About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Khái quát lịch sử Tây Hạ (tiếp theo)


KHÁI QUÁT LỊCH SỬ TÂY HẠ
(tiếp theo)

2- TÂY HẠ LẬP QUỐC VÀ PHÁT TRIỂN

          Thời Nguyên Hạo 元昊, thực lực Tây Hạ rất hùng mạnh, điều kiện kiến lập vương triều ngày càng chín mùi, Nguyên Hạo lại có hùng tài đại lược, sớm đề xuất chủ trương “anh hùng nên làm vương bá”. Nguyên Hạo không ngừng sáng tạo, chọn thực hiện một hệ thống chính trị, quân sự, văn hoá, tiến hành chính thức hoạt động chuẩn bị cho việc lập quốc. Ông ta bỏ họ Lí họ Triệu mà nhà Đường nhà Tống ban cho, đổi sang họ Nguy Danh 嵬名, thay danh hiệu tự xưng là “Ngột Tốt” 兀卒 (tiếng Tây Hạ có nghĩa là “hoàng đế”); đề cao phong tục dân tộc; sáng tạo văn tự, phiên dịch kinh điển; mô phỏng chế độ của trung nguyên thiết lập quan chế; hoàn thiện thủ phủ, đổi Hưng Châu thành phủ Hưng Khánh 兴庆; ra sức chỉnh đốn quân đội, đặt ra Giám quân ti trong địa phận của mình. Nguyên Hạo còn liên tiếp dùng binh đối với Bắc Tống, Thổ Phồn, Hồi Hột, tiến một bước mở rộng bản đồ, quản lí một khu vực rộng lớn đại bộ phận Cam Túc, Ninh Hạ, phía tây Nội Mông và phía đông Thanh Hải hiện nay, trở thành thế lực thứ 3 đối kháng với Tống, Liêu. Năm Bảo Nguyên 宝元 thứ nhất nhà Tống (năm 1038, tức năm Thiên Thụ Lễ Pháp Diên Tộ 天授礼法延祚 thứ nhất nhà Tây Hạ), Nguyên Hạo lập đàn nhận sách, chính thức lập quốc xưng đế, đặt quốc hiệu Đại Hạ 大夏, tức Tây Hạ, công khai dâng biểu với nhà Tống. Nhà Tống không thừa nhận địa vị của Nguyên Hạo, đối với Tây Hạ không ngừng dùng binh, hai bên phát sinh những trận đại chiến tại Tam Xuyên Khẩu 三川口 (nay là tây bắc Diên An 延安 tỉnh Cam Túc), Hảo Thuỷ Xuyên 好水川 (nay là phía bắc huyện Long Đức 隆德 khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ), Định Xuyên Trại 定川寨 (nay là tây bắc Cố Nguyên 固原 khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ), nhà Tống đều bị thảm bại. Từ đó, việc phòng thủ quân sự và đàm phán chính trị giao thoa tiến hành; trải qua nhiều lần thương lượng, nhà Tống không đủ sức chinh phục Tây Hạ; Tây Hạ về tài chính cũng khó khăn, dân nhân cũng cùng cực khó tiến binh đánh trung nguyên. Hai bên đã tiến hành thoả thuận,  Tây Hạ xưng thần với nhà Tống, nhà Tống thừa nhận địa vị thức tế của Tây Hạ, mỗi năm ban cho Tây Hạ nhiều rất bạc, lụa, trà. Nguyên Hạo làm hoàng đế 11 năm, sau vì cung định nội loạn bị giết chết, được truy là Cảnh Tông 景宗.
          Sau khi Nguyên Hạo mất, vương triều Tây Hạ đối mặt với cục diện chính trị  hoàng đế còn nhỏ, ngoại thích chuyên quyền. Con Nguyên Hạo là Lượng Tộ 谅祚 còn nằm trong tả đã lên ngôi, mẫu hậu là Một Tạng thị 没藏氏 và cậu là Một Tàng Ngoa Bàng 没藏讹庞 nắm chính quyền, cùng với nhà Tống có lúc hoà lúc đánh. Khi Lượng Tộ 14 tuổi, dưới sự ủng hộ của triều thần đã giết Một Tạng Ngoa Bàng vì có âm mưu cướp ngôi, bắt đầu thân chính. Lượng Tộ tại vị 19 năm, đó là Nghị Tông 毅宗. Lượng Tộ mất, con là Bỉnh Thường 秉常 cũng lên ngôi từ lúc nhỏ, mẫu hậu là Lương Thị 梁氏 và cậu là Lương Ất Mai 梁乙埋 nắm lấy việc triều chính. Bỉnh Thường 16 tuổi thân chính, nhân vì muốn hướng đến nhà Tống xin sáp nhập, khác với chính kiến của Thái hậu nên đã bị cầm tù ở phủ Hưng Khánh. Nhà Tống thừa cơ đem đại quân của ngũ lộ tấn công Tây Hạ, cuối cùng vì do chỉ huy sơ suất nên đã thất bại. Năm Đại An 大安 thứ 8 nhà Tây Hạ (năm 1081), Tống và Hạ lại phát sinh chiến tranh tại thành Vĩnh Lạc 永乐 (nay là phía tây huyện Mễ Chi 米脂 tỉnh Thiểm Tây), quân Tống lại tổn thất thảm hại. Bỉnh Thường tại vị được 19 năm, đó là Huệ Tông 惠宗. Con Bỉnh Thường là Càn Thuận 乾顺 3 tuổi lên ngôi, mẫu hậu là Lương thị 梁氏 (cháu gái của mẹ Bỉnh Thường) và cậu là Lương Ất Bô 梁乙逋 (con của Lương Ất Mai) chuyên quyền. Sau 15 năm, Càn Thuận thân chính, kết giao với Liêu. Năm Nguyên Đức 元德 thứ 4 (năm 1122), Kim diệt Liêu, Tây Hạ theo Kim, đồng thời trong cuộc chiến tranh Kim diệt Liêu đánh Tống, Tây Hạ được lợi, thừa cơ mở rộng bản đồ. Càn Thuận tại vị 53 năm, đó là Sùng Tông 崇宗. Ba triều thời kì này, mẫu đảng chuyên quyền, khiến làn sóng mâu thuẫn giữa hoàng tộc Tây Hạ và hậu tộc thay nhau nổi dậy, đồng thời theo sự tranh giành quyền lợi trong nội bộ giai cấp thống trị đã nhiền lần phát sinh đấu tranh nghiêm trọng giữa “Phiên lễ” 蕃礼 và “Hán lễ” 汉礼. Giai đoạn này, kinh tế Tây Hạ lại có sự phát triển mới; quan hệ mậu dịch qua lại giữa Tống và Hạ lúc có lúc không. Mỗi khi Tống Hạ giao chiến, nhà Tống thường dừng việc giao nạp tài vật, bãi chợ, đóng thị trường. Điều này phản ánh  sự phát triển của nền kinh tế Tây Hạ vẫn còn chưa hoàn thiện.
                                                                                     (còn tiếp)

                 Huỳnh Chương Hưng
                 Quy Nhơn 7/11/2012

0 nhận xét:

Đăng nhận xét