THIÊN KIM MÃI CỐT
千金买骨
NGÀN VÀNG MUA BỘ XƯƠNG KHÔ
Xuất xứ: Hán . Lưu Hướng 刘向: Chiến quốc sách – Yên sách 战国策 - 燕策
Thời Chiến quốc, nước Yên phát sinh nội loạn, nước Tề thừa cơ đánh bại nước Yên. Vị Hoàng đế mới lên ngôi là Yên Chiêu Vương muốn phục thù nên ra sức mời gọi người hiền tài ra giúp trị nước an dân.
Yên Chiêu Vương hỏi ý kiến đại thần Quách Ngỗi 郭隗, Quách Ngỗi kể cho Yên Chiêu Vương nghe câu chuyện ngàn lượng vàng mua bộ xương khô:
Thời xưa, có một vị quân vương ban bố cáo thị, muốn mua một con thiên lí câu với giá một ngàn lượng vàng, qua 3 năm vẫn chưa có. Lúc bấy giờ có một người hầu cận mang một ngàn lượng vàng đi tìm. Cuối cùng sau 3 tháng tìm được con ngựa câu tài giỏi, nhưng đáng tiếc là nó đã chết. Người đó liền bỏ ra 500 lượng vàng mua lấy bộ xương ngựa. Vị quân vương tức giận bảo rằng:
Ta cần là một con tuấn mã, nhà ngươi lại lấy 500 lạng mua về đống xương vô dụng!
Người hầu thưa rằng:
Nếu bộ xương con thiên lí mã mà có thể bán được 500 lượng, thế thì giá tiền một con thiên lí mã còn sống phải đáng giá cả ngàn lượng. Sau khi tin này mà truyền ra, thiên hạ cho rằng ngài là người rất yêu quý ngựa hay, họ sẽ tranh nhau đưa thiên lí mã tới để được ngài ban thưởng.
Quả nhiên, chưa tới một năm, mọi người từ các nơi tấp nập đến dâng thiên lí mã.
Sau khi kể xong, Quách Ngỗi nói rằng:
Nếu đại vương muốn chiêu nạp hiền tài thì trước tiên nên dùng thần, người có tài đức sẽ nghĩ rằng: Ngay cả người bình thường như Quách Ngỗi mà cũng được trọng dụng thế thì họ đương nhiên sẽ được đãi ngộ theo nghi lễ cao hơn.
Yên Chiêu Vương bèn ra lệnh xây cho Quách Ngỗi phủ đệ hoa lệ, đồng thời tôn ông ta làm thầy. Tin tức truyền đi, hiền tài bốn phương đua nhau đến nước Yên. Yên Chiêu Vương nhờ những hiền tài lương tướng đó, trải qua 28 năm quyết chí tự cường, cuối cùng liên hợp với Tần, Sở đánh bại nước Tề, thu phục lại đất đai đã mất.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/01/2013
Dịch từ nguyên tác Trung văn
THIÊN KIM MÃI CỐT
千金买骨
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét