HUYẾT THỐNG DỊ TỘC
CỦA VƯƠNG THẤT TRIỀU ĐƯỜNG
(tiếp theo)
Sau khi nhà Tuỳ thống nhất nam bắc, đã dựa vào văn hoá lễ nhạc Hán tộc truyền thống để lập chế độ. Về phương diện thể chế chính trị thì kéo dài khoảng cách với tập đoàn quân sự phương bắc vốn tương đối nguyên thuỷ mà tiếp cận với Nam triều. Sau khi nhà Đường lập quốc, đương nhiên là kế thừa chế độ chính trị cơ bản của nhà Tuỳ, nhưng giữa quân thần nơi triều đình, vẫn luôn bộc lộ di phong “dân chủ” tương đối nguyên thuỷ của Bắc triều. Khi lâm triều, Cao Tổ Lí Uyên 李渊 thường tự xưng danh tính, đồng thời bảo các đại thần cùng ngồi trên sạp mà bàn luận quốc sự. Đối với việc này, Lưu Văn Tĩnh 刘文静 đã lấy chuẩn mực văn hoá lễ nhạc Nho gia khuyên Cao Tổ, cho rằng như thế là “quý tiện thất vị” 贵贱失位 (sang hèn mất đi vị trí của nó), thế nhưng Lí Uyên lại nói rằng:
Tích Hán Quang Vũ dữ Nghiêm Tử Lăng cộng tẩm, Tử Lăng gia túc vu Đế phúc, kim chư công giai danh đức cựu xỉ, bình sinh thân hữu, túc tích chi hoan, hà khả vong dã, công vật dĩ vi hiềm!
昔汉光武与严子陵共寝, 子陵加足于帝腹, 今诸公皆名德旧齿, 平生亲友, 宿昔之欢, 何可忘也, 公勿以为嫌!
(Ngày xưa Hán Quang Vũ và Nghiêm Tử Lăng cùng ngủ chung, Tử Lăng gác chân lên bụng Đế. Nay các quan đều tuổi cao đức lớn, trước giờ là bạn thân, niềm vui ngày trước làm sao mà quên được, khanh chớ có hiềm nghi)
(Tư trị thông giám – Đường kỉ nhất 资治通鉴 - 唐纪一)
Đem mối quan hệ của Hán Quang Vũ và Nghiêm Tử Lăng mà so sánh, đương nhiên có thể thấy quân thần khai quốc của vương triều Đường trong cuộc chiến trường kì đã có mối quan hệ hữu nghị mật thiết và sâu đậm. Nhưng Hán Quang Vũ và Nghiêm Tử Lăng cùng ngủ chung thuần tuý thuộc về phạm trù tình bạn riêng tư, còn lâm triều cùng với đại thần chung sạp nghị sự lại mang sắc thái mọi người trong bộ lạc nguyên thuỷ cùng ngồi nghe chính sự. Về điểm này, lại khớp với nét biểu hiện rõ nhất thời Bắc Nguỵ. Thời Bắc Nguỵ có truyền thống Bát công thính chính, đó chính là chế độ thính chính nguyên thuỷ điển hình còn lưu lại, cũng chính là phương thức hành vi mà Cao Tổ nhà Đường cùng các đại thần chung sạp nghị sự trực tiếp kế thừa.
Phương thức hành vi mang ý vị “dân chủ chính trị”, “dân chủ quân sự” trong tập đoàn thống trị đầu thời Đường còn thể hiện rõ ở việc đãi ngộ ban cho họ Lí hoàng tộc đối với các công thần và hàng tướng. Để củng cố chính quyền vừa mới thành lập, mấy vị vua đầu thời Đường đã tiếp thu bài học các triều đại bị diệt vong thời Nam Bắc triều, với các phe phái cùng lực lượng quân sự chính trị của các dân tộc đều ra sức lôi kéo về phía mình. Trong danh sách phân phong vương hầu đầu thời Đường, vừa có công thần, lại có hàng tướng, vả lại ngoài phong vương phong hầu ra đa số còn được ban cho họ Lí hoàng tộc. Năm thứ 2 niên hiệu Vũ Đức 武德 đời Đường Cao Tổ (năm 619), Từ Thế Tích 徐世勣 bộ tướng cũ của Lí Mật 李密 đã đem dân ở Lê Dương 黎阳 cùng 10 quận ở Hà Nam 河南 đầu hàng nhà Đường, được ban chức Tổng quản Lê Châu, phong Tào Quốc Công 曹国公, ban cho họ Lí. Tổng quản U Châu 幽州là La Nghệ 罗艺được phong là Yên Quận Vương 燕郡王, ban cho họ Lí. Năm Vũ Đức thứ 3, tướng giặc Hoà Châu 和州 là Đỗ Phục Uy 杜伏威 đầu hàng, đầu tiên được phong là Sở Vương 楚王, sau đổi phong là Ngô Vương 吴王, ban cho họ Lí. Tướng giặc Hoài Nhung 怀戎 là Cao Khai Đạo 高开道 đầu hàng, nhậm chức Tổng quản Uý Châu 蔚州, phong Bắc Bình Quận Vương 北平郡王, ban cho họ Lí. Tướng giặc là Lưu Hiếu Chân 刘孝真 đầu hàng, được phong là Bành Thành Vương 彭城王, cũng được ban cho họ Lí. Năm Vũ Đức thứ 4, Thượng thư lệnh của Đậu Kiến Đức 窦建德 là Hồ Đại Ân 胡大恩đem trấn Đại An 大安 về hàng, được phong là Định Tương Quận Vương 定襄郡王, ban cho họ Lí. Trong 3 năm ngắn ngủi, việc phong Vương trao chức cho số đông hàng tướng các tộc đồng thời ban cho họ Lí như thế, quả thực là việc làm chưa thấy trước đó. Đặc biệt là ban cho họ hoàng tộc, trong lễ giáo phong kiến chính thống được xem là:
Duy danh dữ khí, bất khả dĩ khinh thụ
唯名与器, 不可以轻授
(Với danh tước và lễ khí không thể dễ dàng ban cho)
việc tiếm việt danh vị, giai cấp thống trị phòng vệ cực kì nghiêm nhặt, duy chỉ nhà Đường lại xem đó như là một cách để củng cố chính quyền. Ngoài ra, Đường Thái Tông Lí Thế Dân 李世民 còn thông qua việc trùng tu tộc phả quán triệt tư tưởng:
Dục sùng trọng kim triều quan miện
欲崇重今朝冠冕
(Muốn tôn sùng quan miện triều đình hiện nay)
Bất tu luận sổ thế dĩ tiền, chỉ thủ kim nhật quan tước cao hạ tác đẳng cấp
不须论数世以前, 止取今日官爵高下作等级
(Không cần phải tính đến nhiều đời trước, chỉ lấy quan tước cao thấp hiện nay để làm đẳng cấp)
(Cựu Đường thư – Cao Sĩ Liêm truyện 旧唐书- 高士廉传)
ra sức đả kích thế lực cựu môn phiệt sĩ tộc của triều trước, lấy chức vị cao thấp có được của bản triều làm thứ tự đẳng cấp tính thị. Từ chế độ căn bản, điều này đã khiến cho địa vị của lực lượng mới phát sinh trong nội bộ tập đoàn thống trị được xác lập. Có thể thấy, tập đoàn thống trị đầu thời Đường với tấm lòng rộng mở đã dung nạp các giai tầng, các thành phần dân tộc, khiến kết cấu tự thân đã phát sinh sự biến đổi trọng yếu, do đó mà tràn đầy sức sống.
Sự dung hợp dân tộc thời Đường, trừ kết cấu chính quyền biểu hiện đặc trưng có đa dân tộc tham dự ra, về hạ tầng xã hội rộng lớn, Hồ tộc và Hán tộc tạp cư, lấy vợ sinh con, ở một trình độ tương đương đã thay đổi huyết thống Hán tộc truyền thống. Tại địa vực cư trú truyền thống của Hán tộc, các hoạ sư, nhạc sư, ca kĩ, thương nhân, tăng lữ thuộc Hồ tộc đến từ tây vực, không chỉ đông về số lượng mà còn hoạt động với tần suất cao đã cấu thành cảnh quan phong tình dân tộc đặc biệt và tươi đẹp ở thời Đường. Trên thực tế, sự phát triển văn hoá cao độ, sự phồn vinh của văn học thời Đường, ở một trình độ lớn chính là do bởi ảnh hưởng của phong tình dị tộc, nó đã mở rộng tầm nhìn, làm phong phú cuộc sống văn hoá tinh thần của mọi người, đột phá những quan niệm chật hẹp của văn hoá trung nguyên mà đã hình thành trong một thời gian dài. Rất nhiều những bậc đại sư có vai trò quan trọng trong lịch sử văn hoá thời Đường là người Hồ. Ngoài đại thi nhân Lí Bạch đã nói ở trên, Lưu Vũ Tích 刘禹锡 cũng là người thuộc tộc Hung Nô 匈奴, Bạch Cư Dị 白居易 là người Cưu Tư 龟兹, Nguyên Chẩn 元稹 là hậu duệ của họ Thác Bạt 拓跋 tộc Tiên Ti 鲜卑 Bắc Nguỵ Bắc triều chính thống. Đương nhiên, những hậu duệ Hồ tộc này trường kì sinh hoạt trên địa vực cư trú của Hán tộc, nhận được sự giáo dục văn hoá Hán tộc hoá truyền thống, nên đã có đặc trưng và tập tục văn hoá người Hán rõ nét. Nhưng, trầm tích mang tính huyết thống truyền thống của tự thân dân tộc khiến cho bản thân họ vẫn có những điểm bất đồng với Hán tộc truyền thống. Những cống hiến trác việt cùng ảnh hưởng to lớn của những nhân vật này trong lịch sử văn hoá đã trực tiếp tạo nên phong thái đặc biệt của nghệ thuật văn hoá thời Đường, cả đến chuẩn tắc hành vi của kẻ sĩ cùng đặc điểm độc đáo của quan niệm tư tưởng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 03/01/2013
Dịch từ nguyên tác Trung văn
ĐƯỜNG VƯƠNG THẤT ĐÍCH DỊ TỘC HUYẾT THỐNG
唐王室的异族血统
Trong quyển
NGUYÊN CHẨN DỮ THÔI OANH OANH
元稹与崔莺莺
Tác giả: Hứa Tổng 许总
Trung Hoa thư cục, 2004.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét