TÁI GIÁ
Tái giá là hình thức hôn nhân của phụ nữ kết hôn lại sau khi người chồng qua đời hoặc li hôn, còn gọi là “cải giá” 改嫁 hoặc “dịch giá” 易嫁.
Trong lịch sử Trung Quốc, có rất nhiều phụ nữ nổi tiếng từng cải giá. Sau khi con trai của mình là Bá Ngư 伯鱼 qua đời, Khổng Tử 孔子đã gã con dâu đến nước Vệ; Trác Văn Quân 卓文君thời Tây Hán đã tái giá với Tư Mã Tương Như 司马相如; vợ của Vệ Thanh 卫青đại tướng quân thời Hán là công chúa Bình Dương 平阳 cũng là tái hôn; Lí Thanh Chiếu 李清照 từ nhân thời Bắc Tống cũng từng cải giá. Trong xã hội phong kiến, phụ nữ tái giá so với đàn ông tái thú khó khăn hơn nhiều, sự hạn chế của lễ chế và tập tục đối với tái giá vô cùng nghiêm nhặt.
Nguyên nhân chủ yếu hạn chế phụ nữ tái giá đó là quan niệm trinh tiết ngoan cố bảo thủ trong đầu mọi người, đây là hạn chế quan trọng của việc phụ nữ tái giá. Quan niệm yêu cầu phụ nữ phải “tùng nhất nhi chung” 从一而终 đã có từ thời Chiến quốc. Lễ kí 礼记 có nói:
Nhất dữ chi tề, chung thân bất cải, cố phu tử bất giá (1)
一与之齐,终身不改,故夫死不嫁.
(Khi đã cùng với chồng uống rượu giao bôi thì đã trở thành người của nhà chồng, suốt đời không thay đổi. Cho nên nếu chồng qua đời thì không cải giá)
Nhưng nói chung, từ thời Tống trở về trước, sự ước thúc của lễ chế đối với việc tái giá không kiên quyết lắm, vợ của Tào Phi 曹丕 mà Tào Tháo 曹操 cưới cho là dâu của Viên Thiệu 袁绍. Sau khi Lí học của Trình 程Chu 朱 hưng khởi, việc phản đối quả phụ tái giá mới trở thành phong khí của xã hội. Trình Di 程颐 nói rằng:
Ngạ tử sự cực tiểu, thất tiết sự cực đại.
饿死事极小,失节事极大
(Chết đói là chuyện cực nhỏ, thất tiết mới là chuyện cực lớn)
Và trong Cận tư lục 近思录, quyển 6 (2)có ghi :
Nhược thú thất tiết giả dĩ phối thân, thị kỉ thất tiết dã.
若娶失节者以配身,是己失节也
(Nếu lấy người đàn bà thất tiết làm vợ thì chính bản thân mình thất tiết)
Những luân lí phong kiến này đề xướng phản đối việc quả phụ tái giá, phản đối đàn ông lấy quả phụ.
Pháp chế phong kiến cực lực đề cao và tán dương người “thủ tiết”, hạn chế việc tái giá. Các triều đại đều đề cao “trinh tiết bài phường” 贞节牌坊. Những gông cùm phong kiến này đã trói buộc tư tưởng của quả phụ, khiến họ ngay cả nghĩ đến việc tái giá cũng không dám. Để giữ thể diện của giai cấp thống trị, các triều đại sau đời Tống thậm chí đã dùng hình thức pháp luật quy định: các mệnh phụ được thụ phong sau khi chồng mất phải thủ tiết, không được cải giá.
Nghi thức hôn lễ của quả phụ tái giá cũng giống tái thú, không được coi trọng như hôn lễ lần đầu tiên. Thậm chí nhiều nơi cho rằng đó là việc chẳng vẻ vang gì, nên về mặt tập tục mang tính chất “trừng phạt” thậm chí “lăng nhục”.
Với dân tộc Tráng 壮 ở trung bộ tỉnh Quảng Tây, trước đây phụ nữ trong tháng trăng mật mà chồng chết thì gọi là “tản hạ quả” 伞下寡; sau khi sinh con mà chồng chết thì gọi là “uyên ương quả” 鸳鸯寡; người chống chết bất đắc kì tử thì gọi là “đoạn kiều quả” 断桥寡. Người phụ nữ “tản hạ quả” khi tái giá không được trang điểm, lúc cưới, nửa đêm một mình lén theo cửa sau ra ngoài. “Uyên ương quả” cải giá càng khiến mọi người lạnh mình: khi xuất giá quả phụ dắt theo bên người con dao chặt củi, đầu đội nón trúc, chân mang giày cỏ, nửa đêm ra đầu thôn đến căn lều cỏ dựng trước đó để tránh “vong linh” 49 ngày. “Đoạn kiều quả” xuất giá, phải ở nơi đồng hoang 3 đêm, mỗi đêm đến ôm hôn một gốc cây lớn, mục đích là đem mệnh của “khắc phu” 克夫chuyển vào cây để bảo vệ cho người chồng sau được bình an.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Câu này ở thiên Giao đặc sinh 郊特牲 trong Lễ kí 礼记.
(2)- CẬN TƯ LỤC 近思录: đây là bộ sách do Chu Hi 朱熹 và Lữ Tổ Khiêm 吕祖谦thời Nam Tống hợp biên, tuyển chọn từ những ngữ lục của các nhà Lí học thời Bắc Tống là Chu Đôn Di 周敦颐, Trình Hạo 程颢, Trình Di 程颐, Trương Tái 张载 mà thành. Bộ sách này có 14 quyển.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 21/01/2013
Dịch từ nguyên tác Trung văn
TÁI GIÁ
再嫁
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét