giữa, và một người ở bên phải để phụ giúp. Người phía bên phải gọi là “tham thừa” 驂乘, cũng gọi là “xa hữu” 車右. Cho nên trong Tả truyện – Tuyên Công nhị niên 左傳 - 宣公二年 có nói:
Kì hữu Đề Di Minh tri chi
其右提彌明知之
(Kì hữu là Đề Di Minh biết được)
Tình huống của binh xa khác nhau, chủ soái ở giữa quản cờ và trống, người cầm cương bên trái, và một người bên phải bảo vệ chủ soái, người đó gọi là “xa hữu”. Nhìn chung với binh xa, người cầm cương ở giữa, 1 giáp sĩ bên trái cầm cung, một giáp sĩ bên phải cầm mâu.
Ngựa đóng vào xe, nếu là 3 con hoặc 4 con, thì có sự phân biệt “tham” 驂 và “phục” 服. Ngựa ở 2 bên gọi là “tham”, con ở giữa gọi là “phục”. Có thuyết nói con bên trái là “tham” 驂, con bên phải là “phi” 騑. Nói chung, “tham” và “phi” là từ đồng nghĩa. Cho nên trong Sở từ - Cửu chương – Quốc thương 楚辭 - 九章 - 國殤 có câu:
Tả tham ế hề hữu nhận thương.
左驂殪兮右刃傷
(Ngựa tham bên trái đã chết và con bên phải cũng bị thương)
Và Vương Bột 王勃 trong Đằng Vương các tự 滕王閣序 đã viết:
Nghiễm tham phi ư thượng lộ
儼驂騑於上路
(Ngắm ngựa xe trên đường)
Xe của quý tộc thời cổ còn có một số những phụ kiện trang sức khác.
Trước thời Chiến quốc, ngựa dùng để kéo xe. Trong Tả truyện – Chiêu Công nhị thập ngũ niên 左傳 - 昭公二十五年 có ghi:
Tả sử Triển tương dĩ công thừa mã nhi quy
左師展將以公乘馬而歸
(Quan Tả sư là Triển cùng Công cưỡi ngựa mà về)
Họ Khổng đã sớ rằng:
Thời cổ phục ngưu thừa mã, ngựa dùng để kéo xe, không dùng để cưỡi. Đến thời lục quốc mới bắt đầu cưỡi. Tô Tần có nói: ‘Xa thiên thặng, kị vạn thặng’ là ý đó.
Nhưng họ Khổng khi sớ đã dẫn lời của Lưu Huyễn 劉炫, cho rằng, quan Tả sư Triển “muốn cùng Công cưỡi ngựa mà về”, đó là “kị mã chi tiệm” 騎馬之漸 (mở đầu). Chúng tôi cho rằng thời Xuân Thu có khả năng là đã có cưỡi ngựa, nhưng đó chỉ là tình huống cá biệt. Đến thời Chiến quốc, Triệu Vũ Linh Vương 趙武靈王 mặc y phục theo lối người Hồ, cưỡi ngựa bắn cung, đó là học theo cách cưỡi ngựa của Hung Nô. Về sau, cưỡi ngựa đã dần thịnh hành.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Đương nhiên ngoài xe ngựa ra còn có xe trâu …
(2)- Cho nên chiếc kiệu của đời sau cũng gọi là “kiên dư” 肩輿.
(3)- Ở đây theo ghi chép trong sách cổ. Gần đây khảo cổ khai quật, biết được thùng xe thời cổ có cái hình vuông, cái hình chữ nhật, cái hình lục giác, có cái chung quanh là lan can cao lên, phía sau chừa một lối để lên xuống.
(4)- Nhưng “phụ nhân bất lập thừa” 婦人不立乘 (đàn bà trên xe không đứng), xem Lễ kí – Khúc lễ thượng 禮記 - 曲禮上.
(5)- Ở đây theo ghi chép trong sách cổ. Gần đây khảo cổ khai quật, biết được xe thời thượng cổ đa phần là một càng thẳng. Xe thời Hán, chủng loại phức tạp, càng xe thành đôi, ngựa đóng vào xe thường là 1 con.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 12/11/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
Trong quyển
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục 1998.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét